7. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Sử dụng chi tiết điển hình
Không dừng lại ở việc cung cấp lượng thông tin cập nhật, nóng hổi, các phóng sự bao giờ cũng muốn vươn xa hơn trong cách thức thể hiện để tạo được ấn tượng trong lòng độc giả. Việc lựa chọn những chi tiết điển hình, đắt giá, có ý nghĩa tiêu biểu là một trong những yêu cầu quan trọng mà bất cứ nhà văn nào cũng đặt ra trong khi viết. Khảo sát phóng sự của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng chúng tôi nhận thấy cả hai nhà văn đều rất có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng những chi tiết điển hình nhằm khắc sâu sự kiện, làm nổi bật tính cách nhân vật và tô đậm chủ đề tác phẩm.
Tập phóng sự Việc làng của Ngô Tất Tố đã miêu tả một cách khá chi tiết cuộc sống của những người nông dân Việt Nam vì phải gánh chịu những hủ tục mà nhiều người phải rơi vào hoàn cảnh khốn cùng. Để làm nổi bật được sự quằn quại, điêu đứng, kiệt quệ của người nông dân dưới gánh nặng của hủ tục, Ngô Tất Tố đã sử dụng nhiều chi tiết điển hình. Trong Lớp người bị bỏ sót, mở đầu thiên phóng sự, khi kể về cuộc đời của cụ Thượng làng Lão Việt suốt cả cuộc đời chăm chỉ, làm lụng, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép mà không ngóc đầu lên được, đến khi chết “gánh tệ tục ấy vẫn đè ép chưa tha”, nhà văn đã chọn tình huống để thuật chuyện. Đó là cơn hấp hối của cụ cùng với một chi tiết đắt giá: “Hết câu đó, cụ trợn ngược hai mắt, đờm ở trong cổ kéo lên khè khè. Cả nhà nhớn nhác xúm lại. Trong lúc cả nhà im lặng bỏ tiền và gạo vào miệng người chết, thì ở ngoài vườn người ta hò reo để vật con trâu”[68,23]. Sự đối lập giữa sự “im lặng” của nỗi đau mất người thân với sự ‘hò reo” vui mừng của một cuộc chè chén sắp sửa theo lệ làng đã phần nào cho thấy tính chất vô nhân đạo, tàn nhẫn của hủ tục. Và đúng như cụ Thượng nói, Cụ nằm xuống, nhưng lại để lại cho con cụ một cái gánh nặng. Bởi sự ăn uống linh đình mà con cụ phải tổ chức để mời làng kia sẽ là món nợ mà một đời chưa chắc đã trả hết.
Gánh nặng của hủ tục đè nặng trên vai người dân thường được Ngô Tất Tố miêu tả gắn với hình ảnh của bọn cường hào ở làng quê. Trong Xâu
lòng thờ, chi tiết bác Hai Đắc chỉ vì quên biếu cụ Chưởng lễ một xâu lòng thờ
hôm tế ở đình đã bị cụ dọa nhất định đưa lên quan, để buộc bác phải theo những điều kiện: một là giết lợn mời làng tế thánh để lấy một xâu lòng thờ biếu hắn, hai là phải “đền” hắn một trăm bạc, đã làm nổi bật nỗi khốn khổ của người dân cũng như bản chất đê tiện của bọn cường hào.
Miêu tả việc ăn uống, tranh giành nhau từng góc chiếu, miếng thịt giữa làng, Ngô Tất Tố cũng đã lựa chọn rất nhiều hình ảnh tiêu biểu nhằm làm nổi bật tính hài hước và phê phán nạn xôi thịt ở nông thôn. Trong Một chiếc lăm lợn, chỉ vì tranh nhau ngôi chủ tế và cái lăm lợn mà đã xảy ra một cuộc hỗn chiến. Trong “cuộc chiến đấu” làm nhiều người bị thương nặng đó có những hình ảnh đáng ngạc nhiên: “Ồ lạ! Trong đám người ấy lại có người mặc áo thụng lam và đội mũ nhiễu hoa bạc! Tuy rằng đứng ở đằng xa cũng trông rõ (…). Trên bãi chiến trường còn lại bọn tuần đinh với một đám độ hơn mười người hầu hết có mặc áo thụng. Cái gì thế nhỉ? Cớ sao người ta lại bận lễ phục đi đánh nhau? Hay ở đây cũng là của Khổng, sân Trình, cho nên đi đánh nhau cũng phải giữ lễ?” [68, 99]. Thực ra bọn này chính là bọn “tư văn” trong làng, chỉ vì một chiếc lăm lợn mà bọn chúng tham chiến, tranh giành nhau đến vỡ đầu mẻ trán.
Ngô Tất Tố còn dùng rất nhiều những chi tiết có ý nghĩa để miêu tả những nghi lễ thờ cúng thành hoàng làng hết sức lạ lùng, cầu kỳ, tốn kém ở làng quê. Đó là những chi tiết miêu tả về “cuộc thi giết lợn” ở làng Th. L. hay cuộc so tài “lợn anh lợn em” ở làng Th. C, một làng khá lớn trong huyện Gia Lâm. Lời văn tả, giọng điệu hài hước pha chút mỉa mai, chế giễu cùng hàng loạt các hình ảnh sinh động, nhà văn đã làm bật nổi được tính chất vô nghĩa lý của những sinh hoạt tập thể ồn ào, náo nhiệt đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân. Việc sử dụng những chi tiết điển hình đã làm cho phóng sự của Ngô Tất Tố giàu sức biểu cảm đồng thời làm nổi bật được chủ đề của tác phẩm.
Với đề tài phản ánh là xã hội thị thành với những tệ nạn nhức nhối, Vũ Trọng Phụng trong các phóng sự của mình đã sử dụng nhiều chi tiết điển hình
nhằm làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Khai thác từ đề tài gái mại dâm, một tệ nạn đang hoành hành từng giờ, từng phút đe dọa và hủy diệt giống nòi, nhà văn không chỉ đưa ra những thống kê chính xác về con số 5.000 gái điếm và tác hại của nạn dịch này mà còn chọn những chi tiết mô tả thật đắt để khắc họa chân dung những con người đang ngụp lặn trong vũng bùn nhơ nhớp này của xã hội. Trong Phóng sự Lục xì, chỉ một đoạn đối thoại ngắn ngủi giữa ông đốc tờ và Phạm Thị Tý đã có tác dụng sâu sắc trong việc khắc họa thân phận của những cô gái mại dâm mạt hạng:
“- Con này, sao mày lại được tiếp khách như thế? - Bẩm quan lớn, không thế thì nó bóp cổ con chết mất! - Thế thì mày phải gọi đội xếp chứ!
- Bẩm… nhưng nó đã lột truồng con ra rồi! - Mày không kêu cứu à?
- Bẩm, ở nhà săm chứ không phải ở nhà con. Hôm ấy nhà săm vắng khách…
- Một thằng?
- Bẩm, đó là một thằng da đen ạ” [47, 78-79] .
Ở phóng sự Cơm thầy cơm cô, khi dựng lại cuộc đời của con sen Đũi, từ lúc ấu thơ đến khi gia biến và trở thành con sen và rồi bị tha hóa, tác giả đã chọn một chi tiết điển hình nhằm làm nổi bật thân phận khốn cùng của những đứa trẻ phải chịu kiếp tôi đòi: “Tôi lúc ấy mới mười ba tuổi đầu mà nó nhét giẻ vào mồm tôi, giữ hai chân tôi cho thằng oẳn cứ việc hiếp lấy, hiếp để”[50,128]. Sự kiện bị hãm hiếp đó đã đưa cuộc đời cái Đũi sang một trang khác. Ba ngày sau nó chính thức gia nhập làng mại dâm rồi cũng từ đó bị tha hóa đến mức dày dặn. Những chi tiết đó không chỉ có ý nghĩa khái quát cho số phận cay cực của những đứa trẻ rơi vào kiếp đời phiêu bạt của cảnh cơm thầy cơm cô mà còn có giá trị tố cáo sâu sắc bản chất tàn ác, khả ố, mất hết tính người của những mụ chủ, đó cũng là bản chất xấu xa của một chế độ.
Cùng với cách lựa chọn những sự việc tiêu biểu và bút pháp ký họa chân dung nhân vật, Vũ Trọng Phụng đã dựng lên trong tác phẩm của mình những nhân vật có tính chất điển hình, tiêu biểu cho tầng lớp người mà nhân
vật ấy đại diện. Trong thế giới đông đúc của Cạm bẫy người - một thiên phóng sự viết về nạn cờ bạc, tác giả chọn được những chi tiết đắt giá, làm nổi bật chân dung ông trùm làng cờ bạc bịp ngay ở cái vẻ bề ngoài: “Ở ngõ hàng Cá… người trông đẫy đà, bệ vệ như một ông hậu hoặc một viên tri châu nào. Hai con mắt sắc sảo có đủ vẻ đối địch với đời… ” [30,135]. Ngoài ra những chi tiết về cách thay hình đổi dạng để bắt “mòng”, những “quỷ thuật” trong cách ra đòn do chính Ấm B kể ra cũng cho thấy sự cao tay của một ông trùm trong một mạng lưới có tổ chức. Người đọc những tưởng Ấm B chỉ là một tên cờ bạc bịp lọc lõi, gian khôn, mất hết nhân tính nhưng chi tiết cuối của tác phẩm đã làm cho suy nghĩ, cảm xúc độc giả đổi dòng. Trước cái chết của Ba Mỹ Ký, một tay chân đắc lực, Ấm B đã đứng ra lo ma chay chu đáo cho người xấu số với suy nghĩ “nghĩa tử là nghĩa tận”. Hành động đó cho thấy Ấm B hóa ra vẫn còn là kẻ biết trọng tín nghĩa, có trước, có sau. Những chi tiết nghệ thuật đó không chỉ góp phần cá thể hóa nhân vật mà còn tạo được sự lôi cuốn bất ngờ cho người đọc.
Trong nhiều phóng sự của mình, Vũ Trọng Phụng đã thành công khi chọn những chi tiết điển hình, những đoạn đối thoại sinh động giữa các nhân vật để làm nổi bật tính cách nhân vật. Trong Một huyện ăn Tết, chỉ qua một đoạn văn ngắn, viên lục sự già đã hiện lên thật ma mãnh, đểu cáng. Bộ mặt nạ “vì dân” của hắn được tác giả lột trần. Sở dĩ, viên lục sự kiên quyết không nhận đút lót không phải vì thương dân mà vì: “Nếu nhận của họ bốn chục cam, hai cân đường ta, thì phải chạy cái bữa rượu tất niên cho họ, ít nhất là một con gà, hai cái chân giò, không thì cả một con chó. Chi bằng cứ chối phăng đi là hơn. Trò đời có đi có lại mới toại lòng nhau, vậy ai có dại gì mà nhận cái lễ vật chưa đáng đồng bạc để phải mất bữa rượu hai đồng bạc? Mà lại khổ vợ con, đầy tớ mình hầu các bố ấy nữa chứ?” [30,189]. Cách tính toán kỹ lưỡng, hơn thiệt của viên lục sự già đã cho thấy tính chất “thâm niên” trong nghề đục khoét và nhận hối lộ của những kẻ “phụ mẫu chi dân”.
Như vậy có thể nói, Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng khi phản ánh thực tại xã hội với bao nhiêu sự kiện bề bộn, ngổn ngang gắn với nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra trong xã hội, đã lựa chọn những chi tiết điển hình, đắt giá để
khái quát hiện thực và làm nổi bật chủ đề của tác phẩm. Tuy nhiên, nếu Ngô Tất Tố sử dụng những chi tiết điển hình chủ yếu để tô đậm chủ đề chung của phóng sự là tính chất “mọi rợ” và “quái gở” của các hủ tục ở chốn làng quê thì ở phóng sự của Vũ Trọng Phụng ngoài mục đích “hâm nóng” chủ đề, tác giả còn thiên về sử dụng chi tiết điển hình để khắc họa tính cách nhân vật, tạo nên những nhân vật tương đối đa dạng về tính cách. Những nhân vật như con sen Đũi (Cơm thầy cơm cô), Ấm B (Cạm bẫy người), Viên lục sự già (Một
huyện ăn Tết) hiện lên sinh động, nổi bật với những hành vi sắc nét, có hồn
vía, có thần thái là nhờ cách lựa chọn được những chi tiết vừa có tính cá thể hóa vừa điển hình trong những hoàn cảnh điển hình.
Tiểu kết chương 2
Như vậy, xuất phát từ đặc trưng cơ bản của thể loại phóng sự, Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng đã có nhiều điểm gặp gỡ ở nội dung phản ánh và nghệ thuật biểu hiện. Đó là cùng quan tâm đến những vấn đề xã hội nóng bỏng, cùng tiếp cận hiện thực xuất phát từ mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội với cảm hứng phê phán tố cáo mãnh liệt. Ở hình thức nghệ thuật, phóng sự của hai nhà văn đều có nét tương đồng ở xu hướng tiểu thuyết hóa, ở việc lựa chọn, sử dụng những chi tiết điển hình. Sự gặp gỡ này không phải là sự đồng nhất hai phóng cách phóng sự mà chính là một bước khẳng định sự phát triển của thể loại trong văn học Việt Nam hiện đại cũng như định hình rõ nét những đặc trưng riêng của phóng sự trong sự đối sánh với các thể loại văn học khác. Tuy nhiên xuất phát từ những điểm chung, mỗi nhà văn lại có cách khai thác riêng, thể hiện sức sáng tạo và phong cách nghệ thuật riêng. Đây chính là điểm thú vị của ngòi bút phóng sự của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng mà chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ trong chương sau.
Chương 3
PHÓNG SỰ NGÔ TẤT TỐ VÀ VŨ TRỌNG PHỤNG - NHỮNG NÉT KHÁC BIỆT