7. Cấu trúc luận văn
1.3.2. Vũ Trọng Phụng “ông vua phóng sự đất Bắc”
Vũ Trọng Phụng sinh năm 1912 tại Hà Nội nhưng chính quê của nhà văn ở làng Hảo, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông xuất thân trong một gia đình nghèo, một thứ “nghèo gia truyền” (lời của Ngô Tất Tố), có bố làm thợ tiện, mất từ khi Vũ Trọng Phụng mới 7 tháng tuổi, mẹ làm nghề khâu vá thuê, khi chồng mất mới 24 tuổi, đã ở vậy nuôi con cho đến khi qua đời. Vũ Trọng Phụng lớn lên trong nghèo túng, 15 tuổi đã phải thôi học để đi làm, kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau và cuối cùng chuyển hẳn sang nghề viết văn, làm báo sống chật vật, bấp bênh cho đến cuối đời. Ông mất vào ngày 13 tháng 10 năm 1939, vì bệnh lao trong cảnh sống nghèo khổ khi mới 27 tuổi.
Đúng như lời nhận xét của Chế Diễm Trâm: “Vũ Trọng Phụng sống ngắn nhưng sống sâu”. Chỉ với 27 tuổi đời và ngót mười năm cầm bút ngắn ngủi nhưng cây bút cần mẫn không bao giờ ráo mực - Vũ Trọng Phụng đã để lại một di sản văn học đồ sộ về số lượng, phong phú về thể loại gồm 6 phóng sự, 8 tiểu thuyết, 29 truyện ngắn, 1 truyện vừa, 6 vở kịch, 2 tác phẩm dịch và nhiều bài báo. Điều đáng quý là tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không chỉ lớn về số lượng, mà nói như nhà văn Ngô Tất Tố, đó thực sự là “những tác phẩm đáng khóc, đáng cười”, trong đó có cuốn được gọi là “ghê gớm, có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học” (Nguyễn Khải), đưa tên tuổi ông trở thành một trong những nhà văn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Thử bút ở nhiều thể loại nhưng thành công vang dội nhất của Vũ Trọng Phụng phải kể đến tiểu thuyết và phóng sự. Đứng trong hàng ngũ những người viết phóng sự
tiên phong, Vũ Trọng Phụng không chỉ để lại cho đời sau những tác phẩm có giá trị mà ông còn thẳng thắn, trực tiếp bày tỏ những quan điểm sáng tác của mình. Những quan điểm này được tập trung thể hiện ở những bài báo trả lời các cuộc tranh luận (Chung quanh thiên phóng sự Lục Xì; Để đáp lời báo
ngày nay), qua những bức thư tác giả gửi cho những người bạn (những bức
thư gửi cho vợ chồng nhà giáo Nguyễn Văn Đạm) hay từ những trang viết hồi tưởng lại những ấn tượng, kỷ niệm khó phai trong đời văn của mình (Một
hành vi bất lương trong nghề phóng sự). Với Vũ Trọng Phụng một tác phẩm
phóng sự phải đi sâu vào phanh phui, mổ xẻ những căn bệnh trầm kha của xã hội, những bất công, oan khổ, đói rét và bệnh tật của loài người. Không chấp nhận lối viết tụng ca xuôi chiều hay tô hồng hiện thực, nhà văn yêu cầu phóng sự phải phản ánh được “những sự thật ở đời”, “phải mổ nó ra, mặc lòng nó bẩn, nó khó chịu cho khứu quan” [48,133]. Hơn thế nữa, mục đích cao cả của các phóng sự không chỉ dừng lại ở việc “phô” ra, điều trần những “ô uế”, xấu xa của cuộc đời mà quan trọng hơn là phải giúp con người “chạy chữa” được những căn bệnh của mình. Phóng sự phải tái hiện nguyên hình “những vỉa quặng sự thật” vốn bị chìm lấp hoặc bị che đậy, phải dũng cảm “nói sự thật cho mọi người biết” đồng thời phải kiến giải được những vấn đề của hiện thực đời sống bằng thái độ, bằng chứng kiến, niềm tin và ý chí của mình nhằm thức tỉnh con người về những căn bệnh trầm kha, những thảm cảnh khiến họ ghê sợ mà tìm cách thoát khỏi nó, vươn tới những điều công bằng, lương thiện chứ không thể ru ngủ độc giả bằng “những danh từ điêu trá của văn chương” [48,133]. Bởi thế, cho nên trong bài Để đáp lại báo ngày nay:
Dâm hay không dâm? Vũ Trọng Phụng đã khẳng định: “Lạc quan được, cho
đời là vui, là không cần cải cách, cho cái xã hội này là hay ho, tốt đẹp rồi ngồi mà đánh phấn bôi môi hình quả tim để đi đua ngựa, chợ phiên, khiêu vũ, theo ý tôi thế là giả dối, là bị mình lừa mình và di họa cho đời, nếu không phải là vô liêm sỉ một cách thành thực” [48,133].
Có thể nói, với những tuyên ngôn nghệ thuật như vậy, Vũ Trọng Phụng ngay từ khi bước vào nghề văn, ngòi bút của ông đã có khuynh hướng tả chân rõ rệt thể hiện qua sự lựa chọn đề tài là vạch ra những chuyện dơ dáy của xã hội với một lối văn “tả một cách bạo hơn nữa, bạo đến sỗ sàng”. Từ
những tác phẩm phóng sự đầu tay như Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây cho đến những phóng sự sau này: Cơm thầy, cơm cô, Lục xì, Một huyện ăn Tết…, Vũ Trọng Phụng đã chứng tỏ một ngòi bút hiện thực hết sức già dặn và ngày càng “phản ánh trúng hơn những mâu thuẫn cơ bản của xã hội, những vấn đề có ý nghĩa thời sự, chính trị nóng hổi” [69,38]. Tất cả các mảng đời sống phức tạp, xô bồ, những vấn đề nóng bỏng nhức nhối của của đô thị Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX đều được nhà phóng sự đưa lên trang sách bằng thứ văn xuôi tư liệu hết sức đặc sắc. Đó là những tệ nạn xã hội, tràn lan như một thứ dịch bệnh đang hoành hành, tán phá mọi gốc rễ đạo đức xã hội, là những thảm cảnh khốn cùng của lớp người dưới đáy, bị đày đọa trong những kiếp tôi đòi khốn khổ… Trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng, hoạt động của thế giới cờ bạc bịp (Cạm bẫy người), cuộc đời của những người đàn bà lấy chồng Tây (Kỹ nghệ lấy Tây), cảnh sống của những con sen, thằng ở (Cơm thầy, cơm cô) hay tệ nạn mại dâm (Lục xì)… đều được soi chiếu, giải phẫu đến tận ngóc ngách. Dưới ngòi bút của ông, dường như tất cả những gì là giả trá, là ngụy tạo của tấn tuồng “Âu hóa” nhằm che đậy cho một xã hội mục ruỗng, lung lay đều bị bóc trần, phanh phui. Không chỉ phơi bày được bức tranh nhem nhuốc và hỗn tạp của cuộc sống đô thị Việt Nam đương thời, nhà văn còn mổ xẻ, phân tích, tiến hành những thao tác của nhận thức lý tính, xoáy sâu đến tận đáy vấn đề, khiến cho mỗi tác phẩm của ông như những chuyên đề điều tra xã hội học. Chính vì thế, phóng sự của ông đã chạm tới những vấn đề có tính chất quy luật, tính đương đại: Quy luật về sự biến chất tha hóa của con người trong xã hội thực dân phong kiến, quy luật thống trị của đồng tiền… Mặc dù, viết văn là để trút lên đầu cái xã hội “chó đểu”, “vô nghĩa lý” nỗi căm uất sục sôi chất chứa bằng những lời lẽ phỉ báng, giễu cợt gay gắt, quyết liệt nhất để lột trần nó, để hạ bệ nó nhưng người đọc cũng dễ nhận ra đằng sau những trang văn là sự trăn trở của Vũ Trọng Phụng dành cho những kiếp người đã và đang bị cuốn theo những vòng xoáy của một trật tự điên đảo . Không chỉ chứa đựng một nội dung hiện thực phong phú, các phóng sự của Vũ Trọng Phụng còn ghi được dấu ấn riêng bởi một “tay nghề” già dặn trong cách thức tiếp cận hiện thực, ở nghệ thuật trần thuật và tài năng sử dụng ngôn ngữ. Không chỉ tiếp cận hiện thực từ mặt trái của xã hội, nhà văn còn đi
sâu vào bản chất của sự vật hiện tượng từ góc độ cơ cấu, tổ chức để nhìn thấy thế giới cờ bạc bịp trong một chỉnh thể thống nhất “làng bịp”, nhìn những me Tây trong cơ chế một “làng me”…; từ góc độ nghề nghiệp để nhìn thấy các tổ chức ấy có tính chất nghề nghiệp rõ ràng, chặt chẽ: nghề mại dâm, nghề đánh bạc, nghề đi ở... Hơn thế, nhà văn còn “đột nhập” xã hội từ phía “cổng hậu” tồi tàn, hôi hám để hiểu được mặt trái cơ cực của nghề đi ở hay thực trạng đau thương của nạn mại dâm. Có thể nói, ở mỗi tác phẩm ông đều lựa chọn được cho mình hướng tiếp cận hết sức “lịch duyệt” (Phạm Thế Ngũ). Bên cạnh khả năng xử lý tư liệu linh hoạt, bút pháp trần thuật đầy biến hóa uyển chuyển và việc đưa vào phóng sự thứ ngôn ngữ sắc nhọn gai góc, đời thường suồng sã, Vũ Trọng Phụng đã nghệ thuật hóa thể văn phóng sự bằng xu hướng tiểu thuyết hóa. Chính sự đan xen những yếu tố của tiểu thuyết (cốt truyện, nhân vật có tính điển hình…) trong tác phẩm phóng sự đã biến thể văn báo chí này thực sự trở thành một thể loại văn học, thấm đẫm chất văn chương. Không chỉ ghi chép, mô tả hiện thực, nhà văn còn dựng lên được những không gian nghệ thuật sinh động. Ở đó, các sự kiện hô ứng, bổ sung, xâu chuỗi, va đập với nhau. Chân dung, số phận, tính cách mỗi con người hiện lên sắc nét, sinh động như đang sống dậy trước mắt người đọc. Nhà văn Phùng Tất Đắc cho rằng: “Ngòi bút phóng sự của Vũ Trọng Phụng đã đạt tới một độ rất cao trong nghệ thuật” bởi vì “không chỉ ngòi bút ấy ghi lại được cái trạng thái biểu hiện trong chớp mắt, cái trạng thái phức tạp hỗn độn và bình dị, linh hoạt của sự thực hàng ngày xô đẩy quanh mình”[50,7], mà còn cho người đọc thấy được bản chất của thực tại, như được sống trong thực tại ấy hơn thế nữa còn bị thực tại ấy ám ảnh, lay tỉnh, cật vấn một cách mạnh mẽ. Tài năng độc đáo đó của Vũ Trọng Phụng đã làm nên những thiên phóng sự bất hủ và tác giả được bạn bè đồng nghiệp trân trọng khẳng định là một “gương mặt lạ” trong văn học, là “ông vua phóng sự đất Bắc” mà cho đến nay chưa có người “kế vị”.
Tiểu kết chương 1
Ở chương 1, trên cơ sở tìm hiểu đặc trưng, sự hình thành và phát triển của thể loại phóng sự và tổng quan về phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930- 1945, chúng tôi bước đầu đã xác định được vai trò của phóng sự Ngô Tất Tố
và Vũ Trọng Phụng. Mỗi nhà văn đều có những đóng góp riêng trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật góp phần hoàn thiện bức tranh thể loại của một giai đoạn văn học cũng như khẳng định được phong cách nghệ thuật riêng của mình. Những khám phá ban đầu đó sẽ là cơ sở giúp chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn những nét tương đồng và khác biệt ở thể loại phóng sự của hai nhà văn trong chương hai và chương ba.
Chương 2
PHÓNG SỰ NGÔ TẤT TỐ VÀ VŨ TRỌNG PHỤNG - NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG