Tiếp cận hiện thực từ mặt trái của xã hội

Một phần của tài liệu Phóng sự ngô tất tố và vũ trọng phụng (qua cái nhìn đối sánh) (Trang 52 - 59)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.2.Tiếp cận hiện thực từ mặt trái của xã hội

Cách nhìn, cách hiểu, cách đánh giá của nhà văn đối với xã hội, cuộc sống và con người là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sáng tác, chi phối toàn bộ thế giới nghệ thuật ở mọi cấp độ. Nói cách khác nó bao trùm và chỉ đạo toàn bộ thế giới tinh thần bên trong của nhà văn, tạo nên giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, góp phần khẳng định sự tồn tại của người nghệ sỹ.

Như đã nói, cuối những năm 20, đầu những năm 30 của thế kỷ XX, xã hội thực dân nửa phong kiến Việt Nam có những biến động sâu sắc. Ở nông thôn, cuộc sống người nông dân ngày càng trở nên tiêu điều, xơ xác, xã hội phân hóa sâu sắc, kéo theo là sự thay đổi về lối sống và sự xuất hiện hàng loạt những tệ nạn hàng ngày, hàng giờ làm băng hoại nghiêm trọng đạo đức xã hội. Cũng như nhiều nhà văn hiện thực phê phán khác, ngòi bút phóng sự của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng không thể không ghi lại những đổi thay, những mảng màu đen tối ấy của xã hội. Và để có được những trang phóng sự lôi cuốn, có giá trị, phản ánh được bản chất của xã hội đương thời, cả Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng khi tiếp cận hiện thực, đều chủ yếu xuất phát từ mặt trái của xã hội

Tiếp cận từ mặt trái của hiện thực, Ngô Tất Tố đã cho người đọc thấy một nông thôn hoàn toàn xa lạ với nông thôn được tô vẽ, đẹp, thơ mộng trong sáng tác của các nhà văn lãng mạn, hay trong phóng sự của một số cây bút đương thời. Nếu Đồng quê của Phi Vân là một bức tranh tuyệt đẹp về phong tục, lối sống về người dân miệt vườn Nam Bộ thì đọc những trang phóng sự của Ngô Tất Tố, người đọc thật sự được “mục sở thị” một nông thôn Việt

Nam đói nghèo, lạc hậu, cổ hủ, chìm trong ngu tối bởi những hủ tục “mọi rợ”, “quái gở”. Nhà văn đi sâu vào một thực trạng thối nát đang diễn ra ở nông thôn. Đó là bọn cường hào ở làng quê lợi dụng “phong trào phục cổ”, cố tình duy trì và bày đặt thêm những hủ tục nặng nề để hà hiếp, bóc lột, đục khoét bằng nhiều thứ thuế hữu hình và trá hình. Còn cuộc sống người dân - những nạn nhân của hủ tục thì điêu đứng, kiệt quệ. Có người vì “hạt gạo xôi mới” hay “một đám vào ngôi” cho con mà mất hết cả cơ nghiệp. Có người vì không có tiền “mua cỗ” cho đứa bé chưa đầy năm tuổi mà đến phải bỏ làng ra đi. Để có tiền lo một “cỗ oản tuần sóc” người ta phải dỡ nhà để bán. Vì một “tiệc ăn vạ” có người phải bán hết đất đai nhà cửa rồi phải dọn ra ở một túp lều đầu làng. Thậm chí có người phải thắt cổ tự tử!.. Có người như cụ Thượng Lão Việt đến tận khi chết còn oan ức kêu lên: “Một người chăm chỉ, cần kiệm, lao lực như tôi, chỉ vì một gánh tệ tục đè ép, đến nỗi suốt đời không ngóc đầu lên được, bây giờ sắp chết, gánh tục lệ ấy vẫn còn đè ép chưa tha, ông bảo có oan uổng không?” [68,23]. Và khi cụ đang nói những lời cuối cùng trong cơn hấp hối thì ở ngoài ngõ người ta đang hò nhau vật trâu để mời làng, đãi phe, theo tục lệ. Biết bao nhiêu điêu đứng, nhiêu khê, nhục nhằn mà người nông dân phải chịu đựng bởi “phép vua thua lệ làng”.

Tuy nhiên cũng từ mặt trái của hiện thực, Ngô Tất Tố đã mạnh dạn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong tâm lý của người dân quê. Bằng cái nhìn sắc sảo của một nhà báo Ngô Tất Tố cũng nhận ra, một số người nông dân không chỉ là nạn nhân của hủ tục mà còn là nạn nhân của chính mình, của thói háo danh và mê tín dị đoan. Ngô Tất Tố nghiêm khắc chỉ ra chính thói háo danh, tranh nhau ngôi thứ ở chốn đình trung là nguyên nhân khiến người nông dân mắc vào âm mưu của bọn thực dân phong kiến cũng như khiến họ rơi vào thảm cảnh. Ông Lũy trong phóng sự Góc chiếu sân đình là một nạn nhân như thế. Hai vợ chồng ông vốn “rất thật thà, chăm chỉ”, chồng đi cày thuê, vợ đi ở vú, và với “cái chính sách tiết kiệm trong một thời kỳ dài, đã đưa nhà ông lên bậc có máu mặt, lưng vốn ở nhà đã có gần mẫu ruộng và nửa con trâu” [68, 48]. Bọn lý dịch trong làng thấy vậy liền tìm cách đục khoét, chúng tán tỉnh bán cho ông cái chức “lý cựu” để lấy trăm bạc. Lúc đầu, ông Lũy cũng phân

vân, ông không thú vị lắm cái của “không tân mà cựu”. Nhưng bọn lý dịch tìm mọi cách thuyết phục ông, bản thân bà vợ ông Lũy cũng muốn được làm bà Cựu nên khuyên ông cố lo. Và thế là để có được trăm bạc nộp làng, ông phải bán cả ruộng cả trâu, hai thứ quý nhất đối với người nông dân. Ông tâm sự: “thế là công việc mười phần đã xong chín phần, chỉ còn khao làng một bữa, thì sẽ thành danh ông Cựu”. Bà Cựu định liệu thấy tốn kém nên khuyên chồng chỉ làm cho đủ lệ làng nhưng ông không nghe. Ông cho rằng bây giờ mình đã là bậc lý cựu trong làng không thể cư xử một cách nhom nhem được, ông phải làm thật linh đình. Và vì bữa khao làng ấy, vì cái hư danh ấy mà gia đình ông lý cựu khánh kiệt cả tài sản, còn phải đi vay nợ. Làng nước ăn khao xong, bà Cựu lại buồn bã cắp nón lên Hà Nội đi ở vú. Và ông Cựu cố nhiên cũng phải trở về nghiệp cũ đi cày thuê. Chỉ vì hai tiếng “ông Cựu” mà trong phút chốc vợ chồng ông Lũy đã đốt cháy sạch cái gia tài do bao nhiêu năm lao động cần cù, cực nhọc mới có được.

Câu chuyện Góc chiếu sân đình cho thấy Ngô Tất Tố rất am hiểu tâm lý người nông dân ở nông thôn. Qua bao nhiêu thế hệ, bọn thống trị đã nhồi sọ nông dân, tạo cho họ cái tâm lý ham thích danh vọng hão huyền. Khi có đủ bát cơm, manh áo người ta lại muốn kiếm chút danh vị để có một chỗ ngồi ở đình làng. Bọn lý dịch cường hào thì lợi dụng vào đó để chè chén và kiếm chác. Bản chất của cái chức “lý cựu” đã làm nổi bật lên cái tính chất hư danh của nó. Trong nhiều câu chuyện khác, Ngô Tất Tố cũng chỉ ra hiện trạng vì để được tiếng với dân làng, được làng kính nể mà người ta chăm chút cho “con gà thờ” hơn chăm mẹ đang đau ốm (Con gà thờ); chỉ vì một chức tiên chỉ mà gây ra án mạng (Cái án ông cụ)… Hơn nữa người nông dân lại còn rất mê tín, họ thờ những đức thượng đẳng mà họ coi là những đấng linh thiêng để mong “Người” phù hộ cho công cuộc làm ăn, sinh sống của họ. Ngòi bút sắc sảo của Ngô Tất Tố cũng đã “lộn trái” cho người đọc thấy đằng sau tục thờ thần hoàng làng có vẻ là một phong tục đẹp ở thôn quê là những câu chuyện rất hoang đường. Thành hoàng làng mà người dân một lòng sùng bái thờ cúng rồi hằng năm tổ chức kỷ niệm sự nghiệp của thần bằng những cuộc thi, những nghi lễ tập thể ồn ào, tốn kém có khi lại là một “ông bốn cẳng”, một người

mù, một kẻ dâm dục, một ông tướng cướp…Vậy mà người nông dân một lòng sùng bái, bỏ cả công ăn, việc làm để theo, thậm chí có người còn rất tự hào về cái “văn vật” đó của làng: “Anh bảo trong nước Nam đã mấy làng đã được văn vật như làng D.L. tôi chưa?” [68, 266]. Tuy chế giễu thói mê tín dị đoan và đặc biệt phê phán cái tâm lý chạy theo hư danh ngôi thứ nhưng Ngô Tất Tố không bao giờ xem đó là bản chất của người nông dân. Nhà văn hiện thực rất sâu sắc khi thấy rõ đó là những ảnh hưởng xấu tiêm nhiễm từ giai cấp thống trị. Ông xót xa cho tấm thảm kịch của những người nông dân đang mê muội trước hủ tục.

Tiếp cận hiện thực từ những góc khuất tối tăm, rách nát, của xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX dưới tác động sâu sắc của những biến thiên lịch sử, Vũ Trọng Phụng đã khám phá ra bao nhiêu sự thật hãi hùng, những ung nhọt trầm trọng với bao nhiêu kệch cỡm, lố lăng và đầy rẫy những hiểm họa. Nếu như các tác giả của Tự lực văn đoàn như Nhất Linh, Khái Hưng lạc quan, tin tưởng vào phong trào Âu hóa, văn minh, kêu gọi thanh niên vui vẻ, trẻ trung, rũ bỏ sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến, qua các tiểu thuyết như Gánh hàng hoa, Đoạn Tuyệt, Nửa chừng xuân, thì Vũ Trọng Phụng cùng những nhà văn hiện thực phê phán khác đã hướng ngòi bút của mình vào bản chất bên trong cuộc sống xa hoa đô thị. Đó là sự cùng khổ của dân nghèo lao động, sự sa đọa, xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận người trong xã hội.

Trước hết, nhà văn đã cho người đọc thấy được cuộc sống cùng quẫn, bế tắc, cực khổ, tủi nhục của tầng lớp lao động nghèo khổ ở thành thị. Cơm

thầy cơm cô là thiên phóng sự xuất sắc viết về thảm cảnh của những người

đói nghèo, khốn khổ, hầu hết từ nông thôn phiêu bạt lên Hà Nội kiếm sống, tạo thành một đạo quân thất nghiệp đói rách. Hình ảnh những con người “không biết từ đâu chui ra”, “đến họp ở ngã tư này như ruồi thấy mùi mật” [50,114], thành những cái chợ người, đã phơi bày tất cả cái “thương tâm” của xã hội Hà thành. Từ khắp các vùng nông thôn xa xôi, những con người đó vì đói khát đã bỏ lại sau lưng gia đình, quê hương, lên đô thành ăn chực, nằm chờ trong các nhà ga, quán trọ hôi hám, bẩn thỉu, chờ được bán sức lao động.

Đây là hình ảnh một chợ người ế ẩm, đói rách, buồn tẻ,: “Cả đám người ngồi tản mạn thành từng tốp nho nhỏ. Trẻ với trẻ, già với già, con trai với con trai... người ta nói chuyện rì rầm… và bắt chấy cho nhau cắn cho đỡ đói” [50,115]. Những con người đó đang chờ được làm “nô lệ” hiện đại, mong cuộc sống khấm khá hơn trong kiếp con sen, thằng ở với giá bán nhiều khi không bằng con vật. Đoạn đối thoại giữa nhân vật tôi và mụ chủ đưa người đã phơi bày tất sự rẻ mạt của “cái giá trị là người”: “Tôi chỉ bọn trẻ, trai và gái chưa qua 12 tuổi và hỏi mụ già:

- Cái bọn này thì bà định kiếm cho chúng mỗi tháng độ bao nhiêu công? Mụ già khinh khỉnh nhìn tôi từ đầu dến chân rồi quay đi chỗ khác. Mãi mới đáp:

- Thời buổi này cái bọn nhãi nhép ấy cứ được người ta mượn cơm không thôi đã là phúc.

... Tôi chỉ cái thằng nhỏ cùng loạt tuổi tôi mà hỏi: - Thế bọn này?

- Đứa năm hào, đứa ba hào…

- Thế bà lão định ở vú già, đương ngồi ăn ngô ở gốc cây kia kìa? - Cũng quanh quất đâu vào cái giá ấy.” [50,117]

Từ thực tế mắt thấy, tai nghe, tác giả đã kết luận một cách chua chát và đích đáng giá trị của một loại người: “Nghĩa là có khi không bằng giá súc vật” [50,117].

Đã chấp nhận làm công với giá rất rẻ mạt, suốt ngày quần quật làm việc, ăn đói làm no vậy mà những kiếp tôi đòi ấy còn bị những nhà chủ độc ác và đểu giả đày đọa. Thân thể bị hành hạ, danh dự bị xúc phạm là cảnh ngộ chung của con ở bị điện giật, thằng bé ho lao và bao nhiêu than phận tôi đòi khác. Cuốn tiểu thuyết cuộc đời con sen Đũi, mười hai tuổi đi ở trong cực nhục, mười ba tuổi bị mụ chủ nhà đẩy vào nghề mại dâm rồi sau đó tha hóa, biến chất là những minh chứng bi thương nhất phơi bày bản chất xấu của một chế độ. Và nhà văn đã khái quát mặt trái của Hà thành bằng nững nhận xét tinh tế và sâu sắc nhất: “Nó đã cất tiếng gọi dân quê bỏ những nơi đồng khô cỏ héo đến đây để chết đói một lần thứ hai sau khi bỏ cửa, bỏ nhà. Nó làm cho giá con người

ngang hàng với giá loài vật, nó làm cho một bọn trẻ đực vào Hỏa Lò và một bọn trẻ cái làm nghề mại dâm” [50,115]. Cuộc sống của những con người dưới đáy bần cùng, khốn khổ này là bản chất thực bên trong, là nét tương phản gay gắt của bộ mặt đô thị Việt Nam hào nhoáng, giả tạo đương thời.

Đi sâu vào cuộc sống của những con sen, thằng ở, nhà văn đã phát hiện, phanh phui ra biết bao nhiêu câu chuyện xấu xa, hãi hùng về thế giới loài người. Đó là chân dung những ông chủ, bà chủ keo bẩn, độc ác. Đó là mối quan hệ chủ tớ phản ánh rõ rệt nhất sự phân biệt đối xử, sự phân hóa giai tầng trong xã hội, và rất nhiều mối quan hệ đầy tính chất bi hài giữa vợ chồng, cha con của xã hội thị thành. Hình ảnh bà chủ của con sen Đũi một me Tây, hết duyên, về già, lẳng lơ, đĩ thõa, suốt ngày bắt đứa ở ăn đói, làm no, một ngày độ ba trăm lần rủa “tiên sư cha” đầy tớ, rồi nhét giẻ vào mồm đầy tớ, giữ chân đầy tớ cho “thằng oản hiếp lấy hiếp để” hiện lên dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng thật đáng khinh bỉ và phỉ nhổ. Một bà chủ giàu có khác lại đếm từng miếng thịt sau khi ăn, liên tục “tiên nhân cha” con sen ra vì bất cứ tội gì. Còn ông chủ, chồng bà, chỉ vì con Đũi không được bà chủ dặn nên khi đi mua một hào thịt quay đã “không chia làm hai lần, mỗi lần năm xu để cho nhà hàng phải thêm, mua được rẻ” mà bị ông gọi ra tặng cho “mười hai cái bạt tai”. Và cũng vì chuyện ấy “giữa ông chủ và bà chủ đã xảy ra một cuộc khẩu chiến đại kịch liệt, ông gọi bà bằng những tên giống vật, và bà lấy những chỗ hiểm trong thân thể người đàn bà mà đặt danh từ (nom) và trạng từ (adjectif) lại cho cái mặt phúc hậu của ông” [50,130]. Qua lời kể của bọn “cơm thầy cơm cô”, giới chủ nhà hiện lên thật thấp hèn và khốn nạn. Đối với họ, miếng ăn, đồng tiền là trên hết, quan hệ máu mủ chỉ là thứ yếu. Một gia đình nhà chủ có sáu người, đến bữa, họ ăn cùng mâm với nhau những mỗi người đều có niêu cơm và thức ăn riêng. Một hôm, người bố vô tình “ăn nhầm” một miếng chả rươi, người con (một ông phán) đi làm về đã gắt ầm lên, gọi bố là thằng này, thằng nọ: “Nhầm! Thằng thuê gác ngoài, thằng thuê gác trong mà… nhầm, kể cũng lạ” [50, 113]. Lại có những ông chủ nuôi chó tử tế nhưng nuôi bố thì vô đạo đức. Con chó thì suốt ngày ăn thịt bò với súp, lại còn có người dắt đi chơi và tắm rửa cho, ông bố thì áo nâu, quần vá, làm lụng cả ngày. Tiếp

cận hiện thực từ cổng hậu, dựng lên chân dung của những ông chủ, bà chủ và những mối quan hệ của họ, Vũ Trọng Phụng không chỉ phơi bày thảm cảnh khốn cùng của những kiếp tôi đòi mà còn cảnh báo về sự băng hoại đạo đức, nhân cách của những người có tiền, có quyền, được chính những người đi ở nhận xét: “Càng những quân giàu có, thì lại càng keo bẩn, chó đểu, không ra loại người” [50,129].

Tiếp cận hiện thực từ những mặt trái, từ những góc khuất của hiện thực, Thiên Hư không chỉ vạch ra thực trạng về sự phân hóa giàu nghèo, sự xuống cấp của đạo đức, lối sống, mà còn khẳng định một sự thật hãi hùng là trong lòng xã hội tồn tại đầy rẫy những tệ nạn xã hội nhức nhối. Đó là nạn mại dâm, một tệ nạn khủng khiếp đang tràn lan trong xã hội. Nạn cờ bạc bịp với những con bạc hoạt động có tổ chức với những ngón nghề được trang bị

Một phần của tài liệu Phóng sự ngô tất tố và vũ trọng phụng (qua cái nhìn đối sánh) (Trang 52 - 59)