7. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Xu hướng tiểu thuyết hóa
Trong tiến trình phát triển, mỗi thể loại văn học đều có ý thức làm phong phú thêm và tự tăng trưởng thêm khả năng chiếm lĩnh nghệ thuật của mình đối với thế giới. Cuộc sống con người và hiện thực luôn luôn có những sự vận động, biến đổi không ngừng. Thể loại văn học cũng vậy, chỉ chức năng riêng có của mình thì không đủ đáp ứng nhu cầu tồn tại, phát triển và chiếm lĩnh hiện thực, vì thế “văy mượn” chức năng và đặc điểm của thể loại khác gần như là một tất yếu của sự phát triển. Phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930- 1945 cũng không nằm ngoài xu hướng tất yếu đó. Phóng sự với đặc trưng là ghi chép những sự việc người thực, việc thực đã phơi bày hiện thực một cách chính xác, mang tính thời sư nóng hổi. Trên thực tế, thể loại văn - báo này không dừng lại ở những giá trị tác động vào nhận thức lý trí mà còn tác động vào tình cảm của độc giả. Ngoài giá trị phản ánh, phanh phui hiện thực, những vấn đề đang diễn ra, phóng sự Việt Nam giai đoạn này còn hướng tới những vấn đề mang tầm khái quát cao. Chính xu hướng tiểu thuyết hóa đã góp phần làm nên giá trị trường tồn cho thể loại văn học này.
Cũng như hầu hết các thiên phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930-1945, phóng sự của Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng cũng mang đặc điểm chung là có xu hướng tiểu thuyết hóa.
Trước hết, cách đặt tên của các phóng sự, chúng ta thấy hai nhà văn đã tạo được ấn tượng mạnh, độc đáo cho độc giả như: Cạm bẫy người, Cơm thầy,
cơm cô, lục xì…(Vũ Trọng Phụng); Việc Làng, Tập án cái đình (Ngô Tất Tố).
Đây là sức hấp dẫn đặc biệt của các tiêu đề theo kiểu “tiểu thuyết” không chỉ lột tả được chủ đề mà còn gợi hàm ẩn sâu xa, không dừng lại ở mục đích thông báo cho người đọc về người thực, việc thực mà qua đó vô tình hoặc cố ý đã định hướng tiếp nhận giá trị đích thực của tác phẩm cho người đọc.
Nhập cuộc trong vai trò là một nhà phóng sự, Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng với ngòi bút của mình đã thâm nhập vào các thâm cung của các nghề trong xã hội, nhất là hướng ngòi bút vào tận các sào huyệt của những vấn đề
“nóng”, bức xúc nhất thời cuộc, lật lên cái bức màn giả dối, đen tối, nhức nhối của loài người. Thông qua những nhân vật, với những số phận, những cuộc đời bằng xương, bằng thịt ấy, phóng sự của hai nhà văn đã khái quát được những vấn đề xã hội lớn mang tính thời sự sâu sắc. Chính vì thế cũng dễ nhận thấy rằng phóng sự của Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất đã mở rộng về quy mô, tiến dần đến giới hạn khuôn khổ của tiểu thuyết, không còn bó hẹp trong khuôn khổ nhỏ gọn vài trang viết như thuộc tính vốn có của thể loại. Phóng sự
Cạm bẫy người của Vũ Trọng Phụng viết đến trên ba trăm trang sách, Lục xì
gần 200 trang, các phóng sự Cơm thầy, cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây cũng như
Việc Làng và Tập án cái đình của Ngô Tất Tố đều có số lượng trên dưới một
trăm trang được kết cấu với nhiều chương, mục. Ta thấy các phóng sự này mang dáng dấp của tiểu thuyết từ dung lượng phản ánh, kết cấu tác phẩm đến nghệ thuật miêu tả và dựng chân dung nhân vật.
Cũng như phần lớn các nhà phóng sự đương thời. Ngô Tất Tố chọn cho các phóng sự của mình lối kết cấu chung quanh một chủ đề. Mỗi chương
của Tập án cái đình và Việc làng là một lời chế giễu hóm hỉnh hoặc chua cay
nhưng đều được kết dính với một chủ đề chung là những hủ tục “mọi rợ’, quái gở” trong không gian “làng” rộng lớn. Với mười sáu câu chuyện trong Việc làng, Ngô Tất Tố đã phản ánh được khá đầy đủ và thấm thía một thực trạng nhức nhối đang diễn ra ở nông thôn Việt Nam đó là người nông dân bên cạnh nỗi cơ cực, lầm than, bị bần cùng hóa vì sưu cao thuế nặng, họ còn phải gánh chịu biết bao nhiêu hủ tục nặng nề, vô lý, là nạn xôi thịt, tranh nhau ngôi thứ ở chốn đình trung. Mỗi câu chuyện là một hủ tục đằng sau đó là một cuộc đời, một bi kịch của người nông dân. Tuy nhiên chúng vẫn có sự liên kết chặt chẽ với nhau làm nên cái thảm cảnh khốn cùng của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Câu chuyện mở đầu được Ngô Tất Tố sắp xếp để cho người đọc hình dung một cách khái quát sức ép cũng như hậu quả của hủ tục ở thôn quê. Mười lăm câu chuyện tiếp theo là mười lăm dẫn chứng về sự tệ hại nặng nề của hủ tục đối với cuộc sống người nông dân. Nhà văn đã bao quát được một hiện thực rộng lớn bằng cách tập hợp nhiều mảnh đời xung quanh một chủ đề chính mang giá trị về một vấn đề xã hội và có một hệ thống nhân vật tương
ứng. Cụ Thượng Lão Việt, bác Cả Mão, bác Hai Đắc, bà Tư Tỵ, ông Lũy, lão Sữu, anh Hai Thuyết… trong Việc làng đều là những nạn nhân của hủ tục. Người vì hủ tục này đè ép, kẻ bị bọn cường hào lợi dụng hủ tục khác để bóc lột. Tất cả họ đều điêu đứng, kiệt quệ vì hủ tục. Có người như ông Lũy trong
Một tiệc ăn vạ còn phải tìm đến cái chết để giải thoát khỏi sự bất công, oan ức do hủ tục gây ra. Tập phóng sự kết thúc với câu chuyện Món nợ chung thân
rất có ý nghĩa. Nhan đề của câu chuyện cho ta thấy, hủ tục tuy là con đường dẫn người nông dân đến cái nghèo, cái hư danh, cái chết nhưng người nông dân không thể thoát khỏi vòng kiểm soát của nó, bởi nó là “món nợ chung thân” của họ. Mọi sự giãy dụa, vẫy vùng đều trở nên vô nghĩa. Người nông dân có thể hi sinh tất cả nhưng không thể thoát khỏi chính tâm lý của bản thân. Nếu họ muốn thoát ra khỏi cái tâm lý xôi thịt, đình làng đó đi nữa thì cũng không thể thoát khỏi tay những kẻ đang cố tình duy trì nó vì mục đích cá nhân. Như vậy có nghĩa là cả đời người nông dân phải chung sống với nó, thậm chí cụ Thượng làng Lão Việt đến lúc chết vẫn chưa thể tự giải thoát cho mình mà còn phải trao lại cho đứa con trai tiếp tục gánh vác. Đó không chỉ là “món nợ chung thân” mà còn là món nợ truyền kiếp!
Kết cấu theo chủ đề thường được Ngô Tất Tố thực hiện bằng một lối kể chuyện rất hấp dẫn đó là cách lấy sự kiện nổi bật làm trung tâm để xâu chuỗi các sự kiện nhỏ, bổ sung cho sự kiện lớn. Trong phóng sự Tập án cái đình sự kiện chính trong tác phẩm là “cái đình” - nơi thờ thành hoàng làng, xung quanh sự kiện thờ thành hoàng làng còn nhiều chi tiết phục vụ cho sự kiện “thờ” ấy. Mỗi sự kiện trong tác phẩm là một cảnh tượng độc đáo, hấp dẫn, nhưng hết sức vô nghĩa lý. Nào là “Mỗi năm một lần đánh đuổi thần hoàng làng”, rồi “Đuổi giặc cho thần” nuôi lợn để tế thần, thi “Lợn anh lợn em” rồi biết bao nhiêu nghi lễ phiền toái, ồn ào và tốn kém khác. Nếu ở Việc làng cái bi nhiều hơn cái hài thì ở Tập án cái đình cái hài nhiều hơn cái bi và đằng sau sự hài hước nhố nhăng đó của người, của việc là những nỗi đau. Mười một câu chuyện không chuyện nào không có cúng bái, thần thánh. Tất cả tạo nên một thế giới thần thánh nhảm nhí, hài hước. Có thể nói xu hướng
tiểu thuyết hóa đã giúp cho các phóng sự của Ngô Tất Tố không chỉ mở rộng được phạm vi phản ánh hiện thực mà còn đào sâu vào hiện thực ấy.
Xu hướng tiểu thuyết hóa cũng là một trong những đặc điểm nổi bật của phóng sự Vũ Trọng Phụng. Cũng như phóng sự của Ngô Tất Tố, các thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng cũng có lối kết cấu chung quanh một chủ đề. “Từng nội dung có “vấn đề”, từng sự kiện thời sự nóng hổi được khai thác, xây dựng thành một câu chuyện có chủ đề có kết cấu với những tình tiết mang đậm tính chân thực vừa chi tiết lại vừa khái quát” [32, 111]. Các phóng sự của Vũ Trọng Phụng đều đặt ra những vấn đề có tính bức bách gắn với những đề tài “nóng”, mang tính thời sự. Đó là những tệ nạn xã hội, những căn bệnh kinh niên nhức nhối, có ảnh hưởng đến quốc gia, nòi giống: nạn cờ bạc, nạn mại dâm, tệ tham nhũng… Gắn với từng nội dung hiện thực đó nhà văn xây dựng thành một câu chuyện chặt chẽ, có độ co giãn linh hoạt, đặc biệt là có một hệ thống nhân vật phần lớn đi suốt cả tác phẩm. Tuy các phóng sự còn chưa có nhiều biến cố, sự kiện có bước ngoặt như trong tiểu thuyết song nhiều tác phẩm của Vũ Trọng Phụng có lối kết cấu độc đáo, kiểu kết cấu “phóng sự trong phóng sự”. Trong các thiên phóng sự như Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm
thầy cơm cô có hàng loạt những câu chuyện nhỏ đan xen nhau, từ câu chuyện
này làm cớ để câu chuyện khác xuất hiện. Mỗi câu chuyện là một số phận, một cuộc đời. Câu chuyện của người đi ở, câu chuyện của những người đàn bà đi lấy chồng Tây, những cô gái bán hoa, những tay cờ bạc bịp…, tất cả được xâu chuỗi lại với nhau, xuất hiện hết sức tự nhiên, sinh động. Mặc dù chưa phải là cốt truyện của tiểu thuyết nhưng ở các phóng sự của Thiên Hư xu hướng tiểu thuyết hóa đã thể hiện hết sức rõ ràng. Xu hướng đó cho phép nhà văn bao quát được hiện thực xã hội rộng lớn cũng như có thể xoáy sâu vào những vấn đề mà xã hội đang quan tâm.
Xu hướng tiểu thuyết hóa trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng còn được thể hiện ở thế giới nhân vật mà ông dụng công xây dựng, chủ yếu là nhân vật đám đông, rất đa dạng. Trong đó, có những nhân vật chỉ hiện lên qua mấy nét phác thảo nhưng cũng có những nhân vật được xây dựng theo lối tiểu thuyết hóa rất sống động. Nhân vật Ấm B trong phóng sự Cam bẫy người
hiện lên khá đậm nét không phải chỉ bằng những nét phác họa sơ qua được khắc họa một cách tỉ mỉ, công phu từ ngoại hình, đến tính cách, ngôn ngữ, hành động: “Ở ngõ hàng Cá… người trông đẫy đà, bệ vệ như một ông hậu hoặc một viên tri châu nào. Hai con mắt sắc sảo có đủ vẻ đối địch với đời… Miệng nói có duyên một cách lạ, thường hay mỉm cười để “giá trị” cho câu chuyện, nhất là những lúc gọi đến thằng nhỏ thì tiếng đồng sang sảng, thật có giọng quan” [30,135]. Không chỉ miêu tả qua ngoại hình, Ấm B còn được nhà văn dựng lên qua hành động trước hết đó là hành động thể hiện bản chất lọc lõi, khôn ngoan, "cáo già" của một ông trùm bạc bịp. Đầu tiên là hành động Ấm B sai người đóng vai "Tham Ngọc" để đưa ông bố Tham Vân vào "tròng", sau đó là hành động chia tiền một cách sòng phẳng rồi hành động cắt cử người đi "săn mòng" một cách quyết đoán rồi bày binh bố trận để "chinh phục"... Hành động của Ấm B phù hợp với hành động của bọn bạc bịp và đồng thời nó cũng có nghĩa khí của bọn "xã hội đen", đó là ông giúp đỡ "anh em" khi sa cơ lỡ vận, tổ chức đám tang cho Ba Mỹ Ký. Hành động của Ấm B là kết quả của quá trình nhận thức. Ấm B vừa là người từng trải, lăn lộn trong cuộc đời, nếm đủ mùi cay đắng và từ đó hoàn thiện dần tính cách của mình. Đó là kiểu nhân vật "nếm trải" của thể loại tiểu thuyết.
Ngoài ra, ở nhân vật này tác giả còn đi sâu khám phá thế giới nội tâm ẩn kín nhiều tâm sự. Đó là lúc Ấm B nghĩ đến gia đình có cái gì đó tự hào lẫn chua xót, có lúc lại bực bội, giận dữ, băn khoăn, day dứt...: “Dòng dõi gia thế, rong chơi cờ bạc từ lúc thiếu thời… đã phá tan cơ nghiệp. Tôi cũng vui vì đã làm, đang làm, sau này vẫn cứ làm cái nghề bất lương này” [30, 136]. Mà đây chính là bản chất của thủ pháp xây dựng nhân vật của tiểu thuyết.
Có thể nói, nhân vật Ấm B đã làm nên sức sống cho thiên phóng sự
Cạm bẫy người, và nó thể hiện cho sự xâm nhập của tiểu thuyết vào trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng.
Bên cạnh đó, trong tác phẩm Kỹ nghệ lấy Tây còn có nhân vật Suzane với thế giới nội tâm trong sáng, với những day dứt, dằn vặt vì nỗi nhục nhã của một con đầm lai. Nổi bật hơn là hình ảnh con sen Đũi trong Cơm thầy
này tác giả đã dành mấy chương để mô tả cuộc đời từ lúc ấu thơ, đến khi gia biến và trở thành con sen. Từ những dòng ghi nhanh về lai lịch xuất thân của nhân vật: “Năm lên mười tuổi, bố nó (con sen Đũi) con bác Nhiêu là một nông dân gai ngạnh trong vùng. Năm mười hai cái Đũi là con một ông lý trưởng ra phết. Thế rồi từ khi ông lý là ông lý, cũng như từ khi loài người là loài người, của cải của ông lý cứ việc từ trong nhà “đội nón ra đi”. Ruộng cả ao liền của ông bán hết… sạch sành sanh, cái Đũi phải ra tỉnh đi ở” [50,109]. Xét về mặt tính cách, nhân vật Đũi thực sự chưa có chiều sâu nhưng đã có bước phát triển tâm lý khá rõ ràng. Từ một cô bé nhà quê, cái Đũi bị cuộc đời xô đẩy, quăng vật, phải vật lộn nếm trải những sự đau khổ và rồi nó đã nhận ra được những bài học kinh nghiệm, đúc rút được những “chân lý đời sống” sâu sắc: “Úi chao ơi, càng những quân giàu có thì càng keo bẩn, chó đểu không ra loài người” [50, 120]. Từ trong dạn dày đau khổ của thân phận một kẻ tôi tớ bị hành hạ, bị hãm hiếp, cái Đũi tha hóa, sinh ra liều lĩnh với quyết tâm trở thành một ả đào sau khi đã trả thù đời một cách cay độc. Ở nhân vật này, bút pháp phóng sự rất gần với bút pháp tiểu thuyết. Kết cấu mở cho phép tác giả đề cập đến những sự kiện trong một quãng thời gian dài trong cuộc đời của nhân vật. Cuộc đời cay cực của con sen Đũi đã có ý nghĩa khái quát điển hình cho thân phận những đứa trẻ rơi vào kiếp đời phiêu bạt của cảnh cơm thầy cơm cô.
Từ đó ta có thể kết luận rằng: trong các phóng sự của mình, Vũ Trọng Phụng đã xây dựng một thế giới nhân vật phong phú, đông đảo, sống động. Trong đó nổi lên những nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Mà đó vốn là đặc trưng của nhân vật trong tiểu thuyết. Và đây chính là phương diện thể hiện hiện tượng cộng sinh thể loại giữa phóng sự và tiểu thuyết trong tác phẩm Vũ Trọng Phụng.
Có thể thấy, cùng có xu hướng tiểu thuyết hóa trong nghệ thuật biểu hiện, song nếu các phóng sự của Ngô Tất Tố chỉ có sự liên kết về một chủ đề chung, không có những quan hệ khác, hơn nữa hệ thống nhân vật cũng khá mờ nhạt và không liên quan gì với nhau thì phóng sự của Vũ Trọng Phụng ngoài yêu cầu thống nhất chủ đề còn tạo ra độ kết dính giữa các sự kiện, các tư liệu, các mảng đời chung quanh một cốt truyện, và một hệ thống nhân vật
thống nhất. Đặc biệt, nhân vật trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng là những nhân vật có tính cách, có số phận. Mỗi người một kiểu, không ai giống ai, các nhân vật được tác giả soi ngắm dưới nhiều góc độ. Việc sử dụng bút pháp tiểu thuyết hóa để tô đậm chân dung nhân vật khiến cho nhân vật của ông không