Bức tranh chung về phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930-1945

Một phần của tài liệu Phóng sự ngô tất tố và vũ trọng phụng (qua cái nhìn đối sánh) (Trang 25 - 30)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.2. Bức tranh chung về phóng sự Việt Nam giai đoạn 1930-1945

Với tư cách là “lối văn hoàn toàn mới mẻ ở nước ta” [44]. Phóng sự Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã tồn tại và phát triển bằng một sức sống mãnh liệt. Kể từ sau sự ra đời của Tôi kéo xe của Tam Lang Vũ Đình Chí -

được xem là sự mở đầu cho thể loại văn học mới này, cả một cao trào phóng sự nở rộ khắp trong Nam, ngoài Bắc. Có thể nói chưa bao giờ phóng sự lại có tốc độ phát triển mạnh mẽ như giai đoạn này. Chỉ trong vòng 15 năm, các nhà văn, nhà báo đã liên tiếp cho ra đời một khối lượng phóng sự đồ sộ. Theo tập hợp của các tác giả Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Nguyễn Hữu Sơn thì: “Chỉ riêng thời kỳ này đã có sự góp mặt của 63 tác giả với hơn 120 tác phẩm phóng sự” [7,14]. Với những gì lịch sử còn lưu lại được về thể loại phóng sự ở thời kỳ này, chúng ta có thể khẳng định thể loại phóng sự đã đạt đến “thời đại hoàng kim” của nó trên cả hai phương diện nội dung phản ánh và hình thức biểu hiện.

1.2.2.1. Về nội dung

Ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, phóng sự Việt Nam 1930 - 1945 về cơ bản đã tái hiện được bức tranh xã hội đương thời với đầy đủ những gam màu của nó. Có thể nói thể loại phóng sự giai đoạn này chứa trong nó cả một kho tư liệu dồi dào về xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Mọi khía cạnh đời sống cũng như không khí xã hội được phản ánh một cách chân thực. Khảo sát những tác phẩm phóng sự ưu tú của giai đoạn này có thể thấy hiện thực cuộc sống trên cả bề rộng lẫn tầng chìm, lộ hình và khuất lấp đều được các tác giả “săn tìm”, “mổ xẻ” và “phanh phui” trước công luận. Đặc biệt, trong thời kỳ Mặt trận dân chủ (1936 - 1939), báo chí tự do phát triển, phóng sự được mặc sức thả mình vào thế giới hiện thực, tung hoành trước các vấn đề bức xúc, nóng bỏng của xã hội. Hệ thống đề tài được mở rộng, các nhà văn, nhà báo đi sâu vào nhiều mảng hiện thực khác nhau của đời sống: viết về cuộc sống lầm than, lam lũ của những kiếp người dưới đáy xã hội (Cơm

thầy, cơm cô - Vũ Trọng Phụng; Tôi kéo xe của Tam Lang); về những tệ nạn

xã hội cùng với lối sống buông thả, sa đọa nơi thành thị (Cạm bẫy người, Kỹ nghệ lấy Tây, Lục sì - Vũ Trọng Phụng, Thanh niên trụy lạc của Nguyễn Đình Lạp, Tàn đàn đầu lạc của Nguyễn Tuân…), những cảnh khốn cùng ở chốn làng quê (Việc làng, Tập án cái đình của Ngô Tất Tố; Một huyện ăn tết

- Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang với Làm dân, Cường hào của Nguyễn Đình Lạp…). Mảng hiện thực cách mạng với những cảnh lao tù, khổ sai nhưng

đầy ý chí cách mạng cũng được quan tâm phản ánh (Ngục Kon Tum của Lê Văn HIến, Đảo Côn Lôn của Nguyễn Đức Chính, Khám lớn Sài Gòn của Phạm Văn Hùm).

Trong đó nổi bật hơn cả là những trang viết về cuộc sống nơi đô thị. Những tác phẩm viết về đề tài này không những chiếm số lượng tác phẩm nhiều hơn cả (bởi đô thị là nơi diễn ra những thay đổi nhanh chóng và sâu rộng nhất về mọi mặt xã hội) mà quan trọng hơn nó chứa đựng sự chân xác về tư liệu, nắm bắt được cái “thần” của xã hội thị thành Việt Nam vào buổi Á - Âu lẫn lộn, thực - giả đảo điên. Đó là những tệ nạn xã hội trầm trọng đang tràn lan như một thứ “đại dịch”: mại dâm, cờ bạc, hút xách cũng như lối sống sa ngã của một bộ phận thanh niên; là sự tha hóa của những người theo con đường di dân kiếm sống từ nông thôn ra thành thị; là cuộc sống vất vả, cơ cực, cay đắng của một tầng lớp người sống dưới đáy xã hội mưu sinh bằng đủ những nghề vất vả chốn Ngoại ô… Tất cả như là lời cảnh báo về một xã hội đang băng hoại về lối sống và đạo đức. Chính việc tập trung mô tả, phơi bày những ung nhọt của xã hội thị thành lúc bấy giờ đã làm nên giá trị hiện thực sâu sắc cho các thiên phóng sự thời kỳ này.

Trong khi tái hiện nguyên hình những “vỉa quặng sự thật” của cuộc sống bị chìm lấp hay bóc trần, phanh phui những căn bệnh trầm kha trong xã hội, một điều dễ nhận thấy trong phóng sự Việt Nam giai đoạn này là các tác giả không ngần ngại bộc lộ rõ thái độ, chính kiến của mình. Chính vì thế, người đọc nhận ra đằng sau những trang viết về những hủ tục đè nặng lên vai những người dân nghèo khổ ở thôn quê, hay những tệ nạn nhức nhối của xã hội thị thành là tấm lòng nhân ái của nhà văn. Ấy là nỗi xót thương chia sẻ, là nỗi cảm thương cho những kiếp người đã và đang bị cuốn theo những vòng xoáy của một trật tự điên đảo. Đồng thời đó còn là tiếng nói tố cáo mạnh mẽ bộ mặt tàn bạo, dã man của thực dân Pháp khi đẩy người dân đến thảm cảnh khốn cùng.

Lấy hơi thở của hiện thực làm nhựa sống cho những sáng tạo của mình, bản thân bức tranh xã hội được phóng sự phản ánh đã là một sự tố cáo. Nhưng các tác phẩm phóng sự không dừng lại ở việc mô tả, phản ánh một cách khách quan mà các tác giả phóng sự còn đi sâu truy tìm nguyên nhân của

thực trạng, đào xới căn nguyên của những vấn đề nổi cộm trong xã hội để từ đó gợi ý những giải pháp thiết thực. Khi lý giải nguyên nhân khiến cho nhiều thiếu nữ trở thành gái mại dâm, Vũ Trọng Phụng trong phóng sự Lục sì đã chỉ ra: “Sự khao khát về học hành, sức cám dỗ của những nghề nghiệp mới đã đưa dắt số đông thiếu niên đến nơi phồn hoa đô hội để thoát khỏi những luân lí gia đình, sự say sưa cách làm giàu dễ dàng, dễ hưởng thụ mọi cách ăn chơi của thành phố Tây, sự vô cai quản của bố mẹ”. Đó cũng chính là lí do dẫn đến lối sống buông thả, sa đọa của tầng lớp thanh niên trong xã hội lúc bấy giờ. Ngô Tất Tố thấy được nỗi thống khổ cả những người nông dân ở chốn làng quê là do những hủ tục quái gở chồng chất lên đôi vai của họ. Cũng như nhiều nhà văn hiện thực phê phán cùng thời, các tác giả phóng sự chưa chỉ ra được con đường đấu tranh tự giải phóng mình cho người lao động để thoát khỏi những vũng bùn của xã hội. Song bằng việc dựng lên được bức tranh xã hội chân thực, đen tối đương thời các nhà văn, nhà báo đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh lương tri con người, cảnh tỉnh xã hội. Ý nghĩa xã hội nhân sinh to lớn đó đã làm nên sức sống trường tồn cho các tác phẩm phóng sự 1930-1945.

1.2.2.2. Về nghệ thuật

Như đã trình bày ở trên, sự phát triển rực rỡ của thể loại phóng sự Việt Nam 1930-1945 không chỉ ở giá trị về nội dung phản ánh hiện thực mà còn ở nghệ thuật biểu hiện độc đáo, đa dạng.

Theo tác giả Lê Dục Tú, cái làm nên “sức hấp dẫn mãnh liệt” của các tác phẩm phóng sự 1930-1945 là ở “nghệ thuật viết phóng sự” thể hiện trên các phương diện: nghệ thuật phát hiện và khám phá hiện thực; sự kết hợp giữa chất báo chí và chất tiểu thuyết; nghệ thuật châm biếm và sử dụng ngôn ngữ. Sự khái quát này của tác giả là khá xác đáng và tin cậy, cơ bản nhận được sự thống nhất đồng tình của nhiều nhà nghiên cứu khi tìm hiểu thành tựu nghệ thuật của phóng sự thời kỳ này.

Trước hết phải nói tới khả năng khám phá và khai thác hiện thực. Các cây bút phóng sự thời kỳ này đã xông xáo, sáng tạo tiếp cận hiện thực từ nhiều góc độ và khoảng cách khác nhau. Để thâu tóm được một cách sâu sắc và toàn diện hiện thực, mỗi tác giả lại có một cách tiếp cận riêng: tiếp cận

hiện thực từ mặt trái xã hội, từ đặc trưng nghề nghiệp, công việc, từ những mối quan hệ đa chiều, đan xen với những góc nhìn hiện thực khi cận cảnh, chi tiết khi tiếp cận bằng bức tranh toàn cảnh, bao quát vấn đề. Tiêu biểu cho nghệ thuật tiếp cận hiện thực đa dạng là cây bút phóng sự Vũ Trọng Phụng. Trong các tác phẩm của mình “ông vua phóng sự đất Bắc” đã cho thấy khả năng tác nghiệp ở trình độ cao khi tiếp cận hiện thực dưới góc độ kỹ năng, kỹ nghệ để khám phá bao điều bí ẩn trong ngón nghề bịp của một làng bạc chuyên nghiệp, cao tay (Cạm bẫy người) hay khám phá rằng “lấy Tây” không những là một nghề đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn là một nghề “danh tiếng” có các thế hệ nối tiếp nhau (Kỹ nghệ lấy Tây).

Lối tiếp cận hiện thực từ mặt trái xã hội hay hay theo kiểu đi sâu khai thác bản chất vấn đề của một nghề, một “kỹ năng hành nghề” là lối tiếp cận mang lại giá trị nghệ thuật sâu sắc cho các tác phẩm phóng sự của Vũ Trọng Phụng cũng như nhiều tác phẩm phóng sự đương thời.

Bên cạnh đó, sự tham gia của nhiều yếu tố nghệ thuật của tiểu thuyết đan xen trong phóng sự - một thể loại báo chí, từ phương diện xây dựng nhân vật, cốt truyện, tổ chức tình huống, dẫn dắt tình tiết, vấn đề… cũng làm nên nét đặc sắc, sức hấp dẫn của các tác phẩm phóng sự thời kỳ này. Những thiên phóng sự của Nguyễn Đình Lạp, Tam Lang, Trọng Lang, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố… tạo được sự lôi cuốn mạnh mẽ đối với người đọc bởi nó không chỉ xây dựng được một hệ thống nhân vật đông đảo (có những nhân vật mang màu sắc điển hình) các sự kiện có tính thời sự mà còn xây dựng được nhiều tình huống bất ngờ, hấp dẫn. Những tình huống ngẫu nhiên, tình huống ngược đời, tình huống cãi lộn… xuất hiện đa dạng, phong phú trong phóng sự của Vũ Trọng Phụng không chỉ giúp người đọc nhận ra những nhố nhăng, đen tối, đồi bại của xã hội đương thời mà còn hướng người đọc tìm đến một cuộc sống khác đúng nghĩa, tốt đẹp hơn.

Ngoài ra, nghệ thuật trào phúng và sự tài hoa trong việc sắp xếp câu chữ, sử dụng ngôn từ, giọng điệu cũng góp phần không nhỏ làm nên sự thành công về nghệ thuật của phóng sự Việt Nam thời kỳ này.

Nhìn lại chặng đường phát triển 15 năm của thể loại phóng sự Việt Nam (1930-1945), ta có thể khẳng định tuy là một thể loại còn non trẻ nhưng phóng sự đã nhanh chóng tạo được một vị trí xứng đáng trong đời sống văn học và báo chí đương thời. Với thế mạnh của mình, các tác phẩm phóng sự đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, phản ánh một cách kịp thời và đầy đủ mọi khía cạnh của đời sống xã hội trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Đồng thời phóng sự Việt Nam 1930-1945 cũng đã ghi dấu tên tuổi của nhiều nhà phóng sự nổi tiếng. Ngô Tất Tố và Vũ Trọng Phụng là hai đại diện tiêu biểu. Các tác phẩm phóng sự của các ông không chỉ có những đóng góp to lớn trong việc hoàn thiện hình thức thể loại mà còn đưa thể loại phóng sự phát triển bắt nhịp cùng thời đại góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thể kỷ XX.

Một phần của tài liệu Phóng sự ngô tất tố và vũ trọng phụng (qua cái nhìn đối sánh) (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(137 trang)