7. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Ngô Tất Tố Cây bút phóng sự bậc thầy
Ngô Tất Tố sinh năm 1893 tại làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, nay là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo, ông nội nhà văn từng lận đận đến bảy khóa thi Hương mới đậu
đến tú tài, ông thân sinh sáu lần “lều chõng” cùng chẳng đỗ đạt gì đành cam phận làm thầy đồ trong làng tổng. Bản thân Ngô Tất Tố, 22 tuổi đã đỗ đầu xứ trong một kỳ khảo hạch ở địa phương song vẫn trắng tay sau hai lần “lôi thôi sĩ tử”.
Thuộc thế hệ nhà Nho cuối mùa, trực tiếp sống “trong rừng Nho”, chứng kiến cảnh suy tàn của nền Hán học, và từ thực tế “lều chõng” của mình, Ngô Tất Tố hiểu rõ sự mục ruỗng của chế độ khoa cử phong kiến, sự lỗi thời, bất lực của bọn hủ nho. Vì sự thức thời ấy mà trong khi những nhà Nho cùng thế hệ với mình đang ngơ ngác tụt lại phía sau thì Ngô Tất Tố đã nhanh chóng bứt vươn lên, vứt bỏ bút lông cầm lấy bút sắt bước vào nghề viết báo, viết văn như những cây bút “Tây học” đương thời, thậm chí “theo kịp cả những nhà văn thuộc phái tân học xuất sắc nhất” như nhà văn Vũ Ngọc Phan từng đánh giá.
Xuất thân cựu học nhưng không hề bảo thủ, lại được tắm mình trong một hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, nên khi Cách mạng tháng Tám thành công, Ngô Tất Tố đã chân thành chào đón rồi hồ hởi tham gia hội văn hóa cứu quốc, gia nhập Đảng Cộng sản, lên chiến khu Việt Bắc tích cực sáng tác phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến. Ông đã tìm thấy sức mạnh cho ngòi bút của mình khi hòa vào con đường đấu tranh chung của dân tộc, và đã đem hết tài năng và tâm lực để phụng sự nhân dân cho đến hơi thở cuối cùng. Ngô Tất Tố mất vào ngày 20-4-1951 tại Yên Thế, Bắc Giang.
Gần ba mươi năm miệt mài cầm bút bằng đam mê và tâm huyết, Ngô tất Tố đã để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ và phong phú. Mở đầu sự nghiệp bằng tác phẩm dịch Cẩm hương đình (1923) và khép lại với vở chèo mười cảnh
Nữ chiến sỹ Bùi Thị Phác (1951), Ngô Tất Tố đã thể hiện một tài năng đa dạng
trên nhiều phương diện: khảo cứu, dịch thuật, viết văn, viết báo… ở nhiều thể loại sáng tác: từ những công trình dịch thuật (Đường thi, Hoàng Lê nhất thống chí,
Ngô Việt xuân thu, Trời hửng…), khảo luận nghiên cứu (Phê bình “Nho giáo”
của Trần Trọng Kim, Mặc tử, Lão tử, Văn học thời Lý, Văn học thời Trần), đến
truyện ký lịch sử (Gia đình Tổng trấn tả quân Lê Văn Duyệt, Vua Hàm Nghi với kinh thành thất thủ...), đặc biệt là thành công ở thể loại tiểu thuyết và phóng sự
Tiểu thuyết Tắ đèn ra đời năm 1939 là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Ngô Tất Tố và cũng là tác phẩm xuất sắc viết về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng: “một cuốn tiểu thuyết có luận đề xã hội… hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy” theo đánh giá của Vũ Trọng Phụng. Trên lĩnh vực báo chí, với nhiều bút danh như: Phó Chi, Thôn Dân, Thiết Khẩu Nhi, Lộc Hà, Xứ Tố, Lộc Đình, Thục Điểu, Đạm Hiên, Thuyết Hải, Hy Cừ, Xuân Trào… Ngô Tất Tố đã viết hết mình, chiến đấu hết mình và để lại hàng trăm bài tiểu phẩm có giá trị.
Vượt lên mọi sự sàng lọc khắc nghiệt của thời gian, khối trước tác khổng lồ và đa dạng của Ngô Tất Tố ngày càng hiện lên lừng lững với nhiều vẻ đẹp, “sống khỏe mạnh và sắc sảo trong văn học ta” (Nguyễn Tuân). Vẻ đẹp tự thân của các tác phẩm đó không chỉ khẳng định tài năng, nhân cách Ngô Tất Tố mà còn xác định vị trí xứng đáng của ông trong nền văn học dân tộc.
Viết về Ngô Tất Tố, trong Những đoạn hồi ức, Vũ Bằng đã khẳng định: “Ngô Tất Tố quả là một tài văn, có được một chỗ ngồi trong văn học sử quả là xứng đáng, chớ không phải do sự tình cờ hay may mắn khiến nên. Nói thực từ đáy lòng tôi, riêng tôi nghĩ rằng trong tất cả các nhà văn tôi được hân hạnh quen biết, không có một nhà Nho thuần túy nào mà lại viết được đủ các mặt như Ngô Tất Tố… Chẳng thiếu một bộ môn gì Ngô Tất Tố không “sống” mà bộ môn nào cũng khá nếu không nói là “trội”.
Trong đó có thể nói phóng sự là thể loại đạt được nhiều thành công. “Là một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà nho” (Vũ Trọng Phụng), ở thể loại báo chí giàu chất văn học này, Ngô tất Tố đã nhanh chóng khẳng định được lập trường, bản lĩnh và tài năng của mình qua một loạt các tác phẩm có giá trị.
Năm 1935, ông viết phóng sự Dao cầu thuyền tán đăng trên báo Công dân. Ngòi bút của ông đã không ngần ngại đã kích bọn lang băm bịp bợm, vừa làm thuốc vừa làm chủ nhà săm vừa cho thuê đòn đám ma, đồng thời phanh phui tất cả những ung nhọt khác của xã hội.
Năm 1939, ông cho in phóng sự Tập án cái đình trên báo Con ong và một năm sau, 1940, đăng phóng sự Việc làng trên Hà Nội tân văn. Với hai tập phóng sự này, Ngô Tất Tố thực sự là nhà báo hiểu biết sâu sắc về đời sống
nông dân với biết bao nhiêu nỗi vất vả, cơ cực. Thành công lớn nhất của Ngô Tất Tố ở các tác phẩm phóng sự này là đã góp phần hoàn thiện bức tranh hiện thực trong văn học về đời sống người nông dân, đem đến cho bạn đọc một cái nhìn chân xác nhất về thực trạng của nông thôn Việt Nam trước Cách mạng. Nhận định của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại đã chứng minh điều đó: “Những tập phóng sự và tiểu thuyết phóng sự của ông về người dân quê, người ta phải công nhận là những tập có giá trị về tài liệu, đầy đủ về sự xác thực. Ngô Tất Tố là nhà văn của hạng dân cày nghèo và dốt” [45,530].
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khổ, sống giữa những cuộc đời khốn khổ vì sự bủa vây của đói khát, hủ tục, bóc lột, Ngô Tất Tố thấu hiểu sâu sắc về cuộc sống của những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn đói nghèo, tủi nhục. Gia đình của ông cũng là một gia đình nông dân thiếu ruộng phải lãnh ruộng làng để canh tác. Chính vì thế Ngô Tất Tố đã vượt qua bức tường ngăn cách của ý thức hệ để đến với người nông dân, nhanh chóng khẳng định chỗ đứng của mình là đứng về phía người dân lao động đối lập với giai cấp địa chủ, phong kiến. Với lập trường đúng đắn, phương pháp miêu tả thực tế một cách khách quan, những phóng sự ra đời dưới ngòi bút của là những bức tranh chân thực nhất về nông thôn Việt Nam mà mỗi tác phẩm là một nhát cắt tiêu biểu. Đó là một nông thôn xa lạ được tô vẽ, đầy thơ mộng trong các tác phẩm văn học lãng mạn. Việc làng và Tập án cái đình
đã vạch ra thực tế thối nát, xấu xa ở nông thôn. Thực ra cái thế giới thơ mộng đó là thế giới đầy những hủ tục trong đó bọn cường hào địa chủ ra sức bóc lột và áp bức nhân dân còn đời sống người dân thì lầm than, cơ cực.
Nét đặc sắc của ngòi bút phóng sự Ngô Tất Tố là đã chỉ ra cùng với sưu cao, thế nặng và cho vay nặng lãi… người dân quê đang phải quằn quại, điêu đứng dưới sự hành hạ của những gánh hủ tục nặng nề, vô lối… Những nghi lễ cổ hủ, những tục thờ thành hoàng làng quái gở, tục vào ngôi để có miếng ăn giữa làng, hay những cách thờ cúng cầu kỳ, tốn kém… đang đẩy người dân đến những thảm cảnh khốn cùng. Nhiều người mất cả cơ nghiệp dành dụm, chắt chiu cả đời vì “một đám vào ngôi” hay “hạt gạo xôi mới”, vì lo “một cỗ oản tuần sóc”, người ta giữa trận mưa giông phải dỡ cả gian nhà
đang trú thân ra bán, để lo một bữa lệ làng làm đám tang cho vợ, phải gánh một “món nợ chung thân”, vì “một tiệc ăn vạn”, có người phải thắt cổ tự vẫn… Ngô Tất Tố đã miêu tả cặn kẽ, thấm thía mọi khía cạnh của Việc làng ở chốn hương thôn bằng sự hiểu biết, sự cảm thông và chia sẻ. Ẩn đằng sau mỗi câu chuyện, mỗi cuộc đời là sự đồng cảm, cả nỗi xót xa đau đớn mà ông dành cho người dân quê.
Không dừng lại ở việc phản ánh, ngòi bút giàu tính chiến đấu của ông còn ráo riết đi sâu, phanh phui, lý giải, vạch rõ cho mọi người thấy chính bọn, địa chủ cường hào ở nông thôn là những thủ phạm đã cố ý duy trì và còn đặt ra nhiều tục lệ phiền phức khác để trói buộc, bóc lột và đục khoét dân lành. Điều đáng nói là Ngô Tất Tố đã vạch ra sự thối nát của hủ tục và những thủ đoạn bẩn thỉu của bọn đại diện cho chế độ thực dân phong kiến ở nông thôn vào đúng thời điểm thực dân Pháp đang ra sức hô hào, khuyến khích phong trào phục cổ, “bảo tồn quốc túy”. Chính sự quan tâm, phản ánh những vấn đề nóng bỏng mang tính thời sự đó đã làm nên giá trị thiết thực, tính chiến đấu cho những tác phẩm phóng sự của ông. Tiếng nói nghệ thuật của Ngô Tất Tố ở các tác phẩm phóng sự đã đáp ứng thiết thực những vấn đề cấp thiết trong đời sống cách mạng của dân tộc. Phóng sự của Ngô Tất Tố không chỉ chứa đựng nội dung hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc mà còn thể hiện nghệ thuật viết phóng sự ở một trình độ già dặn. Các thiên phóng sự của ông thường được dẫn dắt bởi nghệ thuật trần thuật hấp dẫn, cách kết cấu giản dị nhưng chặt chẽ với một thứ ngôn ngữ đa dạng, giàu hình ảnh, cảm xúc. Ngoài ra, ta còn nhận thấy ở phóng sự của Ngô Tất Tố có sự đan xen của nhiều yếu tố nghệ thuật của tiểu thuyết trong cách tạo ra sự kết dính các sự kiện, các tư liệu xung quanh một cốt truyện, một chủ đề. Mỗi chương của Tậpáncái đình và Việc làng là một câu chuyện bi thảm, một lời chế giễu của tác giả nhưng lại được kết dính theo một chủ đề chung trong không gian “làng” rộng lớn và có một hệ thống nhân vật tương ứng. Các nhân vật trong Việc làng hiện lên khá sinh động từ dáng điệu đến lời nói không ai giống ai nhưng lại là khuôn mặt chung của những người nông dân Việt Nam hiền lành, nhẫn nhục, cơ cực, khốn khổ oằn lưng gánh chụi những hủ tục “mọi rợ” chốn đình trung. Với khả năng khám phá và khai thác hiện
thực ở trình độ cao cùng nghệ thuật thể hiện già dặn, các tác phẩm phóng sự của Ngô Tất Tố không chỉ lôi cuốn người đọc bao thế hệ mà còn khẳng định vị trí của ông trong nền văn học nước nhà là “một cây bút phóng sự đặc sắc”.
Nhìn nhận những đóng góp của Ngô Tất Tố ở thể loại phóng sự, Nguyễn Đức Đàn và Phan Cư Đệ đã khẳng định: “Ngô Tất Tố vốn xuất thân nho học. Nhưng đối với một thể loại mới mẻ như thể loại phóng sự, Ngô Tất Tố không tỏ vẻ bỡ ngỡ chút nào. Trái lại ngòi bút của ông khi nào cũng vững vàng, chắc chắn, lời văn bao giờ cũng bình dị, sáng sủa và cô đúc. Việc làng đã làm cho tên tuổi của Ngô Tất Tố càng có thêm uy tín trong làng văn Việt Nam” [21,361].