CHƯƠNG V: KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH.
5.2. Trong dài hạn.
Một là, thực hiện “Chính sách lạm phát mục tiêu”.
Lạm phát mục tiêu là một trong những khuôn khổ CSTT mà theo đó, NHNN hoặc Chính phủ thông báo một số mục tiêu trung và dài hạn về lạm phát và NHTW cam kết đạt được những mục tiêu này. Để làm được điều này, NHNN phải có quyền đặc biệt để theo đuổi mục tiêu lạm phát và tự mình đặt ra các công cụ của CSTT.
Hai là, tăng cường tính độc lập về mặt tổ chức nhân sự của NHNN.
Nhiệm kỳ của ban lãnh đạo NHTW có thể dài hơn nhiệm kỳ của Chính phủ và Quốc hội, hoặc xen kẽ giữa các nhiệm kỳ của Chính phủ. Như vậy, quá trình ra quyết định của NHNN sẽ không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ thành lập Chính phủ, chu kỳ lập kế hoạch kinh tế. Thống đốc sẽ không bị ảnh hưởng một khi Chính phủ thay đổi nhân sự do hết nhiệm kỳ.
Cuối cùng, nên cân nhắc việc đổi tên NHNN thành Ngân hàng Trung ương hay Ngân hàng Quốc gia Việt Nam để đảm bảo sự chính danh cho NHTW. Trên phương diện lịch sử, tiền thân của NHNN hiện nay là Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Vào ngày 6/5/1951,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Sau đó gần 10 năm, vào ngày 21/1/1960, Thông tư số 20/VP–TH đã đổi tên Ngân hàng Quốc Gia Việt Nam thành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tên này được giữ cho đến ngày hôm nay. Việc đổi tên NHNN thành Ngân hàng Trung ương hay Ngân hàng Quốc gia Việt Nam cùng với những nỗ lực cải thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động sẽ góp phần xây dựng một NHTW độc lập hơn, phù hợp với xu hướng của thế giới và thích hợp với môi trường kinh tế - tài chính ngày một phát triển và toàn cầu hóa.
KẾT LUẬN
Tính độc lập của NHTW (CBI) là một khái niệm đa chiều, mang tính trừu tượng. Tăng cường tính độc lập của NHTW nói chung và NHNN Việt Nam nói riêng là một trong những vấn đề cấp thiết để xây dựng một hệ thống NHTW vững mạnh, một nền kinh tế phát triển. Nghiên cứu về tính độc lập của NHTW không phải là vấn đề quá mới mẻ song đánh giá tác động của tính độc lập với NHNN Việt Nam vẫn luôn là vấn đề đặc biệt quan trọng. Trong quá trình nghiên cứu, trên cơ sở phân tích những căn cứ lý thuyết và thực tiễn cũng như kế thừa từ các nghiên cứu trước, đề tài nghiên cứu đã tập trung giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn với những nét mới sau:
Thứ nhất, nghiên cứu đã hệ thống hóa một cách khái quát lý thuyết tổng quan về NHTW và cơ sở lý luận về tính độc lập của NHTW. Từ đó làm căn cứ để xem xét tính độc lập và nhận định một quốc gia muốn phát triển cần một hệ thống NHTW có tính độc lập cao.
Thứ hai, trên cơ sở thực tế tình hình Việt Nam, căn cứ vào các văn bản pháp luật, các số liệu thu thập được đồng thời tham khảo những kết quả có trước, nghiên cứu đã trình bày cơ sở cũng như phương pháp đo lường tính độc lập phù hợp nhất với tình
hình Việt Nam.
Thứ ba, sau khi tiến hành chấm điểm theo thang đo đã lựa chọn, nghiên cứu đã đi đến kết luận: “ Tính độc lập của NHNN Việt Nam vẫn còn rất thấp và hạn chế”.
Thứ tư, trên cơ sở hạn chế trong tính độc lập của NHNN Việt Nam, nghiên cứu đã đưa ra một số gợi ý chính sách và giải pháp để nâng cao tính độc lập như:
Trong ngắn hạn:
+ Xác định rõ mục tiêu hoạt động của NHNN..
+ Đảm bảo sự tự chủ và tính thị trường trong việc xác lập lãi suất mục tiêu.
+ Đảm bảo vai trò của Quốc hội trong việc quyết định và giám sát việc thực hiện CSTT quốc gia.
+ Kiểm soát chặt chẽ quan hệ của NHNN với Ngân sách Nhà nước.
+ NHNN phải được độc lập trong việc quyết định thực hiện chính sách và lựa chọn công cụ thực hiện mục tiêu.
+ Nâng cao trách nhiệm giải trình của NHNN.
+ Trao cho NHNN quyền chủ động quyết định về tài chính và độc lập tương đối về mặt nhân sự (bổ nhiệm và miễn nhiệm).
+ Tách bạch chức năng điều hành và quản trị. Trong dài hạn:
+ Thực hiện “Chính sách lạm phát mục tiêu”.
+ Tăng cường tính độc lập về mặt tổ chức nhân sự của NHNN.
Tuy nhiên để thay đổi không phải là chuyện trong một sớm một chiều và cần thiết sự thống nhất, quyết tâm cao từ phía các cơ quan chức năng.
Tính độc lập của Ngân hàng Trung ương là một vấn đề trừu tượng và phức tạp, không chỉ liên quan đến cố gắng chủ quan của Nhà nước và các nhà hoạch định chính sách mà còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế cũng như mức độ phát triển của hệ thống tài chính. Trong phạm vi khả năng của mình, nhóm nghiên cứu cố gắng phân tích từ cơ sở lý luận đến thực tiễn để đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện và nâng cao
tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm phát triển bền vững hệ thống tài chính. Mặc dù đã cố gắng nhưng bài nghiên cứu có thể chưa được đầy đủ và toàn diện. Vì vậy, nhóm nghiên cứu mong muốn nhận được sự góp ý của các nhà chuyên môn và những người quan tâm nhằm hoàn thiện vấn đề nghiên cứu. Nhóm xin chân thành cảm ơn.