Tác động đến lạm phát.

Một phần của tài liệu Đánh giá tính độc lập của ngân hàng trung ương và một số hàm ý chính sách với việt nam (Trang 49 - 53)

CHƯƠNG IV: TÁC ĐỘNG SỰ ĐỘC LẬP CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM ĐẾN CÁC BIẾN SỐ KINH TẾ VĨ MÔ.

4.1.Tác động đến lạm phát.

Theo quan điểm của các nhà kinh tế học: “Lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của hầu hết các hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế”. Lạm phát có thể xảy ra do 3 nguyên nhân chính:

- Lạm phát do cầu (còn gọi là lạm phát do cầu kéo): xuất phát từ gia tăng của tổng cầu.

- Lạm phát do cung (còn gọi lạm phát do chi phí đẩy): xuất phát từ sự sụt giảm của tổng cung.

- Lạm phát theo thuyết số lượng tiền tệ: những nhà kinh tế thuộc trường phái tiền tệ cho rằng lạm phát là do lượng cung tiền thừa quá nhiều trong lưu thông gây ra.

Ngoài các yếu tố trên thì cũng cần kể đến một yếu tố khác liên quan đến lạm phát đó là sự độc lập của NHTW. Quan hệ giữa sự độc lập của NHTW và lạm phát là một vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Những nghiên cứu đầu tiên, có ảnh hưởng quan trọng tới định hướng nghiên cứu sau này là các bài viết của Alesina (1988), Masciandaro và Tabellini (1991), Cukierman (1992), Cukierman, Webb và Neyapti (1992), và Alesina and Summers (1993). Một kết quả nổi bật từ các nghiên cứu này là tồn tại mối tương quan nghịch biến giữa mức độ độc lập của NHTW và mức lạm phát –

tức là lạm phát có xu hướng thấp ở các nước có mức độ độc lập của NHTW cao. Kết quả này sau đó nhận được sự ủng hộ của nhiều nghiên cứu khác, chẳng hạn như của De Haan và Kooi (1997), Mangano (1998), Oatley (1999), Gutierrez (2003), Arnone, Laurens, Segalotto, và Sommer (2007), và Jacome và Vazquez (2008).

Ở nước ta cũng có một số nghiên cứu về vấn đề này. Bài viết của Lê Xuân Nghĩa (2006) cho thấy NHNN Việt Nam có mức độ độc lập thấp và chịu sự can thiệp hành chính toàn diện của Chính Phủ. Đây là nguyên nhân làm hạn chế tính hiệu quả hoạt động của NHNN, nhất là trong mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền. Vì vậy, nâng cao tính độc lập của NHNN là một trong những điều kiện tiên quyết để nâng cao một cách căn bản hiệu quả hoạt động của NHTW. Theo đó, luật NHNN và luật các tổ chức tín dụng cần phải sớm sửa đổi để thể chế hóa tính độc lập của NHTW.

Bài nghiên cứu của Đặng Hữu Mẫn (2007) trình bày về mục tiêu hàng đầu của NHTW là ổn định giá cả, ổn định sức mua của đồng tiền, duy trì mức lạm phát thấp và hợp lý trong một khoảng thời gian dài là dấu hiệu cho sự hoạt động hiệu quả một NHTW. Để chứng minh cho luận điểm về mối tương quan nghịch giữa CBI và lạm phát thì trên thế giới đã có nhiều bài nghiên cứu ở cả các Quốc gia phát triển và đang phát triển.

Rogoff (1985) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao phó chính sách tiền tệ cho một NHTW mà nó đặt nặng việc ổn định tỷ lệ lạm phát hơn so với ổn định việc làm. Thật vậy, sự độc lập giúp NHTW có thể thực thi những chính sách tiền tệ đáng tin cậy nhằm đạt một tỷ lệ lạm phát thấp hơn, vì vậy loại bỏ vấn đề không nhất quán thời gian trong các chính sách chính phủ (Kydland and Prescott, 1977). Bài nghiên cứu cơ sở của Rogoff có tác động kép, vừa khuyến khích thực hiện cải cách ngân hàng trung ương trên khía cạnh chính sách, và tạo hướng đi cho việc thiết kế các chỉ số phù hợp để thể hiện mức độ độc lập của NHTW, trên khía cạnh nghiên cứu.

Nghiên cứu của Charles và Timothy (2006) tiến hành đối với các nước phát triển dựa trên các quan sát giai đoạn 1955 - 1988 và 1988 - 2000 đã cho thấy có mối quan hệ nghịch biến giữa tính độc lập của NHTW với lạm phát bình quân và với sự biến thiên của chỉ số lạm phát. Nghĩa là, hệ số độc lập của NHTW càng cao thì lạm phát bình quân càng thấp đồng thời chỉ số lạm phát biến thiên càng ít và ngược lại. Đơn giản hơn, những nước

mà NHTW có mức độ độc lập tự chủ cao thường có tỷ lệ lạm phát thấp. Hơn nữa, tác động của tính độc lập của NHTW lên tỷ lệ lạm phát là xuyên suốt theo thời gian.

Mối quan hệ giữa tính độc lập của NHTW và lạm phát được phát hiện không chỉ ở các nước đã phát triển mà còn ở một diện rất rộng các quốc gia đang phát triển hay các nền kinh tế mới nổi. Jacome and Vazquez (2008) nghiên cứu tác động của CBI tới lạm phát cho một mẫu gồm 24 quốc gia Mỹ Latinh và Caribean trong thời kỳ từ 1985 – 2002. Kết quả của họ xác nhận mối quan hệ ngược chiều giữa CBI và lạm phát. Arnone et al. (2009) và Laurens et al. (2009), sử dụng chỉ số CBI của Grilli et al. (1991) cho một nhóm những quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi cũng cho thấy vai trò quan trọng của NHTW trong việc giữ lạm phát ở mức thấp. Acemoglu et al. (2008) phân tích những thay đổi trong luật Ngân hàng Trung ương của 52 quốc gia trong thời kỳ từ 1989 – 2003 và chứng thực rằng CBI có liên quan đến một sự suy giảm đáng kể trong lạm phát ở những nước có mức ràng buộc chính trị trung bình.

Bên cạnh tác động tích cực tới mức lạm phát, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, tính độc lập của NHTW giúp giảm mức độ biến thiên của lạm phát, ví dụ như trong nghiên cứu của Alesina and Summers (1993), Cataxo và Terrones (2003). Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nếu như mức độ lạm phát cho thấy sự tăng lên của mặt bằng giá cả thì sự biến thiên của nó phản ánh mức độ rủi ro của môi trường vĩ mô – và do vậy nếu như việc tăng tính độc lập của NHTW giúp giảm tính biến thiên của lạm phát thì đây là một chính sách cần thiết nếu một quốc gia muốn duy trì sự ổn định vĩ mô.

Tuy nhiên, những phương pháp trên đây không cung cấp một đánh giá chi tiết về tác động của những cải cách luật NHTW tới tỷ lệ lạm phát động của mỗi quốc gia. Các nghiên cứu chỉ tiến hành xem xét CBI hiện hành, có lẽ không thể nắm bắt được ảnh hưởng của sự tiến triển chỉ số này. Bởi vậy gần đây nhất, Arnone and Romelli (2013) đã thực hiện nghiên cứu trên 10 quốc gia OECD và cho thấy kết quả là chỉ số độc lập NHTW động (chỉ số CBI theo thời gian) tính toán từ những cải cách luật NHTW, có mối quan hệ ngược chiều với tỷ lệ lạm phát động ở những quốc gia đó.

Ở khía cạnh khác, một số tác giả, đặc biệt là những người theo trường phái kinh tế học Keynes cổ điển, cho rằng nền kinh tế cần (và có thể chấp nhận) một mức độ lạm phát

nhất định để có thể tăng trưởng. Vì lý do này, họ có thể hoài nghi tác dụng của NHTW độc lập đối với tăng trưởng, thậm chí có thể lập luận rằng việc tăng tính độc lập cho NHTW có thể ảnh hưởng xấu tới kết quả tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu định lượng phủ nhận lập luận này. Chẳng hạn như Grilli và các đồng tác giả (1991) tìm thấy bằng chứng cho thấy việc nâng cao mức độc lập của NHTW không ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng GDP. Các nghiên cứu của Alesina và Summers (1993), Cukierman và các đồng tác giả (1993), De Haan và Kooi (1997) cũng đi đến kết luận tương tự.

Hình 1. Mối quan hệ giữa chỉ số độc lập của NHTW với mức lạm phát bình quân

Hình 2. Mối quan hệ giữa chỉ số độc lập của NHTW với biến thiên lạm phát

Nguồn: Alesina và Summers, 1993

Dựa trên đề tài nghiên cứu khoa học TÍNH ĐỘC LẬP CỦA NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG TRONG MỐI QUAN HỆ VỚI LẠM PHÁT - NGHIÊN CỨU THỰC TẾ TẠI VIỆT NAM, một số kết luận được rút ra về vấn đề này:

Đầu tiên, có những phá vỡ cấu trúc nội sinh trong tỷ lệ lạm phát thông qua kiểm định nghiệm đơn vị, và những ngày phá vỡ thu được là gần với thời điểm mà thực hiện cải cách luật NHTW. Từ đó cho thấy rằng những cải cách luật NHTW mà làm thay đổi chỉ số CBI là có tác động tới lạm phát.

Thứ hai, từ việc thực hiện hồi quy tỷ lệ lạm phát theo chỉ số độc lập của NHTW, có thể nhận ra rằng tồn tại một mối tương quan ngược chiều giữa chỉ số độc lập kinh tế (chỉ số CBIE) với lạm phát Việt Nam.

Thứ ba, để giữ cho lạm phát thấp thì việc gia tăng mức độc lập của NHNN Việt Nam là một trong những biện pháp khả thi và quan trọng.

Một phần của tài liệu Đánh giá tính độc lập của ngân hàng trung ương và một số hàm ý chính sách với việt nam (Trang 49 - 53)