Trong ngắn hạn.

Một phần của tài liệu Đánh giá tính độc lập của ngân hàng trung ương và một số hàm ý chính sách với việt nam (Trang 59 - 64)

CHƯƠNG V: KẾT LUẬN VÀ MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH.

5.1. Trong ngắn hạn.

Một là, xác định rõ mục tiêu hoạt động của NHNN.

Có mục tiêu có rõ ràng thì NHNN mới có thể kiểm soát được rủi ro trong lĩnh vực quản lý của mình. Như trên đã nêu, luật Ngân hàng Nhà nước 2010 đã đặt ra cho NHNN quá nhiều mục tiêu. Việc theo đuổi quá nhiều mục tiêu sẽ hạn chế năng lực và tính chủ động của một NHNN. Luật cần đưa ra một hoặc một nhóm các mục tiêu chính sách cụ thể, rõ ràng và thống nhất. Quốc hội cần loại bỏ những mục tiêu chung chung và không rõ ràng như đảm bảo quốc phòng an ninh hay nâng cao đời sống nhân dân. NHNN nên được trao quyền lựa chọn mục tiêu cho từng thời kỳ phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô. Trong điều kiện lạm phát cao trước đây thì mục tiêu chính mà NHNN cần lựa chọn là kiểm soát lạm phát. Nếu lạm phát được kiểm soát tốt thì sẽ duy trì sức sản xuất của nền kinh tế, qua đó không những giải quyết được vấn đề việc làm mà còn góp phần làm cho kinh tế tăng trưởng. Trong giai đoạn hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế phải được

đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nguyên nhân cốt lõi của lạm phát Việt Nam vẫn còn đó và nguy cơ lạm phát sẽ quay trở lại Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng là rất lớn. Vì vậy mục tiêu kiểm soát lạm phát cần phải được ưu tiên hàng đầu trong hệ thống các mục tiêu chính sách.

Hai là, đảm bảo sự tự chủ và tính thị trường trong việc xác lập lãi suất mục tiêu.

Hiện nay, có thể coi lãi suất cơ bản là lãi suất mục tiêu của NHNN. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản là lãi suất có tính hành chính, trên thực tế không hề phản ánh các mối quan hệ cung cầu trên thị trường tiền tệ mà đơn thuần chỉ là công cụ áp đặt lãi suất trần đối với các khoản cho vay của NHTM. Để có thể tăng tính tự chủ cho NHNN, việc đảm bảo tính tự chủ trong việc xác lập lãi suất mục tiêu và đảm bảo lãi suất mục tiêu này được hình thành trên cơ sở thị trường là một yêu cầu tối thiểu. Điều này cũng có nghĩa là cần xác lập một quy chế hay trình tự minh bạch để giải quyết bất đồng quan điểm giữa NHNN với các cơ quan hữu quan của chính phủ, đặc biệt là với Bộ Tài chính.

Ba là, đảm bảo vai trò của Quốc hội trong việc quyết định và giám sát việc thực hiện CSTT quốc gia.

CSTT có ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế nên Quốc hội, với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, phải đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và điều hành chính sách này.

Để đáp ứng được nguyên tắc này, Quốc hội chỉ nên tập trung vào mục tiêu cuối cùng của CSTT, để mục tiêu trung gian và điều hành cho Chính phủ và NHTW quyết định. Câu hỏi đặt ra là mục tiêu cuối cùng này nên là gì? Theo luật Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu của CSTT là ổn định giá trị đồng tiền thì mục tiêu cuối cùng của CSTT là lạm phát (đo bằng CPI) là hợp lý. Mục tiêu lạm phát có ưu điểm là minh bạch (có thể quan sát được) và có tính dự báo (khi CPI thực tế lớn hơn CPI mục tiêu thì có thể đoán trước được là NHNN sẽ thắt chặt tiền tệ). Tuy nhiên, nếu cứ bám vào CPI một cách cứng nhắc thì có thể kìm hãm tăng trưởng và gây ra tình trạng thất nghiệp. Vì vậy, không nên đưa ra một mục tiêu CPI cứng nhắc mà nên cho phép mục tiêu này được dao động trong một phạm vi nhất định. Khi CPI thực tế có nguy cơ vượt ra ngoài mục tiêu này thì các ủy ban hữu quan của Quốc hội có trách nhiệm yêu cầu NHNN giải thích nguyên nhân và trình bày

giải pháp chính sách nhằm bình ổn lạm phát. Đây là một thông lệ ở các quốc gia coi lạm phát là mục tiêu cuối cùng của CSTT (ví dụ ở Anh và Úc). Quốc hội chỉ nên tập trung vào mục tiêu cuối cùng của CSTT là CPI (trong một khoảng dao động được phép), sau đó thực hiện quyền giám sát tối cao của mình thông qua các phiên điều trần thường xuyên và đột xuất của các quan chức NHNN trước các ủy ban chuyên trách có liên quan của Quốc hội.

Bốn là, kiểm soát chặt chẽ quan hệ của NHNN với Ngân sách Nhà nước.

Cần phải có một sự tách bạch rõ ràng giữa chức năng in tiền của NHNN và chức năng tiêu tiền của Bộ Tài chính. Ở Việt Nam hiện nay sự tách bạch này chưa có và NHNN vẫn phải chạy theo kế hoạch đầu tư (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì) và kế hoạch huy động nguồn tài trợ cho các chương trình của nhà nước (do Bộ Tài chính chủ trì). Sự phối hợp, thậm chí trong một mức độ nào đó, sự thỏa hiệp giữa các cơ quan chức năng của chính phủ là cần thiết, nhưng chỉ nên được cho phép trong chừng mực sự thỏa hiệp này không làm phương hại đáng kể đến các điều kiện ổn định vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, và dự trữ ngoại hối. Để thực hiện được điều này, cần có những thể chế chặt chẽ quy định điều kiện, quy mô, và mục đích sử dụng các khoản vay của chính phủ từ NHNN . Rõ ràng là Quốc hội với thẩm quyền quyết định chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia phải đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn y và giám sát các khoản vay có tính ngoại lệ này.

Để đảm bảo hiệu quả của CSTT, những nhiệm vụ khác như tạm ứng chi ngân sách hay tài trợ trực tiếp cho thâm hụt ngân sách của Chính phủ cũng nên được quy định lại để Thống đốc có quyền từ chối theo đúng mục tiêu thâm hụt ngân sách được Quốc hội phê duyệt hàng năm và chủ động trong việc điều hành cung, cầu tiền trên thị trường.

Năm là, NHNN phải được độc lập trong việc quyết định thực hiện chính sách và lựa chọn công cụ thực hiện mục tiêu.

Thống đốc phải được trao quyền quyết định trong việc thực thi các CSTT và tự chịu trách nhiệm về các quyết định đó mà không cần phải thông qua Chính phủ. Đồng thời, NHNN phải được trao đầy đủ thẩm quyền trong việc lựa chọn các công cụ điều hành CSTT một cách linh hoạt và phù hợp nhất cũng như kiểm soát tất cả các công cụ có ảnh hưởng tới các mục tiêu của CSTT, nhất là về vấn đề chống lạm phát, để có thể đạt được các mục tiêu CSTT mà Chính phủ hay Quốc hội đã đề ra. Điều này không những góp phần làm tăng tính chủ động cho NHNN mà còn làm giảm độ trễ ngoài của CSTT - một yếu tố quan trọng làm giảm tính hiệu lực của chính sách. Tất nhiên, song song với các thẩm quyền được trao, NHNN phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về kết quả điều hành CSTT và thực hiện các chức năng của NHNN.

Sáu là, nâng cao trách nhiệm giải trình của NHNN.

Một trong những yêu cầu cần thiết để nâng cao tính độc lập là phải thiết lập được cơ chế cụ thể về tính minh bạch và cách giải trình trước công chúng của NHNN.

Điều này đòi hỏi lựa chọn một cơ chế truyền tải thích hợp, bao gồm: nội dung truyền tải, cách thức truyền tải, và các cam kết khi công bố nội dung truyền tải.

Thứ nhất, nội dung truyền tải cần bao gồm: (i) quan điểm của NHNN về việc thực hiện mục tiêu CSTT; (ii) tổng quan tình hình kinh tế và quá trình thực hiện CSTT; (iii) những động thái/giải pháp của NHNN để thực hiện mục tiêu; và (iv) các giải trình khi cần điều chỉnh mục tiêu và các sai sót trong quá trình thực hiện mục tiêu.

Thứ hai, về cách thức truyền tải, có thể áp dụng các kênh thường xuyên, định kỳ và không định kỳ. Kênh thường xuyên, định kỳ (tháng, quý) thông qua các ấn phẩm như báo cáo thường niên, báo cáo định kỳ về việc thực hiện mục tiêu; thông qua giải trình định kỳ của Thống đốc NHNN trên truyền hình. Kênh đột xuất thông qua tổ chức họp báo, trả lời báo chí và công chúng.

Trên cơ sở thực tế của NHNN hiện nay, đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế, tăng cường công tác truyền thông trong điều hành CSTT cần được đẩy mạnh hơn nữa trên những phương diện sau: (i) NHNN xác định các loại thông tin cần công bố cho thị trường; (ii) quy định những thông tin công bố định kỳ (hoặc đột xuất) về điều hành CSTT; (iii) tổ chức khảo sát thường kỳ hoặc đột xuất nhằm thăm dò ý kiến của các thành viên thị trường tiền tệ về nhu cầu thông tin, kênh cung cấp thông tin; và (iv) đối với trang thông tin điện tử của NHNN, các thông tin về điều hành CSTT được cung cấp một cách đầy đủ, đảm bảo tính minh bạch sao cho tất cả các thành viên thị trường tiền tệ đều có khả năng truy cập và nắm bắt thông tin kịp thời.

Bảy là, trao cho NHNN quyền chủ động quyết định về tài chính và độc lập tương đối về mặt nhân sự (bổ nhiệm và miễn nhiệm).

Để thực thi tốt CSTT, NHNN cần phải thu hút được một đội ngũ đông đảo những chuyên gia đầu ngành về tài chính, ngân hàng. Vì vậy, NHNN phải cạnh tranh với các NHTM về môi trường làm việc và chế độ lương thưởng. Do đó, Thống đốc cần được trao quyền trong việc quy định sử dụng những khoản thặng dư trong hoạt động ngân quỹ, chuyển tiền điện tử hay quản lý quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, để có thể có cơ chế tiền lương phù hợp hơn. Hơn nữa, các khoản thu chi sẽ hợp lý hơn khi NHNN được quyền tự chủ trong thu chi đặc biệt là trong việc quản lý biên chế các chi nhánh, cục, vụ, viện trực thuộc. Có như vậy thì NHNN mới có đủ nguồn lực để thu hút đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, trình độ để đảm bảo thực thi chức năng, nhiệm vụ một cách có hiệu quả nhất.

Tám là, tách bạch chức năng điều hành và quản trị.

Điều hành NHNN được thực hiện bởi Ban điều hành, còn quản trị nên được thực hiện bởi Hội đồng quản trị (hoặc Hội đồng quản lý) NHNN.

Kinh nghiệm quốc tế về điều hành chính sách cho thấy các nước đều thành lập Ban điều hành (hoặc Hội đồng/Ủy ban) CSTT và Ban điều hành này có vai trò rất quan trọng trong điều hành CSTT. Trong khi đó, ở Việt Nam có Hội đồng Tư vấn CSTT Quốc gia và

Thống đốc NHNN chỉ là Ủy viên thường trực trong Hội đồng. Hội đồng Tư vấn CSTT Quốc gia hiện nay chưa phải là một cơ quan có đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm trong việc đưa ra các quyết định quan trọng trong điều hành CSTT và các hoạt động khác của NHNN.

Để đảm bảo sự đồng bộ trong việc điều hành CSTT, tăng cường sự phối hợp giữa các chính sách vĩ mô và phân công trách nhiệm rõ ràng, trước mắt, NHNN nên thành lập Ban điều hành CSTT của mình theo hướng sau:

- Về thành viên Ban điều hành CSTT : Chủ tịch Hội đồng nên do Thống đốc đảm nhiệm, uỷ viên thường trực là Phó thống đốc được giao phụ trách chỉ đạo điều hành các Nghiệp vụ thị trường mở (OMO), các uỷ viên khác là các Phó Thống đốc và một số lãnh đạo các Vụ thuộc NHNN có liên quan mà nòng cốt là thành viên Ban điều hành OMO.

- Về phương thức hoạt động: Ban điều hành CSTT sẽ họp và quyết định phương án điều hành CSTT trong tháng tới bao gồm mục tiêu điều hành CSTT và phương án điều hành tất cả các công cụ CSTT trong đó có OMO và lãi suất cơ bản trong tháng tới.

Một phần của tài liệu Đánh giá tính độc lập của ngân hàng trung ương và một số hàm ý chính sách với việt nam (Trang 59 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(75 trang)
w