11. MÔI TRƯỜNG
11.2.3. Nhập khẩu rác thải nguy hại và sinh vật ngoại lạ
So với trước khi gia nhập WTO, tình trạng nhập khẩu trái phép phế thải nguy hại vẫn diễn ra rất nghiêm trọng. Năm 2008-2009, đã có 340 container rác phế liệu và hàng chục container ắc quy chì phế thải, vi mạch điện tử được nhập cảng. Năm 2010, tại các cảng ở Hải Phòng tồn đọng trên 300 container chứa hơn 3.000 tấn rác thải bị cấm nhập về Việt Nam. Trong giai đoạn từ tháng 5/2009 đến tháng 5/2011, lực lượng cảnh sát môi trường toàn quốc đã phát hiện 37 vụ vi phạm, trong đó có 3.278 container chứa 56.618 tấn ắc quy chì phế thải và hàng hóa thuộc diện chất thải nguy hại đã nhập khẩu qua cảng biển, cửa khẩu. Việc xử lý các đối tượng vi phạm chỉ ở mức xử phạt hành chính, buộc tái xuất hoặc tiêu hủy, ít có vụ việc bị xử lý hình sự.
Nguyên nhân của tình trạng này do các doanh nghiệp thiếu nhận thức về BVMT, trong khi đó lợi nhuận từ việc nhập khẩu phế liệu cao. Mặt khác, quản lý nhập khẩu phế liệu chưa chặt chẽ, thẩm định kiểm tra chưa nghiêm túc, còn nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng. Các thủ tục hải quan, quy trình kiểm soát nhằm phát hiện vi phạm còn phức tạp, mất nhiều thời gian, thậm chí không rõ ràng. Việc xử lý chưa đủ mức răn đe. Các văn bản quy định nhập khẩu còn nhiều kẽ hở, danh mục hàng phế liệu cấm nhập và được phép nhập khẩu ở Việt Nam chưa được quy định chặt chẽ và còn nhiều bất cập.
Nhập khẩu sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen, giống cây trồng lạ vào Việt Nam có xu hướng ngày càng tăng, nhất là từ khi gia nhập WTO. Sinh vật ngoại lai khi được nhập khẩu vào Việt Nam gây ra các nguy cơ như: cạnh tranh với các loài bản địa về thức ăn, môi trường sống; ăn thịt các loài sinh vật bản địa làm ảnh hưởng tới sự cân bằng của hệ sinh thái; lai tạo làm rối loạn hệ thống gen bản địa; truyền bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Theo thống kê hiện nay trên thế giới có khoảng 100 loài sinh vật ngoại lai gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có nhiều loài đang hiện diện tại Việt nam nhưng chưa có biện pháp nào để loại trừ như ốc bươu vàng, cây mai dương, bèo Nhật Bản, chuột hamster, bọ cánh cứng hại dừa, bọ phấn thuốc là, cá hoàng đề, rùa tai đỏ.
12.THỂ CHẾ
Việc gia nhập WTO đã có tác động hoàn thiện đáng kể thể chế kinh tế ở Việt Nam, thể hiện ở việc (i) khung pháp lý được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, (ii) bộ máy tổ chức
tham gia vào thực hiện và điều hành các hoạt động kinh tế được củng cố; và (iii) cơ chế thực thi, bao gồm các chính sách, cơ chế hỗ trợ, v.v... được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện để đảm bảo có được môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh bình đẳng và Chính phủ chỉ can thiệp khi cần thiết để khắc phục những thất bại của thị trường.