Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu nhật ký nguyễn huy tưởng (KL07171) (Trang 61 - 66)

7. Cấu trúc luận văn

3.3.5. Điểm nhìn đánh giá tư tưởng, cảm xúc

Đây là hệ thống quan điểm cảm nhận thế giới khác với điểm nhìn bên ngoài chỉ ghi đặc điểm nhân vật, sự vật. Điểm nhìn đánh giá xuất phát từ trung tâm giá trị, thường là nhân vật chính, người trần thuật. Quan điểm đánh giá thể hiện ở thái độ của chủ thể lời nói đối với khách thể bộc lộ qua từ đánh giá, cách nhấn mạnh. Bản thân việc đánh giá lựa chọn người trần thuật với những đặc tính xã hội – thẩm mỹ cụ thể, cá biệt đã thể hiện một sự đánh giá tư tưởng. Nguyễn Huy Tưởng trong thiên nhật ký của mình nêu ra những quan điểm, tư tưởng của mình về cuộc đời, về đạo đức, về văn chương. Trong nhật ký của ông, phần này được người biên soạn Nguyễn Huy Thắng tách thành một mục riêng với tên gọi “Nhật ký tư tưởng”, ghi chép từ ngày 24/3/1931 cho đến ngày 22/12/1932. Những trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng dõi theo từng bước đi của lịch sử, và cũng bởi lẽ đó, nên ông dễ dàng có thể cảm nhận, hiểu thấu được tình cảnh của đất nước. Đặc biệt trong những năm phát động phong trào Cải cách ruộng đất, những chủ trương mới, Nguyễn Huy Tưởng bằng con mắt của mình đã nêu lên những suy nghĩ: “Cuộc cải cách đợt 5, đáng lẽ làm cho nhân dân phấn khởi thì đã gây bao nhiêu xót thương” [20; 113], “Hội nghị cán bộ đòi xét lại vấn đề chỉnh đốn tổ chức, vấn đề cải cách ruộng đất, thi hành kỷ luật các cán bộ, kể cả các đồng chí Trung ương [mắc khuyết điểm]. Rất nhiều cán bộ lâu năm, cấp cao của Đảng bị bắt, bị nhục hình, có người vào sinh ra tử trong kháng chiến, bị xử tử… Phải nhận một điều, chúng ta đã nhiều lúc tàn nhẫn với nhân dân” [20; 122]; “Lòng không được vui. Vẫn còn nặng nề những chuyện Hà Nội. Ức với bọn trẻ mới lên muốn hành hạ những đồng chí cũ. Ức với cái xã hội phong kiến. Cần vạch trắng ra những tội ác của bọn quan liêu, tham ô. Nên có những nhận định lại về địa chủ thường. Họ cũng là người thôi. Mong mỏi tình cảm” [20; 124].

KẾT LUẬN

Nhật ký là một thể loại văn học thuộc loại hình ký. Nhật ký là hình thức tự sự hướng nội, đồng thời cũng là một phương thức nghệ thuật biểu cảm mang tính trữ tình. Nhật ký nói chung là hình thức ghi chép ngoài văn học có đánh số ngày tháng theo một trật tự thời gian nhất định. Nó ghi chép một cách cụ thể, chính xác, chặt chẽ những sự kiện, sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày, gắn với những tâm tư tình cảm chân thực của người viết.

Có thể khẳng định “Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” đã đạt được nhiều giá trị mang tính thời đại sâu sắc. Khảo sát “nhật ký Nguyễn Huy Tưởng” chính là bước đầu tìm hiểu về nội dung tư tưởng của nhật ký, vừa tìm hiểu về nghệ thuật viết nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng.

Nguyễn Huy Tưởng thuộc số ít những tài năng lớn và đa dạng của nền Văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp sáng tác của ông sớm có tiếng vang trong công chúng và sớm được giới nghiên cứu quan tâm. Và bộ ba tập Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã góp phần giúp độc giả có thêm những cái nhìn mới về cuộc đời và những trăn trở, suy tư của ông trong suốt chặng đường đời của mình.

Nguyễn Huy Tưởng là một trí thức giàu tâm huyết với cả cuộc đời và văn chương. Khi vừa đến tuổi trưởng thành, ông đã được chứng kiến hoàn cảnh đất nước bị xâm lăng, xã hội loạn lạc dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, các phong trào cách mạng đang dấy lên và ngày càng sục sôi, quyết liệt. Vừa trăn trở tìm hướng đi cho riêng mình, lựa chọn nghệ thuật, nhà văn vừa hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh học sinh. Ông đã vào đời, vào nghề với một ý thức công dân – nghệ sĩ dứt khoát, mạnh mẽ, đầy nhiệt tình và trách nhiệm. Trong mỗi sáng tác, đặc biệt là trong từng trang nhật ký, ta đều bắt gặp hình ảnh một Nguyễn Huy Tưởng với đời sống tinh thần bộn bề, phức tạp, với những trăn trở nhiều khi thật sâu thẳm, có lúc có cả những giằng xé đớn đau vừa đời thường, vừa bao quát những vấn đề xã hội và nhân sinh lâu dài.

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, với tất cả những gì ông đã để lại và gia đình lưu giữ được, bắt đầu ghi chép từ ngày 2/11/1930 khi ông còn là cậu học trò trường Bonal, Hải Phòng và kết thúc ngày 21/6/1960, được viết trên giường bệnh Bệnh viện Việt – Xô chỉ ít hôm trước khi nhà văn qua đời. Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết nhật ký hầu như đồng thời với việc viết văn – tập viết văn thì đúng hơn – và ông đã duy trì thói quen này một cách thường nhật trong suốt cuộc đời lao động nghệ thuật của mình. Nghĩa là nhật ký Nguyễn Huy Tưởng thâu tóm, phản ánh toàn bộ sự nghiệp văn chương và cách mạng của ông, bắt đầu từ việc tìm đường cho đến khi đã trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, một chiến sĩ của Đảng hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ, với tất cả những đam mê và khát khao sáng tạo, những thành tựu đã đạt được và cả những hẫng hụt của một nhà văn không bao giờ tự bằng lòng với mình, những phơi phới lạc quan và những băn khoăn trăn trở của một người cả nghĩ, như bạn bè, đồng nghiệp vẫn thường biết về ông như vậy…

Cùng với đó, Nguyễn Huy Tưởng trong những trang nhật ký của mình cũng thể hiện một nghệ thuật viết nhật ký uyên thâm của một ngòi bút am tường về văn hóa, giàu triết lí, suy tư sâu sắc về cuộc đời và con người. Qua việc khảo sát toàn bộ nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, mỗi người đọc có thể cảm nhận được: Nguyễn Huy Tưởng sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đầy biến động của lịch sử với âm vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những năm hòa bình xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc; những hậu quả, sai lầm của cải cách ruộng đất; những diễn biến phức tạp của đời sống văn nghệ, nhất là vụ Nhân văn giai phẩm… đã tác động mạnh mẽ đến con đường sáng tạo của nhà văn. Là người nhạy cảm, dễ xúc động trước những biến động của thời cuộc, Nguyễn Huy Tưởng luôn hướng về con người để trân trọng, ngợi ca. Đồng thời dũng cảm, nhìn thẳng vào sự thật, nói lên những vấn đề bức thiết của cuộc sống nhân sinh, đấu tranh với những quan điểm giản đơn ấu trĩ của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ. Ông cũng là người ôm giấc mộng lớn, khát khao viết được những tác phẩm vĩ đại ngợi ca chiến thắng, ngợi ca nhân dân, Tổ quốc. Và đến nay những sáng tác có giá trị của ông về đề tài lịch sử là một minh chứng cho những nỗ lực, sáng tạo của một nhà văn có tài với những

quan điểm sáng tác tiến bộ, vượt thời đại. Sự xuất hiện, góp mặt của nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành một thể loại văn học khiến cho các nhà nghiên cứu văn chương phải có cái nhìn nghiêm túc về nó, nhằm đem lại cho người đọc những giá trị nhân văn khi đọc cuốn nhật ký này.

Trong khuôn khổ cho phép, Luận văn không thể trình bày hết những cảm nhận, phân tích trong quá trình nghiên cứu về Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Chúng tôi hy vọng đã đóng góp một phần nhỏ ý kiến vào công trình nghiên cứu về tác gia Nguyễn Huy Tưởng, đồng thời mong muốn có thêm tiếng nói khẳng định giá trị của thể loại nhật ký lâu nay vẫn bị khuất lấp. Chúng tôi mong sẽ có thể phát triển, hoàn thiện hơn đề tài này trong một tương lai không xa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1, Lại Nguyên Ân biên soạn, 150 Thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr253-254.

2, Lê Văn Đông và Ngô Thu Hiền , Đọc lại Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ,Tạp chí văn học, số 6 năm 2010.

3, Hà Minh Đức, Nguyễn Huy Tưởng – Nhà văn Việt Nam (1945 – 1975), NXB Đại học và THCN, Hà Nội, 1979.

4, Mai Hương, Nguyễn Huy Tưởng với những trăn trở và khát khao sáng tạo, Tạp chí văn học, số 11+12/6/1992.

5, Lê Văn Lan, Nguồn sáng ở một nhà văn đi trước (trong “Nguyễn Huy Tưởng – Một sự nghiệp chưa kết thúc”), Viện Văn học, 1992.

6, Kim Lân, Những ngày cuối cùng của Nguyễn Huy Tưởng, Tạp chí văn học số 106/1960.

7, Lưu Văn Lợi, Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trước khi là nhà văn, Tạp chí Văn học 5 +6/1992.

8, Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, In lần thứ 5, NXB Đà Nẵng, 1997

9, Nguyễn Huy Phòng, “Nguyễn Huy Tưởng với văn chương và cuộc đời”, Tạp chí Tuyên giáo, số 5, tr.50-54, 2013.

10, Nguyễn Huy Phòng, “Một số quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng qua những trang nhật ký”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 5, tr.47-58, 2013.

11, Trần Đình Sử chủ biên, Giáo trình Lí luận văn học tập 2: Tác phẩm và thể loại văn học.

12, Trần Đình Sử (chủ biên), Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn

học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.

13, Ngô Thảo, “ Văn nghệ một thời nhìn qua lỗ khóa” ( trong “Nguyễn Huy Tưởng- một sự nghiệp chưa kết thúc”), Viện Văn học, 1992.

15, Nguyễn Huy Thắng biên soạn, Nguyễn Huy Tưởng – văn và người , NXB Hội nhà văn Hà Nội, 1991.

16, Nguyễn Huy Thắng , Nguyễn Huy Tưởng – khát vọng một đời văn, Tuổi trẻ chủ nhật, số 10, 27/4/1997.

17, Nhiều tác giả - Nguyễn Huy Thắng biên soạn, Nguyễn Huy Tưởng trong vầng sáng hồi nhớ, NXB Hà Nội, 1997.

18, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Huy Tưởng nhật ký, tập I; NXB Thanh niên Hà Nội, 2006.

19, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Huy Tưởng nhật ký, tập II ; NXB Thanh niên Hà Nội, 2006.

20, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Huy Tưởng nhật ký, tập III ; NXB Thanh niên Hà Nội, 2006

21, Nguyễn Bích Thu – Tôn Thảo Miên tuyển chọn và giới thiệu, Nguyễn Huy Tưởng về tác giả và tác phẩm, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.

22, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Huy Tưởng – Nghệ sĩ và công dân, Nhân dân, 17/4/1997.

23, Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng tập 1, NXB Văn Hóa Hà Nội, 1984. 24, Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 1996. 25, Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1996. 26, Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, tập III, NXB Văn học, Hà Nội, 1996. 27, Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, tập IV, NXB Văn học, Hà Nội, 1996. 28, Nguyễn Huy Tưởng toàn tập, tập V, NXB Văn học, Hà Nội, 1996.

29, Nguyễn Huy Tưởng, Nhật ký Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến; số 5/2012.

30, Trịnh Thị Uyên, Nhà tôi – kỷ niệm của một thời và mãi mãi, Tạp chí văn học; số 5,9,10; 1991.

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu nhật ký nguyễn huy tưởng (KL07171) (Trang 61 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)