7. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Khái niệm kết cấu
Kết cấu là một phương diện cơ bản của sáng tác nghệ thuật. Khi ta nói xây dựng tác phẩm, xây dựng cốt truyện, tính cách nhận vật hay cấu tứ trong thơ thì đã xem tác phẩm là một công trình kiến trúc. Kết cấu cũng là cách thức tổ chức các yếu tố đó theo ý đồ, dụng ý nghệ thuật của tác giả tạo nên một lớp keo dính làm cho tác phẩm trở thành một khối bền vững. Kết cấu là vấn đề then chốt của lí luận. Kết cấu hoàn chỉnh chủ yếu là kết cấu bộc lộ tư tưởng chủ đề, nội dung tư tưởng của tác phẩm, làm phát triển tính cách, điển hình nhân vật phù hợp với cuộc sống, hợp với logic.
Các nhà lí luận cũng đưa ra những quan điểm khác nhau về kết cấu. Các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học đưa ra khái niệm như sau: Kết cấu tác phẩm “là toàn bộ tổ chức phức tạp sinh động của tác phẩm (…) tổ chức tác phẩm không chỉ giới hạn ở sự tiếp nối bề mặt, ở những tương quan bên ngoài giữa các bộ phận, chương đoạn mà còn bao hàm sự liên kết bên trong, nghệ thuật kiến trúc, nội dung cụ thể của tác phẩm”, “bất cứ tác phẩm nào cũng có một kết cấu nhất định. Kết cấu đảm nhận các chức năng đa dạng: bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng của tác phẩm, triển khai trình bày hấp dẫn cốt truyện, cấu trúc hợp lí hệ thống tính cách, tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả, tạo ra tính cách toàn vẹn của tác phẩm như một hiện tượng thẩm mĩ”.
Trong 150 thuật ngữ văn học, tác giả Lại Nguyên Ân cũng cho rằng “kết cấu là sự sắp xếp, phân bố các tác phẩm hình thức nghệ thuật, tuỳ theo nội dung và thể tài. Kết cấu gắn kết các yếu tố hình thức và phối thuộc chúng với tư tưởng”.
Theo nhóm tác giả cuốn Lí luận văn học thì “ kết cấu tác phẩm là toàn bộ tổ chức tác phẩm phục tùng đặc trưng nghệ thuật cụ thể mà mỗi nhà văn tự đặt ra cho mình. Kết cấu không bao giờ tách rời nội dung cuộc sống và tư tưởng tác phẩm”.
Những cách hiểu về kết cấu trên có chút khác biệt nhưng chúng có nét chung đều khẳng định kết cấu là cách thức tổ chức, sắp xếp các yếu tố, có sự đan cài hài hoà giữa nội dung và hình thức.
Theo Lí luận văn học (tập 2: Tác phẩm và thể loại văn học), kết cấu được định nghĩa: “Kết cấu, cấu trúc vô luận là tổ chức vật thể, quan hệ hay quy tắc, phương pháp, mô hình đều là yếu tố tạo thành văn bản, là thực tế không thể bỏ qua trong quá trình sáng tác và đọc hiểu văn bản” [11; 156].
Vì nhật ký là những suy nghĩ riêng tư ghi chép theo cảm xúc nên nó không cố gắng kết cấu hình tượng nhân vật hay cốt truyện… như trong tự sự và trữ tình. Nhật ký có những đặc điểm kết cấu tương đồng và khác biệt các loại hình nghệ thuật khác. Về điều này, A.Xâytlin cho rằng: “Bất cứ một thể loại nào cũng đều có đặc điểm kết cấu riêng và như vậy tức là có những ưu thế của nó”. Trong nhật ký Nguyễn Huy Tưởng khảo sát chúng tôi nhận thấy có 3 kết cấu nổi bật là: Kết cấu thời gian tuyến tính, kết cấu tâm lí, kết cấu tự do, phóng túng những vẫn rất chặt chẽ. Kết cấu đó đã mang lại những nét hấp dẫn riêng cho tác phẩm.