7. Cấu trúc luận văn
2.2. Hòa nhập với Cách mạng
Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, Tập II, bắt đầu từ ngày 14/5/1946, nối lại một thói quen ghi chép mà tác giả đã phải bõ bẵng suốt gần một năm trời, kể từ khi ông bí mật rời Hà Nội lên chiến khu dự Quốc dân Đại hội Tân Trào và kết thúc ngày 24/10/1953, khi ông tạm ngừng tham gia công tác phát động quần chúng ở một xã thuộc tỉnh Phú Thọ, để đi dự kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa I – kỳ họp sẽ thông qua Luật cải cách ruộng đất. Giữa hai mốc thời gian này là những năm tháng hoạt động bền bỉ của nhà văn với tư cách vừa là người sáng tác, vừa là người lo toan nhiều
trọng trách của cơ quan văn nghệ. Các địa bàn hoạt động của ông trải khắp từ Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Vĩnh Yên, Tuyên Quang cho đến Cao Bằng, Lạng Sơn… Trong khoảng thời gian này, ngoài các chuyến công tác ngắn hạn mà tác giả vẫn thường xuyên thực hiện theo yêu cầu công việc, ông còn có ba chuyến công tác dài hạn thoát ly khỏi cơ quan văn nghệ. Đó là lần đi Chiến dịch Biên Giới nửa cuối năm 1950, lần đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc khóa IV, năm 1951 – 1952, và lần đi công tác cải cách ruộng đất năm 1953 – 1954. Với mỗi chuyến công tác, do yêu cầu nhiệm vụ được giao và định hướng ghi chép của người viết, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng đều có những sắc thái khác nhau. Trong chiến dịch Biên Giới, những ghi chép thường nhật của ông thiên về chuyện binh bị. Ở trường Đảng, có nhiều ngày tác giả không ghi gì về mình mà chỉ chép chuyện người, những học viên cùng tổ mà ông khâm phục và muốn lấy tư liệu để viết về họ. Còn khi tham gia công tác phát động quần chúng, nhật ký Nguyễn Huy Tưởng thực chất là những đúc rút công việc hàng ngày của một cán bộ trực tiếp điều hành. Chắc hẳn những gì tác giả ghi lại ấy, đối với ông đều quan thiết cả. Riêng với giai đoạn nửa cuối 1953, đầu 1954, là khoảng thời gian Nguyễn Huy Tưởng đi phát động quần chúng ở một số xã Phú Thọ, thay vì những ghi chép thường nhật là bản tự kiểm thảo của ông , viết sau ba tháng sống “ba cùng” với bà con nông dân. Đó chính là những gì tác giả đã tóm tắt một cách cô đọng nhất quãng đời này của mình, quãng đời mà con người văn chương ở ông dường như đã bị xóa đi trước con người cán bộ phong trào.
Trang nhật ký đầu tiên được bắt đầu vào ngày 14/5/1946. Những trang nhật ký tiếp theo của Nguyễn Huy Tưởng, khi bắt đầu viết, ông lại tiếp tục những dự định và viết những tác phẩm của mình: “Cả ngày nghĩ vở kịch Tháng Tám”, “Sửa xong Vũ Như Tô”, “Mê man nghĩ viết lại truyện Người dệt vai”, “Nhất định viết trong một tuần lễ vở kịch về Đêm độc lập”, “Viết xong kịch ngắn Đường tự do”, “Nhất quyết viết vở kịch Sa đọa”, “Viết xong bài Ý nghĩ về mùa thu”,… Và vào ngày 24/9/1946, vở kịch Vũ Như Tô đã được xuất bản, trong nhật ký của mình, Nguyễn Huy Tưởng có viết: “Vũ Như Tô đã xuất bản. Khá bằng lòng. Kịch vĩ đại” [19; 35]. Thời kỳ này ông đã có đôi chút tiếng tăm, được khá nhiều người biết đến.
Ngoài những dự định về văn chương của mình, Nguyễn Huy Tưởng cũng gắn bó mật thiết với các công tác chính trị của đất nước. “Dự buổi họp, nghe Võ Nguyên Giáp báo cáo về Hội nghị Dalat”, đi đón phái đoàn Quốc hội (ngày 23/5/1946), họp Đại hội nghị Văn hóa cứu quốc (ngày 11/10/1946), “bắt đầu họp bầu Việt Minh đoàn trong quốc hội (ngày 25/10/1946).
Sang tới những năm 1947, gia đình Nguyễn Huy Tưởng phải sống li tán. Nguyễn Huy Tưởng ở chiến khu, còn bà Uyên và 3 con phải ở lại Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng tham gia mọi hoạt động và công tác tại chiến khu, ông luôn tự nhủ với bản thân phải sống hòa mình cùng dân chúng, có như vậy thì mới sáng tác nổi. Tại đây, Nguyễn Huy Tưởng làm báo Toàn dân kháng chiến – cơ quan của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Liên Việt. Ông có dịp đi nhiều nơi, chứng kiến những cảnh giặc càn quét các vùng, cùng hòa vào cuộc sống của người dân. Trong hoàn cảnh như vậy song Nguyễn Huy Tưởng vẫn không để việc sáng tác của mình bị đình đốn: “Nhất quyết bắt đầu 15/12 với Những người ở lại” [19; 94]. Và sau đó, ông đã cố gắng hoàn thành tác phẩm này. Ông không ngừng khuyến khích bản thân:
“Cố gắng sáng tác đi. Càng sáng tác càng thêm tin tưởng ở mình”. Tính đến ngày 23/1/1948, ông đã viết xong tác phẩm kịch Những người ở lại.
Trong những năm 1948, Nguyễn Huy Tưởng vẫn tham gia một cách tích cực những hoạt động của cách mạng, những hoạt động của hội văn nghệ sĩ. Song cũng tại thời điểm này, ông bị lạc mất vợ con, cũng vì lẽ đó nên trong thâm tâm ông luôn ám ảnh hình ảnh vợ con mình, lo và thương cho vợ con không ngừng. Tại thời điểm này, ông có dịp quan sát nhiều, dự nhiều cuộc họp, đi nhiều nơi. Tháng 9/1948, trong những trang nhật ký của mình, ông có nhắc tới một người phụ nữ cán bộ là Xuân Oanh, một người con gái tên là Điệp… ông có những phút xao động với những người con gái này.
Thời gian những năm 1949, Nguyễn Huy Tưởng bịn rịn với những chuyện ở Việt Bắc, những cuộc họp, bạn hữu, những công việc đang theo đuổi. Thời điểm này, ông lên đường đi dự Hội nghị văn hóa đoàn thể (8/2/1949), dự Khai mạc Hội nghị văn hóa Đảng (25/2/1949), vào họp Hội nghị Ban chấp hành Hội văn nghệ
(26/3/1949), đi dự Hội nghị Văn nghệ bộ đội (5 – 7/4/1949), viết bài tường thuật Hội nghị văn nghệ Bộ đội đăng trên Văn nghệ số 11-12. Tổ chức lễ đỡ đầu pháo binh (31/8 – 2/9/1949), dự Hội nghị Trung du (13/9/1949), dự Hội nghị Tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, dự lễ xuất phát của đoàn văn nghệ sĩ đi chiến dịch về (7/10/1949), đi dự lớp bế mạc kịch, đại diện Hội Văn nghệ Việt Nam (6/11/1949), đi họp Ban Tuyên truyền... (25/11/1949), họp Tiểu ban Văn nghệ (20/12/1949), họp Hội nghị chấp hành Liên khu I (3-4/1/1950), họp Hội nghị Bình dân học vụ (225/1/1950). Không chỉ bận rộn với những cuộc họp, ông còn hoàn thành nhiều dự định văn chương của mình: “Đêm ngồi viết bài tự phê bình Những người ở lại…”, “Dự định viết truyện Ong đào”, “Bắt đầu viết Bước voi”, “cấu tạo kịch Anh Tơm”, “Bắt đầu viết Chó sủa”, “Viết xong Người vợ”, “Viết xong vở kịch về đầu quân: anh Sơ đầu quân”, “Muốn viết một tiểu thuyết về bộ ba: Huy – Thái – Lưu”, “Dự định viết một nhạc kịch cộng tác với Khoát…”.
Tiếp theo đó, trong chiến dịch Biên Giới, những ghi chép thường nhật của Nguyễn Huy Tưởng thường thiên về chuyện binh bị, tả cảnh sinh hoạt của người dân, cảnh hành quân của bộ đội, miêu tả địa hình hiểm trở, vất vả trên đường hành quân, bộ đội hành quân gặp nhiều khó khăn. Nguyễn Huy Tưởng trong những trang nhật ký của mình còn miêu tả khung cảnh và cuộc sống sinh hoạt ở các điểm dừng chân trên con đường hành quân, tiêu biểu như: cuộc sống sinh hoạt của người Mán, người Nùng, người Thổ… cộng hưởng thêm vào đó chính là tình nghĩa quân dân đằm thắm. Ông còn chú ý, quan sát và miêu tả tình hình trận đánh căng thẳng trong chiến dịch. Tuy vậy song tất cả các chiến sĩ không ai nề hà cái chết, tất cả mọi người cùng đoàn kết, không sợ vất vả, cùng quyết tâm giành chiến thắng. Chặng đường hành quân gian nan, thiếu lương thực, địa hình hiểm trở, giặc đánh phá điên cuồng song các chiến sĩ vẫn một lòng hướng về Tổ quốc. Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng trong chặng đường này đã tái hiện một cách sống động một chặng đường quan trọng trong lịch sử nước nhà.
Ngày 9/11/1950, Nguyễn Huy Tưởng từ chiến dịch trở về. Ngày 8/1/1951, ông viết xong “Thắng từ biên giới” (tên ban đầu của Ký sự Cao Lạng). Ngày
25/2/1951, ông làm xông tập Ký sự Cao Lạng và ngày 27/3/1951 thì được xuất bản. Ngày 26/4/1951, Nguyễn Huy Tưởng và vợ đoàn tụ. Lúc này giặc vẫn càn quét, ngày nào cũng có người chết, ông thương vợ con ra ngoài này thiếu thốn, phải sống khổ cực. Thời điểm này, ông cũng đi dự rất nhiều cuộc họp như: Họp Hội nghị Tuyên huấn Trung ương, Họp Tiểu ban Văn nghệ, Họp Hội nghị Tạm vay của huyện Yên Sơn…cùng với đó, ông cho ra đời thêm được nhiều tác phẩm: kịch “Thi đua đóng thóc” (8/6/1951), kịch “Một ngày hè” (25/7/1951), sửa xong kịch “Nhân dân ta”, đặt lại là “Khiêng thuyền” (13/8/1951).
Ngày 17/8/1951, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu chuyến đi công tác Liên khu 3. Ông có thổ lộ: “Không thú cảnh khu 3” [19; 362]. Ở khu 3, cuộc sống quá khó khăn, có những người đã lưu manh hóa. Do hậu quả của bom đạn, bão lụt, cuộc sống quá khổ cực nên con người ta trở nên xấu. Từ ngày 20 - 23/9/1951, ông họp Hội nghị văn nghệ liên khu 3. Ông bắt đầu bố trí trong tưởng tượng tiểu thuyết: “Đêm Việt Nam”, sửa soạn viết kịch “Nguyễn Quốc Ân”.
Từ tháng 12/1951 đến 25/2/1951, Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu học tại lớp chỉnh huấn trước khi đi học tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Sau khi được học tập tại đây, ông đã thay đổi hẳn những tư tưởng cũ, ông tự nhận thấy những khuyết điểm của bản thân, từ đó muốn phấn đấu, thay đổi những tư tưởng cũ, hòa nhập với Đảng, với nhân dân.
Về cơ quan, Nguyễn Huy Tưởng tự chỉ ra khuyết điểm của bản thân, tự cố gắng thay đổi. Thời điểm những năm 1952, ông cũng hoàn thành xong tập truyện thiếu nhi gồm: Em Hội, Học sinh gương mẫu – Nguyễn Quốc Ân – Chiến sĩ ca nô…, viết kịch “Dân cày vùng lên” cùng đứng tên với nhà văn Kim Lân.
Ở cuối tập II, những trang nhật ký của Nguyễn Huy Tưởng chính là bản tự kiểm thảo của bản thân ông về tất cả các mặt: tư tưởng và lập trường, tinh thần trách nhiệm và tác phong liên hệ với quần chúng. Đó là những ảnh hưởng tích cực từ khi ông được theo học trực tiếp tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.