7. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Khái niệm ngôn ngữ
Từ trước đến nay, ngôn ngữ được coi là một phương tiện giao tiếp trọng yếu và quan trọng nhất của loài người. Nhờ có ngôn ngữ mà con người truyền đạt được những suy nghĩ, tư tưởng, mục đích, ý định với nhau để có thể tồn tại và phát triển đến ngày nay. Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt đã định nghĩa: “ Ngôn ngữ là hệ thống những âm, những từ và những quy tắc kết hợp chúng, làm phương tiện để giao tiếp chung trong một cộng đồng” [8; 688]. Văn học là nghệ thuật ngôn từ nhưng không chỉ là ngôn từ. Nghệ thuật ngôn từ xa xưa đã bao gồm không chỉ thơ trữ tình, kịch, sử thi, mà bao gồm cả nghệ thuật hùng biện dùng trong giảng đạo, trong xét xử, trong diễn thuyết chính trị trước công chúng. Ngày nay, với sự phát triển của báo chí và phương tiện truyền thông đại chúng thì phạm vi của nghệ thuật ngôn từ còn rộng hơn và đổi khác. Do vậy, khi nói văn học là nghệ thuật, ta chỉ nói tới một loại hình của nghệ thuật đó – tức là loại hình sử dụng ngôn từ để sáng tạo ra thế giới nghệ thuật, vì mục đích nghệ thuật. Xét ở lĩnh vực văn chương, ngôn ngữ
nghệ thuật chính là ngôn ngữ trong tác phẩm văn học. Từ điển thuật ngữ văn học
viết: “ Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ… Trong tác phẩm, ngôn ngữ văn học là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn…” [12; 215]. Ở đây, ta cần phân biệt rõ ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ nghệ thuật. Nếu như ngôn ngữ tự nhiên là hệ thống tín hiệu đầu tiên con người dùng để diễn đạt ý nghĩ, diễn đạt tình cảm nảy sinh trong hoàn cảnh nhất định một cách cảm tính thì ngôn ngữ nghệ thuật là hệ thống tín hiệu thứ hai, được phát triển từ hệ
thống tín hiệu thứ nhất, có nhiệm vụ thể hiện tư tưởng của tác phẩm. Ngôn ngữ tự nhiên có chức năng giao tiếp là chủ yếu, còn chức năng thứ yếu là chức năng thẩm mĩ. Nhưng đối với ngôn ngữ nghệ thuật, chức năng thẩm mĩ là chức năng cơ bản nhất, quan trọng nhất. Đó là ngôn ngữ giàu tính hình tượng nhất, được tổ chức một cách đặc biệt để phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng tình cảm và tác động thẩm mĩ tới người đọc.
Ngôn ngữ nghệ thuật là biểu hiện đầy đủ nhất và nổi bật nhất của ngôn ngữ văn hóa toàn dân. Nó được hoàn thiện nhờ tài năng và khả năng sáng tạo của nhà văn. Qua ngôn ngừ nghệ thuật, người đọc không chỉ khám phá được tư tưởng, quan niệm của người viết gửi gắm trong tác phẩm mà còn thấy được phong cách cá nhân của nhà văn đó.