Nguyên tắc soạn thảo sách giáo khoa Tiếng Việt

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu kĩ năng soạn giáo án môn tiếng việt của sinh viên sư phạm giáo dục tiểu học (Trang 29 - 31)

8. Cấu trúc khóa luận

1.2.5. Nguyên tắc soạn thảo sách giáo khoa Tiếng Việt

Sách giáo khoa là nơi cụ thể hóa những đơn vị kiến thức đã quy định trong chương trình. Nội dung và cấu tạo của sách giáo khoa được xác định bởi nhiệm vụ môn học và đặc điểm của đối tượng học sinh. Sách giáo khoa Tiếng Việt được soạn theo nguyên tắc sau:

(1) Nguyên tắc giao tiếp

Giao tiếp là hoạt động trao đổi tư tưởng, tình cảm, cảm xúc…nhằm thiết lập quan hệ, sự hiểu biết hoặc sự cộng tác… giữa các thành viên trong xã hội. Người ta giao tiếp với nhau bằng nhiều phương tiện, nhưng phương tiện thông thường và quan trọng nhất là ngôn ngữ.

Hoạt động giao tiếp bao gồm các hành vi giải mã (nhận thông tin) và kí mã (phát thông tin); trong ngôn ngữ, mỗi hành vi đều có thể được thực hiện bằng hai hình thức là khẩu ngữ (nghe, nói) và bút ngữ (đọc viết).

Quan điểm giao tiếp được thể hiện trên cả hai phương diện nội dung và phương pháp dạy học. Về nội dung, thông qua các phân môn Tập đọc, Kể chuyện, Luyện từ và câu, Chính tả, Tập làm văn, môn Tiếng Việt tạo ra những môi trường giao tiếp có chọn lọc để học sinh mở rộng vốn từ theo định

hướng, trang bị những tri thức nền và phát triển các kỹ năng sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp. Về phương pháp dạy học, các kỹ năng nói trên được hình thành thông qua nhiều bài tập mang tính tình huống, phù hợp với những tình huống giao tiếp tự nhiên. [3, tr. 48].

(2) Nguyên tắc tích hợp

Tích hợp nghĩa là tổng hợp trong một đơn vị học, thậm chí một tiết học hay một bài tập nhiều mảng kiến thức và kĩ năng liên quan với nhau nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục và tiết kiệm thời gian học tập cho người học.

Quan điểm tích hợp trong dạy học Tiếng Việt được thể hiện ở hai yêu cầu: tích hợp ngang (đồng quy) và tích hợp dọc (đồng tâm).

Theo yêu cầu tích hợp ngang, SGK tích hợp kiến thức tiếng Việt với các mảng kiến thức về văn học, thiên nhiên, con người và xã hội theo nguyên tắc đồng quy. Hướng tích hợp này thường được thực hiện thông qua hệ thống các chủ điểm học tập, các kiến thức được tích hợp với kỹ năng, bao gồm kỹ năng đọc, viết, nghe, nói được tích hợp với nhau. Theo quan điểm tích hợp, các phân môn (Học vần, Tập đọc, Kể chuyện, Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm văn) trước đây ít gắn bó với nhau, nay được tập hợp lại xung quanh trục chủ điểm và các bài đọc.

Đồng thời ở một đơn vị kiến thức và kĩ năng mới cũng tích hợp những kiến thức và kĩ năng đã học trước đó theo nguyên tắc đồng tâm: kiến thức và kĩ năng của lớp trên bao hàm kiến thức và kĩ năng của lớp dưới nhưng cao hơn, sâu hơn. Theo yêu cầu tích hợp dọc này, chương trình, sách giáo khoa toàn cấp học được bố trí thành hai vòng:

- Vòng 1 (các lớp 1,2,3) tập trung hình thành ở học sinh các kỹ năng

đọc, viết và phát triển các kỹ năng nghe, nói với những yêu cầu cơ bản: đọc thông và hiểu đúng nội dung của một văn bản ngắn; viết rõ ràng và đúng chính tả; thông qua các bài tập thực hành, bước đầu có một số kiến thức sơ giản về từ, câu, đoạn văn và văn bản.

- Vòng 2 (các lớp 4,5) cung cấp cho học sinh một số kiến thức sơ giản về tiếng Việt để phát triển các kỹ năng đọc, viết, nghe, nói ở mức độ cao hơn với những yêu cầu cơ bản như: hiểu đúng nội dung và bước đầu biết đọc diễn cảm bài văn, bài thơ ngắn; biết cách viết một số kiểu văn bản; biết nghe - nói về một số đề tài quen thuộc. [3, tr. 48-49].

(3) Nguyên tắc tích cực hóa hoạt động của học sinh

Theo quan điểm dạy học “hướng vào học sinh, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy vai trò tích cực của chủ thể người học thì mục tiêu dạy học phải hướng vào học sinh, do học sinh thực hiện” mà “một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới chương trình và SGK là đổi mới phương pháp dạy và học: chuyển từ phương pháp truyền thụ sang phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học trong đó người thầy đóng vai trò là người tổ chức hoạt động của học sinh, mỗi học sinh đều được hoạt động, mỗi học sinh đều được bộc lộ mình và phát triển.” [3, tr.49].

Một phần của tài liệu Bước đầu tìm hiểu kĩ năng soạn giáo án môn tiếng việt của sinh viên sư phạm giáo dục tiểu học (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)