Huy động vốn theo hình hợp tác Nhà nước- Tư nhân (PPP) đang được các cơ quan chức năng kỳ vọng sẽ là “phương thuốc” giải bài toán thiếu vốn cho công tác đầu tư XDCB giao thông trong tương lai. Tuy nhiên, mô hình PPP cũng còn những trở ngại, đặc biệt trong bối cảnh cơ chế chính sách và việc giải quyết hài hòa các lợi ích giữa nhà nước- tư nhân là không hề dễ dàng.
Trong khi các văn bản quy định pháp lý về đầu tư cơ sở hạ tầng theo mô hình PPP đang được Chính phủ cho xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm nay, mới đây Bộ GTVT đã chủ động đưa ra danh sách kêu gọi đầu tư theo mô hình PPP đối với khoảng 10 dự án lớn về đầu tư xây dựng đường cao tốc, với tổng số vốn lên đến trên 10 tỉ USD.
Một số dự án đang được “nhắm” để triển khai theo hình thức PPP là đường cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết, Ninh Bình- Thanh Hóa, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Long Thành, cảng quốc tế Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ,...
Hiện nay, nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam khoảng 16 tỷ USD/năm trong khi khả năng đáp ứng của Nhà nước chỉ khoảng 7-8 tỷ USD. Từ nay đến năm 2020, vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng ước tính chiếm khoảng từ 10% đến 11% GDP. Trong điều kiện tài chính hiện tại thì khả năng cân đối ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển cũng có những hạn chế nhất định.
Chính vì vậy, rất nhiều cơ quan chức năng đang kỳ vọng trong thời gian tới PPP sẽ là phương thuốc hiệu nghiệm để giải bài toán thiếu vốn cho đầu tư hạ tầng nói chung và XDCB giao thông nói riêng.
Hiện tại, Bộ GTVT cũng đang kiến nghị Chính phủ bố trí đủ kinh phí cho công tác chuẩn bị cho các dự án PPP giao thông nói trên để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có đủ dữ liệu cần thiết về phương án tài chính, mức hỗ trợ tài chính chi tiết làm cơ sở mời thầu và đàm phán với các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, dù có nhiều ưu điểm, song ở nhiều nước trên thế giới PPP cũng chỉ được xem là một hình thức đầu tư bình thường như bao phương thức khác. Một số nước đã thành công với PPP và huy động được vốn cho công tác đầu tư hạ tầng, nhưng cũng không ít nước thất bại và không thu hút được bao nhiêu nguồn lực từ PPP này.
Trên thực tế đầu tư theo mô hình PPP chỉ mới chứng minh thành công ở một số nước phát triển, những nơi năng lực quản lý của cơ quan công quyền cũng phát triển và minh bạch như: Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi, Úc,...
Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng chỉ mới tiến hành theo phương thức này như Singapore chỉ mới phát triển PPP từ 2-5 năm trở lại đây và cũng đang gặp nhiều khó khăn. Indonesia cũng tiến hành khoảng 3-4 năm nay.
Tại cuộc hội thảo gần đây về vấn đề đầu tư theo hình thức PPP, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đưa ra những ý kiến phân tích về cách hiểu chuẩn của PPP và cảnh báo những rủi ro có thể xảy ra đối với phương thức này. Bản chất PPP chính là làm sao Chính phủ có thể đảm bảo được những lợi ích thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Thế nhưng, nhu cầu của xã hội thì bao giờ cũng lớn trong khi nguồn lực lại có hạn.
Chính vì vậy, để tìm được tiếng nói chung giữa nhà nước với tư nhân trong mô hình PPP chính là bài toán khó nhất hiện nay. Hơn nữa, để mô hình PPP thành công, phải có những khung pháp lý đủ rộng vì thực tế trong suốt thời hạn của một dự án cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư tư nhân phải đối mặt với nhiều rủi ro mà họ cần xem xét như: rủi ro đấu thầu, rủi ro đàm phán, rủi ro xây dựng, rủi ro hoạt động và rủi ro từ Chính phủ.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, khung pháp lý cho PPP ở Việt Nam mới đang trong quá trình xây dựng và chưa có hành lang đảm bảo cho PPP hoạt động hiệu quả. Mặt khác, những yếu tố về thủ tục, cơ chế, GPMB,... vốn hết sức phức tạp trong công tác đầu tư XDCB cũng là một rào cản không nhỏ khiến các nhà đầu tư lo ngại về mức độ rủi ro lớn khi bỏ vốn vào PPP ở Việt Nam trong thời gian tới.