Trần Bình
Khu vực kinh tế tư nhân, hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), không những là nhân tố quyết định cho sự phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trên bình diện xã hội chính trị, góp phần hình thành một xã hội công dân, qua đó, người dân có được vị thế kinh tế xã hội độc lập hơn và có điều kiện phát huy khả năng trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khu vực kinh tế tư nhân, hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm các hoạt động kinh tế tư nhân trong nước. Tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững, khu vực kinh tế tư nhân trong nước là nguồn lực của sức mạnh kinh tế, vốn tri thức, là niềm tự hào của dân tộc. Trong nhiều thập niên qua, nước Nhật được thế giới thán phục bởi những thành tựu khoa học kỹ thuật mà họ đã đạt được. Hình ảnh một nước Nhật thịnh vượng và hiện đại gắn liền với những sản phẩm, thương hiệu danh tiếng thế giới: Canon, Toyota, Mitsubishi, Sony… Tại Hoa Kỳ, chỉ hơn một thập niên trước đây, giới tiêu thụ vẫn còn nhìn các sản phẩm công nghệ của Hàn Quốc với cập mắt đầy ngờ vực. Ngày nay, thương hiệu Samsung đang tràn ngập thị trường lớn nhất thế giới này và bạn có thể dễ dàng bắt gặp các xe Hàn Quốc Huyndai, Kia… ở mỗi góc phố, mỗi đoạn đường đi qua. Hình ảnh của Hàn Quốc hôm nay gợi nhớ một Nhật Bản vươn mình của thập niên 60. Thành quả này có được chính là do họ tạo được những điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã trải qua nhiều biến động trong suốt hai thập niên qua. Kể từ khi nhà nước từ bỏ vai trò độc quyền hoạt động kinh tế và công nhận thành phần kinh tế tư nhân, khu vực này không ngừng lớn mạnh và chính sách mở cửa mậu dịch đã trở thành nhân tố chính dẫn đến sự phát triển khá mau lẹ của nền kinh tế Việt Nam. Giáo sư David Dapice đã nhận định: Luật Doanh nghiệp ban hành năm 2000 cắt giảm rào cản thủ tục đối với các doanh nghiệp tư nhân là quyết định quan trọng nhất kể từ khi Việt Nam thực hiện cuộc cải cách nông nghiệp cuối thập niên 80 . Mặt khác, các nhà tư vấn, các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế lại rất quan ngại về sự phát triển mất cân đối trên quy mô phân bố doanh nghiệp. Báo cáo phát triển 2006 của Ngân hàng Thế giới ( World Bank ) đã nhận định: “Các doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt thường có qui mô hoặc là rất nhỏ (trường hợp doanh nghiệp tư nhân trong nước) hoặc rất lớn (doanh nghiệp FDI). Sự thiếu vắng các doanh nghiệp ở khoảng giữa cho thấy rằng vẫn còn những rào cản trên con đường lớn mạnh của các doanh nghiệp nhỏ trong nước.”
Trong khuôn khổ bài viết, khu vực kinh tế tư nhân thường được đề cập đến như một tổng thể bao gồm các doanh nghiệp FDI, song trọng tâm thảo luận sẽ xoáy sâu vào khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Bối cảnh
Chính sách tập thể hoá sản xuất nông nghiệp thực hiện tại miền Nam sau năm 1975 đã gặp sự phản kháng tiêu cực của dân chúng và hệ quả là trình trạng năng suất và sản lượng thấp. Mặc dù diện tích canh tác tăng 30% và có những đầu tư đáng kể vào các công trình thuỷ lợi tại các tỉnh phía nam, sản lượng ngũ cốc trên cả nước trong 11 năm đầu từ 1976-1987 tính trên đầu người hầu như giậm chân tại chỗ, chỉ tăng 28% so với tỷ lệ gia tăng dân số 27%. Khi chính sách cải cách nông nghiệp ban hành, ruộng đất được phân phối lại cho dân chúng, năng suất canh tác tăng nhanh rõ rệt. Chỉ trong vòng 8 năm sau (1987-1995), sản lượng lương thực tăng 65%, hay 40% tính theo đầu người .
Chính sách tư nhân hoá sản xuất nông nghiệp đã vực dậy khát vọng muôn đời của người dân là mong muốn được tự do làm ăn, tạo nên chuyển biến kinh tế tích cực và đồng thời góp phần cải thiện đời sống dân chúng. Số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới ( World Bank ) cho thấy người nông dân được hưởng khoảng 80% trên giá gạo xuất khẩu so với 40% trên sản phẩm chè . Sản lượng nông phẩm từ đó không ngừng gia tăng mạnh; trong những năm gần đây, sản lượng xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu đã vượt lên hạng 1 hoặc 2 trên thế giới. Mặt khác, do diện tích canh tác manh mún, công nghệ lạc hậu và năng lực quản lý yếu kém, khả năng khai thác tiềm năng kinh tế nông nghiệp vẫn còn hạn chế. Việt Nam hiện còn phải đương đầu với nhiều thách thức cam go khác như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trên lãnh vực công thương nghiệp, với việc 1500 doanh nghiệp tư nhân và 130 ngàn công nhân miền Nam bị quốc hữu hoá và chuyển đổi thành 650 doanh nghiệp nhà nước sau năm 1975, các hoạt động doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn bị xóa sổ. Chủ trương xây dựng khu vực kinh tế công nghiệp theo mô hình kinh tế Liên Xô cùng với chính sách tập thể hóa nông nghiệp đã khiến nền kinh tế ngày một suy thoái với nạn lạm phát phi mã, lương thực thiếu hụt và kim ngạch xuất khẩu vào năm 1986 chỉ đạt 500 triệu USD .
Năm 1986, gần một thập niên sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc cải cách kinh tế theo định hướng thị trường, Việt Nam mới khởi động cuộc cải cách công nghiệp, bắt đầu bằng việc xóa bỏ chế độ bao cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước, và thông qua Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài. Làn sóng đầu tư nước ngoài bắt đầu gia tăng từ năm 1988. Năm 2000 có 1.525 doanh nghiệp FDI; vào đầu năm 2006, đã tăng lên 3.697 . Vào thập niên 90, nguồn vốn FDI đạt cao điểm 8.6 tỷ USD năm 1996. Sự tụt dốc của nguồn vốn FDI vào những năm sau đó được các nhà phân tích giải thích vì những nguyên chính như sự yếu kém của ngành kỹ nghệ phụ trợ (supplier industries), những trì trệ trong nỗ lực đẩy mạnh chính sách cải cách và cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu năm 1997. Từ năm 2003, nguồn vốn FDI đã gia tăng trở lại, vượt nhanh trong hai năm qua, đạt 10.2 tỷ USD cho năm 2006 và trên 11 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2007.
Khung pháp lý đầu tiên cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước được thiết lập vào năm 1990 với sự ban hành Luật Doanh nghiệp Tư nhân và Luật Công ty.
Nhưng dấu mốc quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân chính là Luật Doanh nghiệp ban hành tháng 1/2000. Chỉ có khoảng 5000 doanh nghiệp tư nhân vào trước năm 1991 nhưng trong giai đoạn 1991-1999, số lượng doanh nghiệp tự nhân đã tăng lên xâp xỉ 5000 doanh nghiệp mỗi năm . Từ 2001 – 2005, số doanh nghiệp tăng nhanh, mỗi năm số doanh nghiệp thực tế hoạt động tăng thêm 14.213 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động vào cuối năm 2005 lên 113.352 . Ở quy mô nhỏ hơn các doanh nghiệp tư nhân là các hộ kinh doanh. Theo cuộc điều tra về mức sống hộ gia đình thực hiện năm 2004, có khoảng 7,4 triệu hộ, tức khoảng một nửa tổng số hộ gia đình, có hoạt động kinh tế phi nông nghiệp như là nguồn lợi tức chính hay lợi tức phụ trong khoảng thời gian nhàn rỗi giữa các vụ mùa .
Sự hình thành và lớn mạnh của của khu vực kinh tế tư nhân trong nước và nước ngoài đã xoay chiều hướng phát triển của nền kinh tế 180 độ. Kim ngạch xuất khẩu năm 1986 đạt 500 triệu USD, tăng lên 9.2 tỷ USD năm 1997, 35 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2007. Trong quá trình phát triển ấy, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân không ngừng gia tăng, vượt khu vực kinh tế nhà nước trên hầu hết các chỉ số kinh tế quan trọng.
Song dù phát triển nhanh chóng, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô rất nhỏ. Chủ trương xây dựng vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước với sự bành trướng của các tổng công ty nhà nước, hiện là mối lo ngại về tình trạng “lấn sân”, vốn là trở lực chính của sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân, sẽ còn tiếp diễn. Trong bối cảnh của thời kỳ hội nhập hậu WTO, sự kém hiệu năng cố hữu của các doanh nghiệp nhà nước và sự phát triển mất cân đối của các doanh nghiệp tư nhân có thể làm suy yếu năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, như nhận định trên tài liệu của Ngân hàng Thế giới ( World Bank ) : ” từ gốc độ của sự phân tối ưu theo qui mô doanh nghiệp và tính đến khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, có thể nói rằng khu vực tư nhân của Việt Nam không chỉ thiếu vắng các doanh nghiệp ở khoảng giữa, mà còn thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô lớn.”
Sự bùng phát của khu vực kinh tế tư nhân
Kết quả của cuộc Điều tra giá trị thế giới (World Values Survey, WVS) thực hiện năm 2001 trên 65 quốc gia đã làm ngạc nhiên giới nghiên cứu phương Tây rằng người Việt Nam còn có chí kinh doanh hơn cả người Hoa và thái độ của những đối tượng tham gia trả lời điều tra của người Việt rất gần với thái độ của người Nhật. Sự năng động của người Việt đối với hoạt động kinh doanh một phần nào đó được giải thích vì Việt Nam có một dân số trẻ với khoảng hai phần ba dân số sinh sau năm 1975. Những so sánh quốc tế khác cho thấy tỷ lệ lao động ở nông thôn tham gia vào các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp tăng theo trình độ phát triển của quốc gia, nhưng “đặc biệt trường hợp của Việt Nam là bộ phận này phát triển nhanh hơn rất nhiều kể từ khi bắt đầu cuộc cải cách kinh tế”. Cuộc điều tra cũng rất chú ý đến tính “siêng năng một cách bất thường” của “những người dân của một đất nước có thể mô tả là tham công tiếc việc.”
Với một dân số trẻ năng động, siêng năng và cầu tiến, một khi có cơ hội, được tự do làm ăn buôn bán, các hoạt động kinh tế tư nhân nhanh chóng phát triển.
Trên thị trường lao động, hàng năm, Việt Nam có khoảng 1,4 đến 1,5 triệu người gia nhập. Nhưng các doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ cung cấp chưa tới 7% tổng số việc làm, do đó, sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân là khả năng duy nhất có thể giải quyết công ăn việc làm cho người dân và mở lối ra cho lao động dư dôi ở khu vực nông nghiệp, đặc biệt là phụ nữ trẻ . Trong giai đoạn 2000-2004, các doanh nghiệp nhà nước chỉ tiếp nhận 5% trên tổng số 4 triệu lao động gia tăng, trong khi đó có 60% lao động được thu nhận bởi các doanh nghiệp tư nhân trong nước, 25% bởi các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp tư nhân không đăng ký, và 12% bởi các doanh ngiệp FDI .
Về vốn đầu tư, năm 2005, khu vực kinh tế tư nhân trong nước chiếm 32%, so với 17% vốn FDI và 49% vốn nhà nước . Điều cần lưu ý là trong 49% vốn nhà nước, phần của doanh nghiệp nhà nước đầu tư chiếm chưa tới 20%, còn lại là từ ngân sách và vốn của chính phủ huy động .
Mức tăng trưởng ngành công nghiệp là chỉ số kinh tế quan trọng khác: khu vực kinh tế tư nhân trong nước vượt các doanh nghiệp nhà nước với mức tăng trưởng hàng năm, tăng trung bình từ 18-24% so dưới 10% của doanh nghiệp nhà nước và đóng góp 33% sản lượng công nghiệp, so với 30% của khu vực nhà nước .
Hoạt động xuất khẩu là khu vực hoạt động mạnh nhất của các doanh nghiệp FDI, đóng góp 58% , kế đó là khu vực kinh tế tư nhân trong nước .
Trên tổng sản lượng quốc gia (GDP) năm 2005, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 50% GDP, trong đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp 35%, và các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 15%. Trên thực tế, GDP của khu vực kinh tế tư nhân còn cao hơn nhiều do sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân không chính thức (shadow/informal), bao gồm doanh thu không tường trình của các doanh nghiệp đăng ký và không đăng ký. Theo kết quả của cuộc điều tra phối hợp của Ngân hàng Thế giới, Tập đoàn Tài chính Quốc tế, và Chương trình Phát triển Dự án Mê kông (WB/IFC/MPDF), tỷ lệ GDP của khu vực kinh tế tư nhân không chính thức tăng từ 30% năm 1997, lên 51% GDP năm 2001. Khi bao gồm khu vực không chính thức này, tỷ lệ GDP của khu vực kinh tế tư nhân tăng lên khoảng 57-67% .
Mặc dù phát triển nhanh chóng, song khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều mặt hạn chế.
Hạn chế và tiềm năng
Tình trạng tranh tối tranh sáng do luật pháp không nghiêm và nạn tham nhũng lan tràn là môi trường thuận lợi cho sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân không chính thức rộng lớn, ước tính chiếm đến 50% GDP. Hiện trạng này được các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Á châu nhận định vừa là yếu tố tích cực, thể hiện khả năng thích ứng của các doanh nghiệp tư nhân trong môi trường kinh doanh còn nhiều mặt hạn chế, nhưng đồng thời lại vừa giới hạn khả năng phát triển, tiếp cận và hội nhập của các doanh nghiệp hoạt động không chính thức đối với cộng đồng doanh nghiệp hoạt động chính thức trong nước và nước ngoài.
Hoạt động kinh tế không chính thức không những chỉ gồm các doanh nghiệp không đăng ký mà còn cả những thương vụ không khai báo nhằm lách luật, trốn thuế. Chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp, vì thế, gia tăng đáng kể vì những khoản tốn kém không chính thức cho các viên chức, khiến cho ngân sách nhà nước bị thất thoát. Theo cuộc điều tra của WB/IFC/MPDF thực hiện năm 2003, cứ 20% trên giá trị thương vụ không khai báo cho ngân hàng, khoản tốn kém riêng cho các viên chức tăng khoảng 50% . Các doanh nghiệp không đăng ký còn phải chịu nhiều thiệt thòi khác như không thể tham gia các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp FDI, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hoặc vây vốn ngân hàng. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp thức hoá các hoạt động kinh tế không chính thức, vì thế, xét về lâu dài, sẽ giúp cho các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, ngân sách tăng thu, hoạt động kinh doanh minh bạch hơn, và do đó góp phần hạn chế tệ trạng tham nhũng.
Quy mô doanh nghiệp là hạn chế chủ yếu khác của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Theo điều tra năm 2004, các doanh nghiệp tư nhân qui mô lớn trong nước chiếm chỉ 0,3 % GDP trên tỷ phần 23.6% GDP của các doanh nghiệp qui mô lớn trong nước . Chỉ có 44 doanh nghiệp tư nhân trong nước – 17 doanh nghiệp trong số đó cổ phần với nhà nước - có vốn trên 33 triệu USD. Trong số hơn 60 ngàn doanh nghiệp tham dự cuộc điều tra, chưa đến 1/1000 doanh nghiệp tư nhân có vốn trên 33 triệu US và lương lao động chỉ bằng 50-60% của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI . Theo cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2006, nếu lấy tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa là dưới 300 lao động và vốn dưới 625 ngàn USD, thì có tới 96,81% doanh nghiệp thuộc nhóm nhỏ và vừa và tài sản cố định trên mỗi lao động bình quân là 4100 USD . Với quy mô nhỏ bé và vốn đầu tư rất thấp, các doanh nghiệp tư nhân khó có thể hội đủ tiềm lực tiếp cận với tri thức, nghiên cứu và phát triển cũng như xây dựng các quy trình sản xuất, trang bị công nghệ hiện đại, đào tạo và nâng cao khả năng quản lý.
Sự yếu kém của các doanh nghiệp tư nhân trong nước bộc lộ rõ khi chỉ có một