RCR MUỐN ĐẦU TƯ XANH BẰNG PPP

Một phần của tài liệu Tài liệu tham khảo về PPP pptx (Trang 29 - 31)

Vĩnh Bảo

Khoảng 8,9 tỉ USD sẽ được ReCycled Refuse International dùng đầu tư vào lĩnh vực môi trường tại Việt Nam theo hình thức đối tác công - tư.

ReCycled Refuse International (RCR) là tập đoàn Anh chuyên đầu tư trong lĩnh vực môi trường. Với kế hoạch nhắm vào thị trường Việt Nam, RCR cho biết dự định bỏ ra khoảng 8,9 tỉ USD và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Public - Private Partnerships - PPP). Ông Lê Trung Trực, Trưởng Đại diện RCR tại Việt Nam, đã trao đổi với NCĐT xung quanh dự án này.

Vì sao RCR muốn đầu tư vào lĩnh vực môi trường ở Việt Nam với số vốn lớn như vậy?

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi trong 2 năm 2008-2009, Việt Nam là một trong số ít thị trường châu Á nổi trội về các chiến lược quản lý chất thải rắn, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp và dịch vụ môi trường, nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, do thiếu vốn, Việt Nam chưa có điều kiện tiếp cận xu hướng đưa chất thải thành năng lượng và sinh khối thành nhiên liệu. Vì vậy, RCR đã lập một dự án đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 6,5 tỉ euro (khoảng 8,9 tỉ USD) cho lĩnh vực môi trường ở Việt Nam.

Tỉ lệ vốn của các đối tác tham gia vào dự án PPP này cụ thể như thế nào?

Các đối tác chỉ góp vốn thành lập doanh nghiệp với tỉ lệ 49/51. Trong đó, RCR chiếm 51%, các nhà đầu tư trong nước là 49%. Phần tham gia của đối tác công không phải là phần góp vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp dự án. Vốn cho toàn bộ dự án là do RCR thu xếp bằng vốn sở hữu của mình và huy động từ nước ngoài.

Việc Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức PPP là thuận lợi hay khó khăn đối với dự án này?

Dự án của RCR phù hợp với chiến lược quản lý chất thải và Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư của Việt Nam (hiệu lực từ ngày 15.1.2011). Ngoài ra, do thời gian thực hiện dự án ngắn (12-15 tháng) nên sau khi hoàn thành, Việt Nam có thể giải quyết được phần nào vấn đề rác thải ở đô thị.

Khó khăn là ở chỗ mặc dù Chính phủ đã ban hành quy chế với đối tượng thử nghiệm đầu tiên là nhà máy xử lý chất thải, nhưng để các cấp có thẩm quyền thông suốt và thực hiện tốt thì cần đợi một thời gian nữa. Tiếp đến, tuy đã có chính sách khuyến khích nhưng chưa có hướng dẫn đầy đủ nên sẽ gây khó khăn cho các địa phương trong thỏa thuận mức phí và giá cả với RCR ngay từ khi lập biên bản ghi nhớ các thỏa thuận. Đây lại là điều kiện tiên quyết để RCR lập báo cáo tiền khả thi và huy động vốn ở nước ngoài.

Vậy dự án này có thể mang lại những lợi ích gì cho Việt Nam?

Về tài chính, Việt Nam có thể huy động được 2,7 tỉ euro vốn đầu tư nước ngoài trong 12-36 tháng nên không phải dùng vốn nhà nước và không tạo nợ công. Phí xử lý, thu gom chất thải phía Việt Nam đã trả sẽ được hoàn lại vào cuối mỗi kỳ kế toán sau kiểm toán. Ngoài ra, Việt Nam sẽ được chia đều lợi nhuận từ hoạt động của nhà máy tái chế liên hoàn, một cơ chế mà RCR chỉ dành cho Việt Nam. Và đặc biệt, Việt Nam có thể giảm hơn 12.760.000 tấn CO2 mỗi năm (tương đương 247 triệu euro) từ dự án này.

Một phần của tài liệu Tài liệu tham khảo về PPP pptx (Trang 29 - 31)