(baodautu.vn) Một trong những nền tảng cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển hạ tầng là Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực phát triển hạ tầng (Công ty KPMG Việt Nam) về vấn đề này.
Quyết định 71/2010/QĐ-TTg có hiệu lực từ tháng 1/2011 sẽ góp phần hỗ trợ phát triển hạ tầng tại Việt Nam như thế nào, thưa bà?
Quyết định này đưa ra các nguyên tắc cơ bản để bảo đảm tính minh bạch của các dự án phát triển hạ tầng quan trọng nhằm giúp Chính phủ Việt Nam đạt được hiệu quả đầu tư cao hơn. Ngoài ra, Quyết định cũng đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể hơn về một loạt vấn đề.
Trước hết, theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ góp không quá 30% tổng vốn đầu tư của dự án, do đó tính khả thi của dự án sẽ dễ dàng được xác định thông qua báo cáo về tính khả thi xét từ góc độ thương mại.
Các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ được hưởng ưu đãi thuế theo các quy định về thuế của Việt Nam.
Theo Quyết định, phải có nghiên cứu khả thi tổng thể chi tiết trước khi đưa dự án ra thị trường mời gọi đầu tư.
Để tạo dựng lòng tin đối với các bên cho vay trong trường hợp dự án tiến triển không như mong đợi, Quyết định 71/2010/QĐ-TTg quy định: bên cho vay có quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp dự án trong trường hợp doanh nghiệp dự án hoặc nhà đầu tư không thực hiện được các nghĩa vụ theo hợp đồng dự án hoặc hợp đồng vay vốn.
Điều gì cản trở việc các ngân hàng quốc tế chấp thuận cho các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam vay vốn?
Trước hết là rủi ro tiền tệ. Trong bối cảnh không có các công cụ phòng ngừa rủi ro hối đoái dài hạn trên thị trường, các ngân hàng mong đợi Chính phủ và các cơ quan chức năng chia sẻ rủi ro này. Tuy nhiên, Quyết định 71/2010/QĐ-TTg chưa quy định rõ vấn đề đó.
Tiếp theo là rủi ro xây dựng. Nhìn chung, các ngân hàng muốn làm việc với các tập đoàn xây dựng quốc tế danh tiếng và giàu kinh nghiệm, đồng thời những tập đoàn quốc tế này cũng mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp xây dựng có uy tín trong nước.
Rủi ro về tài chính và luật pháp cũng là vấn đề được các ngân hàng quốc tế quan tâm, bởi Việt Nam chưa có hướng dẫn hoàn chỉnh, rõ ràng và minh bạch về
hoạt động đầu tư theo hình thức PPP thông qua các thông tư.
Vậy các bước cần thiết tiếp theo là gì, thưa bà?
Các nhà đầu tư và tổ chức cho vay đang chờ đợi việc ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 71/2010/QĐ-TTg. Việc ban hành những quy định cụ thể hơn cho các nguyên tắc cơ bản được nêu trong Quyết định này sẽ củng cố niềm tin để đưa các dự án đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam vào thực tế.
Một vấn đề quan trọng nữa là nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong các cơ quan thực hiện dự án.
Các công ty tư nhân trong nước cũng cần phải xây dựng đội ngũ có năng lực để hợp tác với các tập đoàn nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước.
Cuối cùng, một dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được thực hiện thành công cùng với một danh sách các dự án khả thi tiếp theo sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu đối với các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng.