Giới thiệu sơ nét về chợ Bến Thành

Một phần của tài liệu Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng mua sắm tại chợ bến thành (Trang 52 - 53)

Chợ Bến Thành tọa lạc tại trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Sau đó, người Pháp cho xây dựng Chợ Bến Thành mới tại vị trí hiện nay. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912 đến tháng 3 năm 1914 hoàn thành.

Chợ Bến Thành được xếp vào chợ hạng 1, có tổng diện tích 13.056m² với bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng. Chợ được xây dựng với mục đích ban đầu là cung cấp thực phẩm cho dân cư. Dần theo thời gian và sửa chữa lớn năm 1985, đến nay chợ Bến Thành đã có 1.446 sạp được chia theo 4 khu vực. Khu vực 1 và 2 được quy hoạch bán các mặt hàng: vải sợi, quần áo, mùng mền, chăn ra, khăn trải bàn, túi xách, ba lô, vali, đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm. Khu vực 3 được quy hoạch các mặt hàng: thực phẩm chế biến như trà, cà phê, bánh kẹo, gia vị, rau củ quả, trái cây, thủy hải sản, nhang đèn, nhựa gia dụng. Khu vực 4 được quy hoạch các mặt hàng: sành sứ, thủy tinh, mỹ nghệ, mây tre lá, thực phẩm chế biến, hàng ăn uống, thủy hải sản, thịt gia cầm, trứng.

Ngoài ra, còn có 5 doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Bến Thành, Liên hiệp Hợp tác xã Thành phố (Coop mart), Vissan được bố trí diện tích khoảng 3.000 m2 để kinh doanh. Cửa hàng thực phẩm quận 1 (trực thuộc Công ty Vissan) cung cấp thịt gia súc tươi sống (heo, bò, lòng heo, lòng bò) và các sản phẩm của công ty Vissan. Bốn doanh nghiệp còn lại bán các mặt hàng quần áo, vài sợi, tranh thêu, mỹ nghệ, túi xách, ba lô, vali … với các quầy hàng được sắp xếp tương tự như ở siêu thị.

Chợ có khoảng 6.000 thương nhân và người giúp việc, nhân viên của 5 doanh nghiệp đang hoạt động tại chợ. Trung bình mỗi ngày đón khoảng 5.000 lượt khách đến mua bán và tham quan.

Hàng hóa ở chợ Bến Thành đa dạng, có đủ các loại từ hàng xuất khẩu, hàng gia công đến hàng xách tay từ nước ngoài về. Thực phẩm thì đạt chuẩn vừa tươi vừa ngon, nhiều mặt hàng như rau củ trái mùa, trái cây ngoại nhập, thủy hải sản tươi sống, hàng

44

đặc sản bào ngư, vi cá, hải sâm… được đưa thẳng tới từ sân bay Tân Sơn Nhất. Khu ẩm thực với sự góp mặt của đầy đủ các món ăn truyền thống khắp mọi miền đất nước.

Khách đến chợ Bến Thành chủ yếu chia thành hai dạng: khách vãng lai và khách hàng thân thiết. Khách vãng lai phần lớn là du khách (trong đó đa phần là người nước ngoài), còn khách hàng thân thiết gồm dân cư sống ở các con phố lớn xung quanh cũng như những cư dân lâu năm của Sài Gòn.

Các mặt hàng cà phê, trà, hạt điều … thường được du khách Nhật, Hàn Quốc, Singpore lựa chọn. Du khách Malaysia ưa thích các mặt hàng vải sợi, quần áo, vali. Du khách là người các nước châu Âu thường mua vali, mắt kính, đồng hồ, mỹ nghệ, trái cây. Các loại thủy hải sản, trái cây, sành sứ, thủy tinh được tiểu thương cung cấp sỉ cho các nhà nhà, quán ăn, khách sạn.

Do là điểm đến trong tour du lịch của các công ty lữ hành nên hiện nay tiểu thương dần chuyển sang bán các mặt hàng phục vụ khách du lịch nên doanh thu phụ thuộc nhiều vào các tháng trong mùa du lịch. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng bánh, mứt, cà phê, trà, … có doanh thu ổn định hơn do vừa phục vụ du khách nước ngoài, vừa phục vụ nhu cầu tăng cao của khách hàng trong nước trong các dịp lễ tết.

Tuy hoạt động nhộn nhịp từ 4 giờ sáng đến 23 giờ hàng ngày, nhưng chợ Bến Thành vẫn có những vấn đề tồn tại của chợ truyền thống như: cơ sở vật chất xuống cấp, một số tiểu thương vẫn bán hàng theo thói quen, vẫn có những tật xấu như không hài lòng khi khách hỏi mà không mua hàng, chưa biết cách chăm sóc khách hàng, lườm nguýt khách, nói thách giá, bán hàng hóa vi phạm Luật sở hữu trí tuệ (đồng hồ, mắt kính, túi xách), chèo kéo khách…. Ngoài ra, chợ còn gặp áp lực cạnh tranh từ các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong khu vực trung tâm quận 1.

Một phần của tài liệu Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng mua sắm tại chợ bến thành (Trang 52 - 53)