Chôn lấp hợp vệ sinh là một phương pháp kiểm soát sự phân huỷ của CTR khi chúng được chôn nén và phủ lấp bề mặt. CTR trong BCL sẽ bị tan rữa nhờ quá trình phân huỷ sinh học bên trong để tạo ra sản phẩm cuối cùng là các chất giàu dinh dưỡng như axit hữu cơ, nitơ, các hợp chất amon và một số khí như CO2, CH4. Như vậy về thực chất chôn lấp hợp vệ sinh CTR đô thị vừa là phương pháp tiêu huỷ sinh học, vừa là biện pháp kiểm soát các thông số chất lượng môi trường trong quá trình phân huỷ chất thải khi chôn lấp.
Hiện nay, các BCL hợp vệ sinh chủ yếu ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh...Một số đô thị khác đang xây dựng hoặc triển khai xây dựng các BCL hợp vệ sinh như: Đà Nẵng, Bắc Giang, Vĩnh Yên, Cần Thơ, Vinh (Nghệ An), Quảng Bình...
Hiện nay ở Việt Nam việc xử lý CTR chủ yếu bằng các phương pháp nêu ở trên, ngoài ra một số địa phương còn sử các công nghệ xử lý áp dụng kết hợp một số phương pháp:
Tổ hợp xử lý CTRSH, công suất 300 tấn CTR sinh hoạt/2ca/ngày được Công ty Cổ phần xử lý chất thải Hạ Long đang thực hiện tại Nhà máy xử lý chất thải thành phố Hạ Long với quy trình phân hủy chất thải bằng công nghệ sinh học lên men hiếu khí tốc độ cao. Kết quả thử nghiệm đầu năm 2009 thu được sản phẩm: gạch xi măng từ chất thải vô cơ; hạt nhựa tái chế từ nylon; nhựa phế liệu; bột đá (CaCO3) từ khí CO2; phân vi sinh hữu cơ chất lượng cao.
Khu liên hợp xử lý CTR Đa Phước, Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh do Công ty California Waste Solutions (Mỹ) đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 400 triệu USD. Khu liên hợp gồm một nhà máy phân loại CTR, một nhà máy sản xuất phân vi sinh compost và bãi chôn lấp chất thải rắn (BCLCTR) hợp vệ sinh. Nhà máy phân loại có công suất tối thiểu là 500 tấn/ngày và nhà máy compost có khả năng chế biến đến 1.000 tấn nguyên liệu CTR mỗi ngày thành khoảng 600 tấn phân hữu cơ.