Lồng ghép mua sắm xanh vào chương trình dán nhãn sinh thái. Trong xu thế phát triển bền vững hiện nay có 2 nội dung được đề cập tới là sản xuất bền vững và tiêu dùng bền vững. Để thực hiện tiêu dùng bền vững trước tiên cần phải sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Sản phẩm-dịch vụ thân thiện môi trường là những sản phẩm, những dịch vụ: tiết kiệm năng lượng và nước trong quá trình sản xuất và tiêu dùng; không hoặc ít phát sinh chất thải và rò rỉ các chất ô nhiễm; được sản xuất từ nguyên liệu tái chế và có thể tái sử dụng; sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và tiêu dùng; không hoặc ít sử dụng hoá chất nguy hại, vật liệu phóng xạ và chế phẩm sinh học độc hại.
Song song với mua sắm xanh nhiều nước còn sử dụng nhãn sinh thái hay nhãn môi trường. Ban đầu việc sử dụng nhãn này chỉ xuất hiện ở các nước phát triển một cách rất tự phát theo xu thế thị trường do có nhiều công ty/hãng kinh doanh nhận thấy rằng có thể biến mối quan ngại về môi trường thành yếu tố có lợi nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chính vì thế đã xuất hiện rất nhiều nhãn thông tin gắn trên các sản phẩm như “tái chế”, “thân thiện môi trường”, “sử dụng ít năng lượng”, “có thành phần được tái chế”…
Những loại nhãn này tự nó đã gây được sự chú ý và thu hút những người tiêu dùng có ý thức và mong muốn bảo vệ môi trường (BVMT) hay giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường. Chính vì vậy mà nhóm người tiêu dùng này đã quyết định lựa chọn những sản phẩm có gắn nhãn môi trường thay vì việc mua các sản phẩm cùng nhóm mà không được gắn nhãn.
Ở Hà Lan, do nhận thức về BVMT của người dân cao,nên những sản phẩm có gắn nhãn sinh thái được người dân sẵn sàng lựa chọn, mặc dù giá cả có cao hơn so với những hàng cùng loại không gắn nhãn, nhưng người tiêu dùng ý thức rằng, mua những mặt hàng có gắn nhãn sẽ an toàn và cũng là để động viên, khích lệ những người sản xuất ra chúng.
Hiện tại, nhãn môi trường đang dần trở thành một công cụ hữu hiệu mà Chính phủ các nước sử dụng nhằm khuyến khích thực hiện các mô hình BVMT và giúp các doanh nghiệp tự xác định, thiết lập vị trí của mình trên thị trường nội địa và quốc tế thông qua xúc tiến các loại hình sản phẩm thân thiện môi trường.
Ở Việt Nam, việc xây dựng chương trình cấp nhãn môi trường đã bước đầu được thực hiện với mục đích: Nâng cao nhận thức, đồng thời cung cấp các thông tin tin cậy và hướng dẫn người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm ít tác động hơn đối với môi trường,tạo ra sự khuyến khích thị trường đối với các nhà sản xuất nhằm cung
cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm các tác động có hại tới môi trường do sản xuất, sử dụng, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm gây ra; nâng cao chất lượng môi trường và khuyến khích quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên..