Để đạt được các mục tiêu như trên, Chiến lược Tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 tập trung vào 03 mục tiêu chủ yếu:
i) Xanh hóa sản xuất: Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ (hay mặt cung của nền kinh tế). Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:
* Xanh hóa sản xuất thông qua sắp xếp lại cơ cấu, đặc biệt là hạn chế phát triển những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường;
* Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, tài nguyên đất và tài nguyên khoáng sản;
* Thúc đẩy các ngành Kinh tế Xanh phát triển nhanh để làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân;
* Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững;
* Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn.
ii) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP và tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo: Xanh hóa nền kinh tế để thực hiện nỗ lực chung về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Hiện nay, tổng mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển, nhưng đang tăng lên nhanh chóng trong giai đoạn tới, các ngành chính có sự phát thải cao là nông nghiệp, năng lượng (gần 70% tổng lượng CO2), còn lại là sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất và quá trình công nghiệp. Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các nhiệm vụ sau:
* Cải thiện hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại;
* Chuyển đổi nhiên liệu trong các ngành công nghiệp và giao thông vận tải;
* Đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các nguồn năng lượng mới và tái tạo nhằm từng bước gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, tăng cường an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;
* Giảm phát thải khí nhà kính thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp;
* Giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động lâm nghiệp (chống mất rừng và suy thoái rừng).
iii) Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững: xanh hóa sản xuất (mặt cung trong nền kinh tế) không thể tách rời xanh hóa lối sống và phương thức tiêu dùng bền vững của xã hội (mặt cầu của kinh tế). Lối sống hòa hợp với môi trường vốn đã là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện mới của nền văn minh hiện đại mang lại sẽ tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm:
* Thực thi đô thị hóa bền vững: Để nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển hài hòa, nâng cao chất lượng cho người dân, quy hoạch phát triển đô thị và quản lý quy hoạch cần đạt được các tiêu chí về hiệu quả sinh thái và bảo đảm xã hội để:
• Đô thị là động lực thúc đẩy tăng trưởng Kinh tế Xanh và cạnh tranh; • Tăng cơ hội việc làm;
• Giảm nghèo;
• Cải thiện chất lượng sống; • Tăng cường an ninh năng lượng; • Cải thiện chất lượng sống;
• Tránh được các chi phí và rủi ro tương lai.
* Xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường: Thực hiện các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 và trong những năm tiếp theo, kết hợp tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và công bằng xã hội nhằm đảm bảo phát triển nông thôn bền vững;
* Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh: thay đổi mô hình và hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững của cả ba khu vực tiêu dùng trong xã hội: khu vực nhà nước, khu vực doanh nghiệp và khu vực dân cư.
Nguồn: Dự thảo báo cáo của Việt Nam tại Rio +20, Bộ Kế hoạch và Đầu tư