Tăng trưởng xanh liên quan đến đổi mới công nghệ. phục hồi hệ sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải các bon thấp, đầu tư phát triển một số lĩnh vực mới. Muốn làm được những điều đó đòi hỏi phải đầu tư và có nguồn vốn lớn không chỉ tạo ra nhiều công ăn việc làm mà còn giảm phát thải khí nhà kính, nhất là việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Theo kết qủa nghiên cứu của các tác giả trong tài liệu “Hướng tới nền Kinh tế Xanh” do UNEP công bố năm 2011, mô hình kịch bản đầu tư xanh với số vốn khoảng 2% GDP toàn cầu (Khoảng 1300 tỷ USD), trong đó khoảng một phần tư của tổng số (0,5% GDP) tương đương với số tiền 350 tỷ USD được đầu tư cho các lĩnh vực sử dụng nhiều vốn tự nhiên như các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, nước sạch và thủy sản. Trong tổng nguồn vốn này nếu huy động từ các nước đang phát triển là điều không dễ dàng, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ và đi tiên phong của các nước phát triển.
Từ thực tiễn đã đầu tư cho tăng trưởng xanh cũng cho thấy, vào năm 2009 UNEP đã thống kê và tính toán Cộng đồng châu Âu và Bắc Mỹ đã đầu tư vào xây dựng các tòa nhà xanh và tạo ra được khoảng 2-3,5 triệu việc làm, riêng Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo đã tạo ra 10 triệu việc làm và doanh thu khoảng 17 tỷ đô la Mỹ/năm. Đối với các nước đang phát triển, theo đánh giá của ngân hàng thế giới (WB), nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho Kinh tế Xanh như các ngành xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải có thể lên tới 563 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 và 100 tỷ đô la Mỹ cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Như vậy so với mức độ đầu tư toàn cầu, đầu tư cho Kinh tế Xanh và thích ứng biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển chiếm khoảng 50% tổng nguồn vốn đầu tư vào Kinh tế Xanh của toàn cấu.
Trong mô hình kinh tế vĩ mô, các tác giả cũng đã tính toán và chỉ ra rằng, xét trong dài hạn, đầu tư vào Kinh tế Xanh sẽ cải thiện hiệu quả kinh tế và tăng tổng lượng của cải trên toàn cầu. Mặt khác sự đầu tư đó sẽ đem lại hiệu quả trong việc phục hồi các nguồn tài nguyên có khả năng tái tạo, giảm thiểu những rủi ro môi trường và tái thiết sự thịnh vượng cho tương lai. Với các nước đang phát triển, mặc dù biết vậy nhưng về dài hạn nguồn vốn đầu tư sẽ gặp nhiều trở ngại, các nước này còn phải tập trung nguồn lực cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, đầu tư vào giáo dục và y tế và giải quyết sinh kế cho người dân.