ĐNGV cốt cán THPT là nguồn nhân lực quan trọng của giáo dục THPT. Vì lẽ đó, để định nghĩa khái niệm phát triển ĐNGV cốt cán THPT, cần thiết phải tìm hiểu khái lược về các khái niệm như: phát triển, phát triển nguồn nhân lực.
1.2.3.1. Phát triển
Thuật ngữ phát triển theo nghĩa triết học là biến đổi hoặc làm cho biến đổi từ ít đến nhiều, hẹp đến rộng, thấp đến cao, đơn giản đến phức tạp. Lý luận của phép biện chứng duy vật khẳng định: mọi sự vật, hiện tượng không phải chỉ là sự tăng lên hay giảm đi về mặt số lượng mà cơ bản chúng luôn biến đổi, chuyển hóa từ sự vật hiện tượng này đến sự vật hiện tượng khác, cái mới kế tiếp cái cũ, giai đoạn sau kế thừa giai đoạn trước tạo thành quá trình phát triển tiến lên mãi mãi. Nguyên nhân của sự phát triển là ở sự liên hệ tác động qua lại của các mặt đối lập vốn có bên trong các sự vật hiện tượng. Hình thái cách thức của sự phát triển đi từ những biến đổi về lượng đến những biến đổi, chuyển hóa về chất và ngược lại. Con đường, xu hướng của sự phát triển không theo đường thẳng, cũng không theo đường tròn khép kín mà theo đường xoáy ốc, tạo thành xu thế phát triển, tiến lên từ từ, từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến ngày càng hoàn thiện hơn.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, thuật ngữ phát triển được sử dụng khá rộng rãi với cách hiểu đơn giản là phát triển kinh tế. Sau đó, khái niệm này được bổ sung thêm về nội hàm và được hiểu một cách toàn diện hơn. Ngày nay, khái niệm phát triển được sử dụng để chỉ cả 3 mục tiêu cơ bản của nhân loại: phát triển con người toàn diện; bảo vệ môi trường; tạo hòa bình và ổn định chính trị.
Phát triển là một quá trình nội tại, là bước chuyển hóa từ thấp đến cao, trong cái thấp đã chứa đựng dưới dạng tiềm năng những khuynh hướng dẫn đến cái cao, còn cái cao là cái thấp đã phát triển. Phát triển là quá trình tạo ra sự hoàn thiện của cả tự nhiên và xã hội. Phát triển có thể là một quá trình hiện thực nhưng cũng có thể là một tiềm năng của sự vật hiện tượng.
1.2.3.2. Phát triển nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực là tạo ra sự phát triển bền vững về hiệu năng của mỗi thành viên và hiệu quả chung của tổ chức, gắn liền với việc không ngừng tăng lên về mặt chất lượng và số lượng của đội ngũ cũng như chất lượng sống của nhân lực.
Nội dung của phát triển nhân lực xét trên bình diện xã hội là một phạm trù rộng lớn. Theo quan điểm của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, có các nhân tố phát năng của sự phát triển nguồn nhân lực sau đây: giáo dục - đào tạo; sức khoẻ và dinh dưỡng; việc làm; sự giải phóng con người. Trong các nhân tố đó, nhân tố giáo dục - đào tạo là nhân tố giữ vai trò quan trọng hơn cả bởi nó là cơ sở cho sự phát triển của các nhân tố khác. Một số quan điểm nghiên cứu khác cho rằng: phát triển nguồn nhân lực bao gồm 3 mặt chủ yếu là giáo dục - đào tạo, sử dụng - bồi dưỡng và đầu tư - việc làm. Bên cạnh đó, cần hợp lý hóa về cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội, của các đơn vị sử dụng nhân lực (cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, cơ cấu nhân lực theo vùng miền…). Việc phát triển nguồn nhân lực chỉ thực sự có hiệu quả nếu có chính sách phát triển nguồn nhân lực đúng đắn. Chính sách phát triển nguồn nhân lực bao gồm: qui hoạch, tuyển dụng, chính sách lao động, phân công lao động, phân bổ nguồn nhân lực, chính sách cán bộ, tiền lương, khen thưởng…
Phát triển nguồn nhân lực được đặt trong nhiệm vụ quản lý nguồn nhân lực và là một nội dung quan trọng của quản lý nguồn nhân lực. Có thể hình dung quan hệ
Hình 1.1: Quan hệ giữa phát triển nguồn nhân lực với quản lý nguồn nhân lực
1.2.3.3. Phát triển ĐNGV cốt cán trường THPT
Khái niệm phát triển ĐNGV cốt cán THPT là khái niệm được thu hẹp từ khái niệm phát triển ĐNGV trường THPT. Đến lượt nó, khái niệm này được thu hẹp từ khái niệm phát triển nguồn nhân lực. Do đó khái niệm phát triển ĐNGV cốt cán THPT có nội dung hẹp hơn rất nhiều so với nội dung khái niệm phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể là: Ngoại diên của khái niệm thu hẹp lại, chủ yếu giới hạn trong phạm vi “đội ngũ lao động”. Đội ngũ lao động này đang làm việc tại các trường THPT với một chuyên môn xác định, với một giới hạn nhất định về số lượng; Nội hàm của khái niệm phong phú và cụ thể hơn. Ví dụ trong nội dung bồi dưỡng nhân lực chẳng hạn, nội dung này được hiểu là bồi dưỡng giáo viên với những nội dung có liên quan chặt chẽ với chương trình, sách giáo khoa, có thể định rõ được thời gian, địa điểm và nội dung cụ thể; Phát triển ĐNGV cốt cán các trường THPT có quan hệ mật thiết với phát triển ĐNGV các trường THPT và phát triển nhân lực nói chung. Làm tốt việc phát triển ĐNGV cốt cán các trường THPT là góp phần làm tốt nhiệm vụ phát triển ĐNGV các trường THPT. Việc làm này sẽ thúc đẩy phát triển giáo dục THPT, góp phần nâng cao dân trí, tạo tiền đề cho sự phát triển nguồn nhân lực của xã hội.
Như vậy, phát triển nhân lực trong giáo dục trung học, trong giáo dục THPT và nhân lực cho quá trình dạy học cho học sinh THPT là phát triển đội ngũ giáo viên cốt cán trường của cấp học này.
Sử dụng nguồn nhân lực
Quản lý nguồn nhân lực
Môi trường nguồn nhân lực Phát triển nguồn nhân lực - Giáo dục - Ðào tạo - Bồi dưỡng - Phát triển - Nghiên cứu, phục vụ - Tuyển dụng - Sàng lọc - Bố trí - Đánh giá - Đãi ngộ - Kế hoạch hoá sức lao động - Mở rộng việc làm - Mở rộng qui mô việc làm - Phát triển tổ chức
Phát triển ĐNGV cốt cán các trường THPT là tạo ra một ĐNGV cốt cán đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng (có trình độ, được đào tạo đúng quy định, có phẩm chất đạo đức, có năng lực trong các hoạt động dạy học và giáo dục học sinh), trên cơ sở đó, đội ngũ này đảm bảo thực hiện tốt các yêu cầu của nhà trường cũng như các yêu cầu của giáo dục THPT.
Phát triển ĐNGV cốt cán các trường THPT là quá trình tiến hành các giải pháp quản lý nhằm xây dựng ĐNGV cốt cán về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, loại hình; vững mạnh về trình độ, có thái độ nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề… đáp ứng chuẩn nghề nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu dạy học và mục tiêu quản lý của nhà trường. Ðây cũng là quá trình làm cho ĐNGV cốt cán biết đoàn kết và đủ điều kiện để sáng tạo trong việc thực hiện tốt nhất mục tiêu của nhà trường, tìm thấy lợi ích cá nhân trong mục tiêu của nhà trường; giúp họ thấy được sự phát triển của cá nhân gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của nhà trường. Nói một cách khác, phát triển ĐNGV cốt cán phải tạo ra sự gắn bó giữa xây dựng chuẩn nghề nghiệp, qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng với việc sử dụng hợp lý; tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ phát triển và đánh giá ĐNGV một cách chính xác, khách quan.
Phát triển ĐNGV cốt cán các trường THPT thực chất là phát triển nguồn nhân lực sư phạm trong giáo dục. Đó chính là sự vận động phát triển cả về số lượng và chất lượng trên cơ sở ổn định, bao gồm sự phát triển toàn diện người giáo viên với tư cách con người, là thành viên trong cộng đồng nhà trường, là nhà chuyên môn trong hoạt động sư phạm và giáo dục. Kết quả công tác phát triển ĐNGV phải bao gồm không chỉ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn là sự thỏa mãn của cá nhân, sự tận tụy của người giáo viên đối với nhà trường, có sự thăng tiến của cá nhân người giáo viên trong sự phát triển của nhà trường.
Phát triển ĐNGV cốt cán THPT có thể xem như một quá trình liên tục nhằm hoàn thiện hay thay đổi thực trạng hiện tại của đội ngũ, làm cho ĐNGV cốt cán không ngừng phát triển về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu dạy học trong các trường THPT trong xu hướng hội nhập, tiếp cận chuẩn nghề nghiệp giáo viên của các nước tiên tiến. Phát triển ĐNGV được xem như một quá trình tích cực mang tính hợp tác cao, trong đó người giáo viên tự phát triển sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự trưởng thành về mặt nghề nghiệp cũng như nhân cách của bản thân người giáo viên trong sự hòa hợp cùng phát triển với nhà trường.