Thực vật hiện nay được sử dụng rất nhiều trong các nghiên cứu biểu hiện protein tái tổ hợp. Protein tái tổ hợp có thể được biểu hiện trong thực vật thông qua hai phương pháp: tạo cây chuyển gen và biểu hiện tạm thời. Trong phương pháp tạo cây chuyển gen, gen tái tổ hợp được nhân bản trong vector biểu hiện và chuyển vào hệ gen thực vật. Do đó, gen tái tổ hợp sẽ được di truyền qua các thế hệ tiếp theo và có thể sản xuất quy mô lớn protein tái tổ hợp [19], [74]. Trong phương pháp biểu hiện tạm thời, thay vì tích hợp vào hệ gen của thực vật thì gen chuyển sẽ nhanh chóng tạo ra protein tái tổ hợp. Phương pháp này có lợi thế về mức độ biểu hiện protein tái tổ hợp cao hơn rất nhiều so với phương pháp khác, cũng như thời gian sản xuất protein nhanh hơn, không bị ảnh hưởng bởi vị trí gắn gen trong tế bào thực vật, đặc biệt không gặp phải vấn đề an toàn sinh thái như phương pháp tạo cây chuyển gen [42].
Tuy nhiên, phương pháp biểu hiện tạm thời do gen chuyển không được gắn vào hệ gen của thực vật nên thường bị cơ chế câm gen (RNAi) dịch mã và sau dịch mã tác động, dẫn đến hàm lượng protein tái tổ hợp thu nhận được không cao. Đây là cơ chế phản ứng của thực vật trước sự xâm nhập của DNA ngoại lai, dẫn đến sự phá hủy trình tự gen đặc hiệu và làm giảm sản phẩm protein do gen mã hóa [96].
Trong nghiên cứu của luận án, để tránh gặp phải hiện tượng RNAi có thể làm giảm hàm lượng protein IL-7 tái tổ hợp, chúng tôi đã biểu hiện đồng thời cả protein đích interleukin 7 và protein hỗ trợ Hc-Pro của virus khoai tây Y nhằm chống lại hiện tượng câm gen ở thực vật bằng cách ngăn cản sự phân giải mRNA và RNA sợi đôi, từ đó giảm lượng siRNA hoặc phá hỏng chức năng cắt của enzyme cắt sợi đôi Dicer và RISC [104]. Kết quả, chúng tôi đã thu được protein IL-7 tái tổ hợp biểu hiện ở lá cây thuốc lá với hàm lượng khá cao.