HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Một phần của tài liệu Tác động của tỷ lệ đòn bẩy đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở khu vực đồng bằng sông cửu long (Trang 70 - 72)

Với kết quả nghiên cứu thu được, có thể nhận thấy đối với trường hợp các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL, để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp nên giảm bớt việc sử dụng nợ khi tài trợ cho các hoạt động của mình, tăng cường đầu tư để mở rộng quy mô, chú trọng đến vấn đề tăng trưởng doanh thu và đầu tư nhiều hơn vào máy móc thiết bị để phục vụ cho quá trình sản xuất. Trong phạm vi giới hạn của luận văn, tác giả chỉ đề xuất một số khuyến nghị tập trung vào nhóm các yếu tổ kể trên để giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Khi tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp nên kết hợp sử dụng các nguồn vốn khác như nguồn vốn từ lợi nhuận giữ lại hoặc phát hành thêm cổ phần. Mặc dù kết quả nghiên cứu trong trường hợp này cho thấy nợ tác động xấu đến hiệu quả hoạt động của của doanh nghiệp nhưng trên thực tế khó lòng có thể thuyết phục doanh nghiệp không sử dụng vốn vay. Bên cạnh đó về mặt lý thuyết lẫn nghiên cứu thực tế cũng có trường hợp cho thấy nợ sẽ tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp do đó về dài hạn nên xây dựng một cơ chế để hướng doanh nghiệp sử dụng nợ một cách hiệu quả hơn là việc hạn chế doanh nghiệp sử dụng vốn vay. Theo lập luận như trên thì có thể nhận thấy lãi vay là một trong những khoản chi phí nặng nhất của việc vay vốn do đó để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp thì lãi suất nên được điều chỉnh hạ xuống để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển thêm. Ngoài ra, chi phí kiệt quệ tài chính, rủi ro khi vay nợ cũng là các kênh dẫn đến tác động âm của nợ lên hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh do đó khi thực hiện thẩm định những dự án cho vay, các tổ chức tín dụng nên nâng cao chất lượng công tác thẩm định cũng như công tác đánh giá rủi ro hơn là sử dụng lãi suất để làm công cụ kiểm soát việc vay vốn của doanh nghiệp. Về phía các nhà hoạch định chính sách, cần xây dựng các chế tài để xử lý nghiêm các hành vi gian lận khi vay vốn nhất là đối với trường hợp các tổ chức tín dụng cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn.

Kết quả nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp với quy mô lớn hơn và đầu tư nhiều vào máy móc thiết bị, nhà xưởng sẽ hoạt động hiệu quả hơn do đó về phía doanh nghiệp nên mạnh dạng mở rộng quy mô sản xuất của mình để có được lợi thế cạnh tranh theo quy mô, mạnh dạng đầu tư đặc biệt là đầu tư vào máy móc, công nghệ để nâng cao năng suất, giảm thiểu hao hụt trong quá trình sản xuất từ đó có thể cạnh tranh hiệu quả hơn về mặt giá cả lẫn chất lượng. Về phía các nhà hoạch định chính sách nên tạo điều kiện thông thoáng tối đa để các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất và mạnh dạng đầu tư hơn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nên thường xuyên tổ chức các buổi hội chợ, xúc tiến thương mại cũng như các lớp học chuyên đề để doanh nghiệp có thể cập nhật được thông tin, công nghệ mới, giúp doanh nghiệp có được sự lựa chọn thích hợp hơn khi quyết định đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ sản xuất hay đổi mới quy trình quản lý của mình.

Tăng trưởng doanh thu cũng là một yếu tố ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả hoạt động do đó doanh nghiệp nên thường xuyên thay đổi mẫu mã, cập nhập xu hướng tiêu thụ của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đẩy mạnh doanh số tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng đến công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm để thu hẹp khoảng cách giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu thị trường, dự báo xu hướng tiêu dùng trong tương lai để có kế hoạch sản xuất phù hợp, sản phẩm làm ra đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, các sự kiện quảng bá sản phẩm để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp với khách hàng trong lẫn ngoài nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng nên đầu tư tìm hiểu về các thị trường quốc tế nhằm nắm bắt thị hiếu cũng như những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm ở các thị trường này. Trên cơ sở đó hoạch định một chiến lược kinh doanh lâu dài, đâu tư đổi mới cộng nghệ để sản phẩm làm ra đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu của những thị trường này. Về phía các nhà hoạch định chính sách thì nên tích cực tham gia các cuộc đàm phán thương mại song phương, đa phương để giúp sản phẩm của doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các thị trường khác nhau trên thế giới.

Một phần của tài liệu Tác động của tỷ lệ đòn bẩy đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở khu vực đồng bằng sông cửu long (Trang 70 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)