Việc lựa chọn mô hình nào trong ba mô hình trên phụ thuộc vào sự khác nhau về tung độ gốc của mô hình hồi quy đối với mỗi doanh nghiệp và sự khác biệt này có tương quan với biến độc lập trong mô hình hay không. Các bước kiểm định như sau:
So sánh giữa Pooled regression model và FEM: sau khi ước lượng mô hình FEM, sử dụng kiểm định F để kiểm định giả thuyết:
H0: α1 = α2 = α3 = … = αN = α
Nếu bác bỏ H0 thì nên chọn FEM.
So sánh giữa FEM và REM: sau khi ước lượng mô hình FEM và REM, sử dụng kiểm định Hausman để kiểm định giả thuyết:
Nếu bác bỏ H0 thì nên chọn FEM.
So sánh giữa Pooled regression model và REM: sau khi ước lượng mô hình REM, kiểm định giả thuyết:
H0: ϭ2u = 0
Từ những kiểm định trên sẽ chọn ra được mô hình phù hợp cho luận văn. Bên cạnh các kiểm định nêu trên, để kết quả ước lượng là đáng tin cậy thì mô hình cần thỏa mãn một số giả định như: không có đa cộng tuyến, phần dư có phân phối chuẩn, không có hiện tượng tự tương quan và phương sai sai số thay đổi. Do số quan sát trong mẫu nghiên cứu lớn và nghiên cứu trong khoảng thời gian ngắn nên có thể bỏ qua giả định phần dư có phân phối chuẩn và không có hiện tượng tự tương quan.
Đối với vấn đề đa cộng tuyến, luận văn sử dụng ma trận hệ số tương quan để kiểm tra. Mối tương quan tuyến tính giữa các biến độc lập sẽ được biểu thị bằng hệ số tương quan giữa các cặp biến. Giá trị tuyệt đối của các hệ số tương quan giữa các biến độc lập tiến gần đến 1 thì các biến này sẽ có mối quan hệ tuyến tính chặt chẽ với nhau và khi đó kết quả ước lượng hồi quy sẽ bị sai lệch. Ngược lại, khi giá trị của các hệ số này tiến gần đến 0, các biến giải thích sẽ độc lập với nhau và kết quả ước lượng sẽ có độ tin cậy cao. Thông thường thì hệ số tương quan của một cặp biến nào đó lớn hơn 0.8 thì ta nghi ngờ hiện tượng đa cộng tuyến sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng cho kết quả ước lượng. Để khắc phục vấn đề đa cộng tuyến ta có thể thay biến bị nghi ngờ gây ra đa cộng tuyến nghiêm trọng bằng biến khác, thay đổi cách đo lường hoặc bỏ biến này đi. Còn đối với vấn đề phương sai sai số thay đổi, luận văn sẽ sử dụng Robust Standard Errors để khắc phục nếu hiện tượng này xảy ra.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
Dựa trên cơ sở lý thuyết đã được lược khảo và khung phân tích đã được xây dựng, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu về tác động của nợ đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu được tác giả trích xuất từ kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2008 – 2012. Các phương pháp ước lượng Pooled OLS, FEM và REM được tác giả sử dụng để nghiên cứu chiều hướng tác động của nợ cũng như các biến kiểm soát khác trong mô hình đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, tác giả cũng sử dụng một số kiểm định nhằm chọn ra mô hình phù hợp để giải thích cho chiều hướng tác động của nợ đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU