e. Phương pháp tự họcToán của học sinh
1.4.4. Nguyên nhân và hướng khắc phục
1.4.4.1. Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ quan
Do học sinh chưa có ý thức tự giác trong quá trình học tập, các em chưa định hướng một cách cụ thể trong hoạt động tự học của bản thân. Đa số học sinh chưa đề ra được mục tiêu phấn đấu cho bản thân, chưa xác định được những hoạt động quan trọng cần đầu tư nhiều thời gian để thực hiện. Vì vậy, các em chưa biết cách lập kế hoạch cho những hoạt động của mình. Mặt khác, một số học sinh đã đề ra được kế hoạch hoạt động nhưng thiếu sự quyết tâm và nghiêm túc trong quá trình thực hiện.
Học sinh không có thời gian dành cho tự học. Bởi vì ngoài việc học bài và làm bài giáo viên ra, đa số các em chạy đua đi học thêm, đôi khi còn khi còn phải phụ giúp cha mẹ những công việc gia đình và còn phải dành thời gian cho bạn bè, vui chơi, giải trí.
Học sinh chưa biết cách tự tạo cho mình động cơ học tập đúng đắn do đó chưa đầu tư quản lí thời gian cho việc học tập. Mặt khác, học sinh chưa đặt vấn đề tự học vào đúng vị trí của nó, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tự học của các em.
Nguyên nhân khách quan
Môi trường học tập ở trường THPT có nhiều mới lạ đối với học sinh lớp 10, các em chưa kịp thích nghi với phương pháp giảng dạy và học tập ở bậc THPT có nhiều điểm khác biệt so với THCS.
Trong quá trình dạy học giáo viên chưa quan tâm tới việc hướng dẫn học sinh trong lập kế hoạch tự học, hoặc nếu có đề cập đến việc hướng dẫn học sinh tự học thì cũng chỉ sơ sài, chưa cụ thể, rõ ràng do đó học sinh phần lớn là chưa biết cách lập kế hoạch tự học cho bản thân.
1.4.4.2. Hướng khắc phục
Giáo viên phải tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực của giáo viên về tổ chức các hoạt động giáo dục và dạy học; tăng cường các kĩ năng tổ chức các hoạt động dạy học, sử dụng các hình thức tổ chức dạy học linh hoạt sáng tạo, nhằm phát huy tính tích cực tự học của học sinh, cụ thể như sau:
- Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ thái độ, giáo dục và rèn luyện ý thức tự giác, tích cực trong học tập cho học sinh:
+ Thông qua quá trình dạy học trên lớp cũng như các buổi hoạt động ngoại khóa, cần phải thường xuyên giáo dục nhận thức cho học sinh về vai trò, ý nghĩa của việc tự học, giáo dục cho học sinh có động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Học sinh phải xác định rõ việc học tập là trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.
+ Giáo viên phải thường xuyên tìm hiểu tâm sinh lí của lứa tuổi, nắm bắt và đáp ứng nhu cầu của học sinh, xem các em cần những gì, học những gì, để giáo dục nang cao nhận thức về hoạt động tự học cho học sinh.
+ Tổ chức tốt việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh giúp cho mỗi học sinh thấy được năng lực của mình, làm cho học sinh tự nhận thức được vấn đề, xác định được trách nhiệm của mỗi người để có nhận thức và thái độ học tập đúng đắn, từ đó nhằm tạo động lực cho học sinh tự học.
+ Tổ chức các phong trào thi đua tập thể, xếp loại thi đua các các tổ, các nhóm, đoàn viên có ý thức học tập tốt như: đi học đúng giờ, đảm bảo sĩ số, không vi phạm nội qui giờ tự học, có nhiều hình thức tự học theo nhóm…
- Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng:
+ Biểu dương, khen thưởng kịp thời là hình thức động viên, khích lệ rất lớn đến tinh thần vươn lên của học sinh, đồng thời qua đó sẽ có tác dụng giáo dục tốt đến những học sinh khác.
+ Tổ chức tuyên dương những tấm gương học sinh tiêu biểu trong học tập và rèn luyện, đặc biệt những học sinh nghèo, vượt khó vào từng học kì, từng năm học hoặc trong những dịp ngày lễ lớn.
+ Tổ chức tuyên dương những tổ, hoặc nhóm có phong trào học tập tốt, có nhiều sáng kiến trong học tập.
+ Việc tuyên dương, khen thưởng phải được tổ chức kịp thời, việc bình xét phải được tiến hành dân chủ, công khai, công bằng, đúng đối tượng, nếu ngược lại sẽ phản giáo dục.
- Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh:
Chất lượng và hiệu quả tự học của học sinh sẽ được nâng lên nếu học sinh có những kĩ năng tự học tốt. Vì vậy, việc bồi dưỡng kĩ năng tự học là yếu tố quan trọng giúp cho học sinh đạt được hiệu quả cao trong học tập.
Cần bồi dưỡng cho học sinh những kĩ năng cơ bản sau: + Kĩ năng lập kế hoạch học tập.
+ Kĩ năng đọc sách và tài liệu tham khảo. + Kĩ năng nghe giảng và ghi chép.
+ Kĩ năng vận dụng lí thuyết vào giải các bài tập và ứng dụng những tri thức đã học vào thực tiễn.
+ Kĩ năng khái quát hóa và hệ thống hóa kiến thức.
Đối với học sinh:
- Muốn tự học có kết quả, trước hết phải có lòng tự tin vào kết quả của việc tụ học. Học sinh cần phải xác định được mục đích, động cơ học tập đúng đắn, phải tự giác trong học tập và nhận thức được tự học là một nhu cầu, một hứng thú của bản thân học sinh.
- Mỗi người có một cách học khác nhau, tùy theo tư chất, hoàn cảnh và điều kiện sống của mình. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao đòi hỏi các em phải biết cách sắp xếp thời gian hợp lí, biết cách xây dựng kế hoach tự học cho bản thân, chọn hình thức tự học thích hợp với điều kiện của bản thân theo hướng tăng cường chất lượng và hiệu quả học tập.