30
Các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô bao gồm: các yếu tố kinh tế, yếu tố chính trị và pháp luật, các yếu tố thuộc môi trường văn hoá - xã hội, các yếu tố thuộc môi trường công nghệ, các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên. Mỗi yếu tố trên có ảnh hưởng đến doanh nghiệp một cách độc lập hoặc trong mối liên kết với các yếu tố khác.
a. Các yếu tố kinh tế
Các yếu tố kinh tế như thu nhập, lạm phát, lãi suất ngân hàng, chu kỳ kinh tế, cán cân thanh toán, chính sách tài chính và tiền tệ,... có ảnh hưởng vô cùng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp: chẳng hạn, lãi suất có ảnh hưởng đến xu thế tiết kiệm, tiêu dùng hay đầu tư; mức độ lạm phát ảnh hưởng đến tốc độ đầu tư vào nền kinh tế, khi lạm phát quá cao sẽ không khuyến khích tiết kiệm và tạo ra những rủi ro lớn cho sự đầu tư của doanh nghiệp, …
Các kiến thức kinh tế sẽ giúp nhà quản trị xác định được những ảnh hưởng của doanh nghiệp đối với nền kinh tế và ngược lại, ảnh hưởng của các diễn biến kinh tế vĩ mô tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm bởi nó tác động trực tiếp tới hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
b. Yếu tố chính trị và pháp luật
Yếu tố chính trị - Pháp luật bao gồm hệ thống các quan điểm, đường lối, chính sách của Nhà nước, hệ thống luật pháp hiện hành, quan hệ ngoại giao của Chính phủ, những diễn biến chính trị trong nước, khu vực và trên thế giới. Các yếu tố này có ảnh hưởng ngày càng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp.
31
Các doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật dưới sự điều tiết
và giám sát của Nhà nước thông qua các công cụ do Nhà nước đề ra như chính sách thuế, lãi suất, giá, ... Bên cạnh đó Nhà nước cũng đóng vai trò là khách hàng và là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp, do vậy hoạt động của Nhà nước sẽ tạo ra cơ hội hoặc thách thức cho các doanh nghiệp.
Mặt khác, sự ổn định chính trị cũng tạo ra môi trường thuận lợi đối với hoạt động của doanh nghiệp. Chính trị ổn định giúp các nhà kinh doanh được đảm bảo an toàn về đầu tư và tài sản, lòng tin tăng lên và sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chính sách pháp luật của Nhà nước tạo ra những cơ hội và thách thức khác nhau đối với từng doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần xem xét và điều chỉnh hoạt động của mình cho thích ứng để tận dụng những cơ hội đó nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
c. Các yếu tố thuộc môi trường văn hoá - xã hội
Môi trường văn hoá - xã hội ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ, lối sống, nghề nghiệp, phong tục tập quán, truyền thống, trình độ nhận thức, học vấn của xã hội, thị hiếu tiêu dùng, giới tính,... Mỗi quốc gia, mỗi địa phương, khu vực có một nền văn hoá và môi trường xã hội khác nhau, điều đó dẫn đến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cũng khác nhau. Các doanh nghiệp cần nắm bắt được môi trường văn hoá - xã hội đặc thù của từng khu vực cụ thể, từ đó quyết định xem doanh nghiệp nên sản xuất và kinh doanh loại mặt hàng gì để góp phần mang lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
d. Các yếu tố thuộc môi trường công nghệ
Ít có doanh nghiệp nào mà không phụ thuộc vào môi trường công nghệ. Sự ra đời của các công nghệ mới trước hết là động lực thúc đẩy hoạt dộng sản
32
xuất phát triển, đồng thời cũng là mối đe dọa đối với các doanh nghiệp. Những áp lực và đe dọa từ môi trường công nghệ có thể là: Sự ra đời của công nghệ mới làm xuất hiện và tăng cường ưu thế cạnh tranh của các sản phẩm thay thế, đe dọa các sản phẩm truyền thống của ngành hiện hữu. Sự ra đời của công nghệ mới làm cho công nghệ cũ bị lỗi thời và tạo ra áp lực đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới để tăng cường khả năng cạnh tranh. Sự bùng nổ của công nghệ mới càng làm cho vòng đời công nghệ có xu hướng rút ngắn lại, điều này làm tăng áp lực phải rút ngắn thời gian khấu hao máy móc thiết bị.
Như vậy, yếu tố công nghệ tác động trực tiếp đến hoạt động hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghệp cần xem xét, nghiên cứu chế tạo hoặc lựa chọn kênh chuyển giao nhằm đầu tư loại công nghệ nào tiết kiệm chi phí, tránh được lỗi thời, lạc hậu,... nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
e. Các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên
Điều kiện tư nhiên bao gồm vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan môi trường, đất đai, các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước,... Các yếu tố này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các yếu tố đầu vào, lợi thế thương mại,... Tuy nhiên các biến động của tự nhiên như động đất, lũ lụt, hạn hán, sóng thần.. cũng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy trong quá trình hoạch định chiến lược kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải tính đến sự biến động của các yếu tố tự nhiên và sự tác động của hoạt động doanh nghiệp đối với tài nguyên - môi trường.