Thể hiện nhân vật qua ngôn ngữ

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 93 - 102)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.2. Thể hiện nhân vật qua ngôn ngữ

Khi đọc một tác phẩm văn học chúng ta dễ dàng nhận thấy lời văn của một tác phẩm thường được cấu tạo nên bởi hai thành phần: ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả.

Ngôn ngữ tác giả, chính là ngôn ngữ của người viết, của chủ thể sáng tạo ra tác phẩm. Nó bao gồm hai kiểu: ngôn ngữ mang cái “tôi” trần thuật của tác giả và ngôn ngữ không mang cái “tôi” trần thuật của tác giả.

Còn ngôn ngữ nhân vật là khái niệm ngôn ngữ dùng để chỉ những lời nói của nhân vật trong tác phẩm. Lời nói đó phản ánh kinh nghiệm sống cá nhân, trình độ văn hóa, tư tưởng, tâm lí, thị hiếu…mà nhà văn thể hiện trong tác phẩm thông qua nhân vật.

Trong ngôn ngữ nhân vật luôn tồn tại dưới hai hình thức: đối thoại và độc thoại.

Đối thoại là hoạt động giao tiếp căn bản sử dụng hình thức nói năng giữa người này và người khác. Nó thường gồm hai yếu tố đặc trưng: trao lời và đáp lời, có sự tương tác qua lại, bởi giao tiếp luôn có mục đích. Tùy năng lực sử dụng ngôn ngữ (ngữ năng) của mỗi người và điều kiện giao tiếp cụ thể mà sự tương tác của ngôn ngữ đối thoại có cường độ mạnh-yếu và có phạm vi ảnh hưởng về không gian (rộng-hẹp), thời gian (ngắn-dài), số lượng đối tượng (ít-nhiều)…khác nhau.

Còn ngôn ngữ độc thoại là một dạng đặc biệt của ngôn ngữ nhân vật, là hình thức nói với chính mình. Độc thoại có dạng nói thành lời gọi là nói một mình, nhưng phổ biến hơn là dạng ý nghĩ-tư duy bằng ngôn ngữ thầm.

Ngôn ngữ thầm không bộc lộ ra nên người khác không thể biết hoặc khó lòng biết được. Nhưng nó tác động đến chính bản thân chủ thể dòng độc thoại, nhiều khi trở thành động lực có tính chất quyết định đối với cử chỉ, thái độ, lời nói, việc làm…biểu hiện ra bên ngoài. Do đó, nó có một nội lực rất lớn, đồng thời cũng là một bí ẩn kì diệu của con người.

Có thể xem đối thoại là hoạt động giao tiếp, độc thoại là hoạt động thiên về tư duy. Đó chính là hai chức năng cơ bản của ngôn ngữ. Cùng một chất liệu cấu tạo nên, cùng vận hành dưới sự chỉ đạo của não bộ của cùng một chủ thể.

Đối thoại và độc thoại có mối quan hệ hết sức chặt chẽ. Mối quan hệ này thường biểu hiện ra dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng vô cùng do mối tương quan của lời nói ngoài và ý nghĩ thầm kín bên trong tạo nên, bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: tính cách người nói, hoàn cảnh xung quanh, tình cảm và mối quan hệ đối với đối tượng người nghe, người được nói tới…Có khi, suy nghĩ và lời nói thống nhất làm một: nhân vật nghĩ sao nói vậy. Trong trường hợp này, lời nói là sự phản ánh tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, tính cách nhân vật, nó chuyển tải một lượng thông tin lớn về con người trong tác phẩm. Có lúc, suy nghĩ và lời nói không phù hợp với nhau: nhân vật nghĩ nhiều nhưng nói ít, nghĩ ít lại nói nhiều, lời nói mâu thuẩn với ý nghĩ, lời nói được dùng với mục đích để che đậy ý nghĩ…Như vậy muốn hiểu được nhân vật, không thể chỉ căn cứ vào ngôn ngữ bên ngoài mà còn phải đối chiếu với thái độ, hành động, phải thám hiểm thế giới tinh thần bên trong, phải suy luận cả những vấn đề đằng sau ngôn ngữ mới có thể hiểu hết những điều nhà văn muốn thể hiện qua nhân vật.

Khi thể hiện nhân vật trong những tác phẩm của mình, Lão Xá đã rất coi trọng việc xây dựng ngôn ngữ nhân vật. Bằng sự quan sát, lựa chọn, vận dụng các phương tiện lời nói, nhà văn tái hiện ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm của mình một cách tự nhiên sinh động, phong phú tạo được sự hấp dẫn lôi cuốn mãnh liệt. Mỗi nhân vật được xây dựng với một lối nói, một kiểu phát ngôn có đặc trưng riêng, thể hiện qua trường từ vựng, kiểu câu, ngữ điệu…mang tính chất cá tính hóa nhân vật rõ nét.

Để làm hiện thị rõ bản chất của nhân vật Mục nữ sĩ trong truyện Thiện nhân, Lão Xá đã xây dựng màn đối thoại giữa bà ta với Tự Do, người giúp việc trong gia đình:

“- Tự do, tao dặn mày bao nhiêu lần rồi, hả?- Mục nữ sĩ xem đồng hồ, đã gần chín giờ, bà hạ cơn giận một chút, không phải vì điều gì khác mà chỉ vui thích khi mình có thể ngủ một lèo đến tận chín giờ, sức khỏe hẳn tương đối đấy; bà phải vì xã hội mà xót thương lấy bản thân, bà cần giấc ngủ thật dài.

- Dạ, không phải ạ, thưa bà, à, thưa nữ sĩ!- Tự Do muốn giải thích đôi lời.

- Nói, có chuyện gì? Đừng có dềnh dàng thế. - Phương tiên sinh xin gặp nữ sĩ ạ.

- Phương tiên sinh nào? Biết bao Phương tiên sinh, mày biết nói chuyện thật đấy!

- Dạ, Phương tiên sinh thầy giáo ạ. - Ông ta làm sao rồi?

- Ông ấy bảo vợ ông ấy qua đời rồi! - Tự Do có vẻ rất đau buồn cho Phương tiên sinh.

- Khỏi cần nói, lại vòi tiền chứ gì!...- Đây, đưa cho ông ta hai chục này, bảo ông ta về mau; bảo rõ mọi người, trước khi ăn sáng tôi không tiếp ai” [10; 580].

Qua màn đối thoại, chúng ta nhận thấy hai nhân vật có hai phong cách giao tiếp khác nhau. Nếu như Mục nữ sĩ sử dụng chủ yếu những câu nói ngắn với giọng điệu bốp chát gay gắt trịch thượng, có vẻ dửng dưng thì nhân vật Tự Do lại giao tiếp bằng những lời nói kính cẩn, lễ phép cùng giọng điệu nhẹ nhàng run run pha lẫn sợ hãi. Từ cách giao tiếp ở màn đối thoại đó, nhà văn đã làm nổi bật tính cách của nhân vật. Với Mục nữ sĩ đó là sự biểu hiện của một con người lạnh lùng, vô cảm, với thái độ coi thường, thậm chí xúc phạm

đến người khác mà vẫn luôn tỏ ra là nhân nghĩa, nhân đạo. Trước cái chết mà bà ta có thể thốt lên: “Khỏi cần nói, lại vòi tiền chứ gì!” thì trong cuộc sống hàng ngày làm sao bà ta có thể sống tốt được. Nghe câu nói này người trong cuộc không khỏi cảm thấy đau lòng, tức giận trước thái độ đó. Một con người mang danh đi hoạt động từ thiện, sống vì cộng đồng vì mọi người mà có ứng xử như thế thì chẳng khác nào một kẻ dối trá, vô tâm. Vì vậy lời nói của Mục nữ sĩ không chỉ làm lộ rõ bản chất mà còn làm tăng thêm tính chất khôi hài trong cách ứng xử.

Tự Do là người hầu nhưng qua lời nói của nhân vật cũng như lời kể chuyện của nhà văn cô ta luôn tỏ ra là người có học, có văn hóa ứng xử tốt, trái ngược hoàn toàn với Mục nữ sĩ. Một con người rỗng tuếch về văn hóa nhưng lại tỏ ra là tầng lớp bề trên đang ban phát, rao giảng về đạo lí tình thương. Cho nên qua đoạn hội thoại đó, dù chưa đọc hết câu truyện người đọc vẫn có thể hình dung ra hình hài cũng như bản chất tính cách, thấy được cả thời đại, tầng lớp xuất thân, trình độ học vấn, lứa tuổi, tâm trạng của nhân vật. Sự hé mở đó đã làm cho tác phẩm trở nên sâu sắc, hấp dẫn hơn. Qua lời nói nhà văn vừa giúp nhân vật tự bộc lộ, vừa góp phần phản ánh cuộc sống bên ngoài nhân vật một cách chân thực.

Đó là cơ sở để chúng ta lí giải vì sao có khi nhà văn thể hiện nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại không chỉ để làm hiện rõ hình tượng con người đó mà còn thông qua vấn đề được nói đến, qua lớp ngôn ngữ đối thoại đó để tạo nên tính khách quan khi xây dựng nhân vật.

Trong truyện Gái Kẻ Liễu nhân vật gái Kẻ Liễu hiện lên chủ yếu qua ngôn ngữ đối thoại với các nhân vật, đặc biệt là qua những cuộc giao tiếp giữa nhân vật tôi với nhân vật cụ Tùng trong tác phẩm. Để làm nổi bật bản chất độc đoán, ích kỉ, hỗn xược, lộng hành, tàn nhẫn của gái Kẻ Liễu nhà văn đã xây dựng màn đối thoại:

“- Đằng ngoài nhà chị cả chắc cũng giúp đỡ chút ít chứ?

- Dĩ nhiên; có điều, họ len lén đến, không dám để con mụ Kẻ Liễu đó trông thấy. Lúc nào ả cũng chực sẵn một cái thang ở góc tường phía tây, mỗi ngày không biết nhòm ngó sang bên nhà chị cả bao nhiêu lần, người không quan hệ đi thăm chị cả Hạ, trên bờ tường, đồ nọ đồ kia văng xuống ầm ầm, người có quan hệ hả, tốt quá rồi, con mụ đó cầm dao chẹn sẵn ở cổng!

- Không ai dám làm gì chị ta ử?

Ông lão Tùng lắc đầu - Chị cả Hạ là con cóc bẹp dí dưới bàn chân, chịu chết thôi!

- Chị ấy qua đời, ả đàn bà kia thành chị Hạ hẳn?

- Còn cần đợi chị ấy qua đời sao? Giờ đây có ai dám không gọi ả là “chị cả” chứ? “chị hai” cũng không được!” [10; 502].

Qua lời nói, tâm trạng hai nhân vật đã bộc lộ rõ, vừa xót xa thương cảm cho số phận bi đát hẩm hiu của chị cả Hạ vừa tỏ thái độ căm tức trước những hành động của gái Kẻ Liễu. Nhưng nếu đọc kĩ, đặc biệt là phát ngôn này: “Chị cả Hạ là con cóc bẹp dí dưới bàn chân, chịu chết thôi!”, bên cạnh gợi được nỗi đau của nhân vật, người đọc còn cảm nhận được sự chua chát, phẫn uất, pha lẫn sự trách cứ của ông lão Tùng trước sự nhút nhát quá ư hiền lành, không biết tranh đấu của chị cả Hạ và những người khác trong gia đình lão Hạ. Có thể nói màn đối thoại giữa hai nhân vật được nhà văn xây dựng hết sức tinh tế và giàu ý nghĩa. Chính vì vậy ngôn ngữ nhân vật như có một đời sống riêng góp phần làm hiện rõ thế giới nội tâm nhân vật đồng thời làm phong phú, tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm văn.

Để diễn tả sự bế tắc, tính chất bi kịch của nhà chính trị Bao Thiện Khanh trong Loạn từ trong nhà, nhà văn đã xây dựng cuộc đối thoại giữa Trương Thất với Bao Thiện Khanh. Đó là màn đối thoại diễn ra trong một khoảng thời gian hết sức đặc biệt đối với cuộc đời của Bao và cũng hết sức

đặc biệt đối với thời gian nghệ thuật của câu truyện. Bao Thiện Khanh không thể ngờ người đối đầu chống lại ông ta chẳng ai khác mà chính là cô con gái của lão:

“- Trông thấy cô chưa?

- Người cầm cờ đi đầu chính là cô cả!

- Đả đảo lũ giặc bản nước! Từ không trung lại truyền đến một tiếng thét. Trong tiếng thét đó, Bao Thiện Khanh như nghe rõ mồn một giọng con gái mình.

- Giỏi, giỏi! - Tay và môi lão run bần bật - Một lũ mất dạy, không cha không mẹ không chính phủ, trai trộm cắp, gái dĩ điếm! Tao sẽ tính sổ với mày sau, Chớ vội mừng cô cả ạ! Tao không quản được con cái nhà người ta, mày chạy sao thoát lòng bàn tay tao! Bố nó là giặc bán nước, giỏi!

- Anh Thiện! Anh Thiện! …Không cần tức giận thế, cô cả nhỏ tuổi, nhất thời mê muội, không thể coi là thực lòng chống đối anh, tuyệt đối không thể” [10; 615].

Cứ qua ngôn ngữ chửi của Bao Thiện Khanh mà suy ra thì lão đang chửi chính bản thân mình, thậm chí đang phỉ báng bản thân mà lão không hề biết. Những từ ngữ mà nhà chính trị này dùng để giao tiếp chẳng khác gì bọn côn đồ thiếu học. Điều đó cho thấy lão cũng chẳng khác gì chúng. Lớp ngôn ngữ đó đã góp phần làm nổi bật tâm trạng bức xúc, bực dọc, nóng nảy, ngao ngán của Bao Thiện Khanh trước sự việc.

Từ ngôn ngữ thoại của Trương Thất, người đọc dễ dàng nhận thấy được sự tinh tế của nhà văn khi không cần nói một cách trực tiếp về bản chất của Bao Thiện Khanh. Lời nói của Trương Thất vì thế mà trở nên có ẩn ý. Một mặt hắn ta động viên Bao, mặt khác trong thâm ý hắn ta cũng đang nói thẳng rằng Bao địch thị là kẻ bán nước. Chính vì vậy kết thúc tác phẩm là chi tiết Trần Thăng và Trương Thất đã bỏ Bao Thiện Khanh ở lại và tháo chạy.

Như vậy khi xây dựng ngôn ngữ nhân vật ngoài việc tạo nên tính kịch cho tác phẩm truyện thì nhà văn bao giờ cũng tạo cho ngôn ngữ của nhân vật mình một chiều sâu ý nghĩa để làm sâu sắc thêm cho nội dung câu chuyện, mang đến cho người đọc sự thú vị trong quá trình khám phá tác phẩm.

Bên cạnh thể hiện nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại thì ngôn ngữ độc thoại cũng được nhà văn Lão Xá đặc biệt quan tâm. Thậm chí có những truyện nhân vật hiện lên chủ yếu qua dòng ngôn ngữ độc thoại. Như trên đã trình bày ngôn ngữ độc thoại nó tác động đến chính bản thân chủ thể, nhiều khi trở thành động lực có tính chất quyết định đối với cử chỉ, thái độ, lời nói, việc làm…đồng thời biểu hiện sinh động dòng tâm trạng của nhân vật.

Trong Trăng non, do đặc điểm truyện được kể chủ yếu qua dòng ý thức của nhân vật tôi cho nên yếu tố độc thoại được nhà văn sử dụng rất nhiều để làm nổi bật thế giới hình tượng nhân vật.

Những người phụ nữ khốn khổ nhất dường như đã hội tụ trong tác phẩm này. Một người mẹ làm tất cả mọi việc thậm chí làm “kẻ hầu kín” để lo cho con từng bữa cơm, một cô con gái cũng rơi vào thế đường cùng bất đắc dĩ phải bán thân để nuôi miệng.

Cô đã thì thầm với chính mình: “Các bạn học không cho phép tôi có người mẹ như vậy, chúng chế diễu“kẻ hầu kín”. Đúng thế, chúng có quyền nhìn nhận như thế, bởi chúng có cơm ăn. Tôi gần như đã quyết định rồi: Chỉ cần có người cho tôi cơm ăn, chuyện gì tôi cũng sẵn sàng làm; mẹ thật đáng khâm phục. Tôi chưa đi tìm cái chết, tuy đã nghĩ đến; không, tôi muốn sống. Tôi trẻ trung, tôi xinh đẹp, tôi muốn sống. Xấu hổ vô sỉ không phải do tôi tạo ra” [10; 541].

Nghe nhưng lời tâm sự này chắc hẳn ai cũng thấu hiểu, xúc động trước hoàn cảnh của cô gái. Dòng tâm trạng của cô tràn ngập những nỗi đau khổ, dằn vặt, xấu hổ và một chút kiêu hãnh về sự trẻ trung xinh đẹp cũng như niềm

khao khát sống mãnh liệt. Cô đang nói với chính mình nhưng thực ra đang nói với tất cả mọi người. Nó giống như phương châm sống của cô, những người phụ nữ rơi vào thế bi đát cùng tận của cuộc sống.

Ngôn ngữ độc thoại của nhân vật ở đây giản dị, không cao trào như một sự giằng xé tột độ của bi kịch giữa những khát vọng lớn lao với những cái tầm thường. Với giọng điệu nhỏ nhẹ như một lời tâm sự, điều đó làm cho những suy nghĩ của cô gái cũng như việc làm của cô trong con mắt độc giả dễ dàng được cảm thông, chia sẻ. Một người con gái đẹp, do cuộc sống mưu sinh, vì miếng ăn, vì cái nghèo, vì xã hội đã làm cho cô trở thành gái bán hoa. Cô ta quyết không tìm đến cái chết, khao khát được sống, chứng tỏ con người này rất quý cuộc sống cho dù nó bi đát đến tận cùng. Sự không đầu hàng hoàn cảnh, số phận của người con gái mảnh dẻ này đã làm cho giá trị nhân đạo trở nên sâu sắc thêm. Vì vậy những dòng tâm sự của cô gái đã gây được sự cảm thông, đồng thời ở góc độ chiều sâu giá trị nghệ thuật nó trở nên mạnh mẽ như một dòng sông ngầm cuộn chảy đánh mạnh vào xã hội đầy bế tắc, phi nhân đạo đang hủy hoại vùi dập những người phụ nữ xinh đẹp, nghèo khổ.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 93 - 102)