Con người cô đơn, nghèo khổ, bi kịch

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 40 - 42)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Con người cô đơn, nghèo khổ, bi kịch

Theo chiết tự Hán, chữ cô có nghĩa là “trơ trọi, một mình” “không ai giúp đỡ” và cũng có nghĩa là sự “vượt khỏi vị trí vốn có của một vật này so với vật khác”. Chữ đơn có nghĩa là lẻ loi, đơn chiếc, cô độc của con người. Các - Mác cho rằng “Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Khi sự tổng hòa bị phá vỡ, mối quan hệ nào đó bị đứt gãy rất có thể xuất hiện trạng thái cô đơn”. Từ những nhận thức trên chúng ta có thể hiểu: Cô đơn là thuộc tính cố hữu trong sâu thẳm tiềm thức của con người. Con người dễ rơi vào cô đơn, hụt hẫng khi bị cắt đứt sợi dây liên hệ với cộng đồng.

Có thể nói trong mọi hoàn cảnh, trong mọi chế độ xã hội gắn liền với từng thời kì lịch sử con người đều có thể rơi vào trạng thái cô đơn. Yếu tố gì đã chi phối đến trạng thái đó. Trước hết đó là tiếng gọi của danh vọng, của vật chất…những yếu tố đó làm cho con người dễ đánh mất mình, để lại trong họ những day dứt, hối hận, bi kịch.

Trong truyện Lão Xá, vấn đề này được nhà văn phản ánh hết sức sinh động. Có những nhân vật cô đơn, rơi vào bi kịch mà không biết mình đang rơi vào cảnh huống đó. Điển hình là nhân vật tiên sinh quân bò trong tác phẩm

Tiên sinh quân bò. Vị tiên sinh quần bò này lên tàu thực hiện một chuyến hành trình mang theo khá nhiều hành lí. Ông ta đã chiếm trọn một không gian khá lớn trên toa tàu, điều đó đã làm phiền toái rất nhiều người. Câu nói cửa miệng của ông ta khi xuất hiện trên toa tàu là: “hầu phòng đâu”. Từ việc nhỏ đến việc lớn, thậm chí cà khi gà gà ngủ cũng choàng dậy gọi cho bằng được “hầu phòng đâu”. Có một điều rất lạ là ông ta cũng chẳng biết được tàu chạy về hướng nào, thậm chí còn lo lắng “lỡ tàu chạy nhầm đường thì sao?”. Tàu

dừng ở sân ga rồi tiếp tục hành trình mà ông ta cũng chẳng biết là mình xuống ở ga nào. Cái cô đơn bi kịch ở con người này là ở chỗ ông ta đã đánh mất cảm giác về không gian, thời gian đến trở thành một kẻ lạc lõng. Thế giới hiện tại như từ chối, bỏ rơi ông ta, biến ông ta trở thành kẻ xa lạ ngờ nghệch. Bi kịch của sự cô đơn đó được tác giả xây dựng hết sức giản dị, tự nhiên nhưng vẫn tạo được sự tinh tế, sâu sắc. Vì vậy khi đọc câu chuyện này, độc giả có thể giật mình xem thử là mình đang ở đâu trong không gian, thời gian của cuộc sống này.

Tiên sinh quần bò là mẫu nhân vật thể hiện sự lạc lõng của con người trong xã hội hiện đại. Tưởng chừng như vô hại nhưng nếu cứ trượt dài theo lối sống đó nó sẽ trở thành một tai họa cho con người và kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Cảm nhận về con người cô đơn, nghèo khổ, bi kịch, nhà văn Lão Xá đã mang đến cho người đọc sự đồng cảm sâu sắc. Từ sự nhận thức sâu sắc đó để chúng ta suy ngẫm về một triết lí nhân sinh: Khi con người rơi vào tình cảnh cô đơn nghèo khổ thì họ thường rơi vào bi kịch không tìm được lối thoát.

Đến Khu chung cư Liễu Gia, người đọc như giật mình bởi cái nghèo nó hiện thị khắp nơi. Nơi đây như một xã hội thu nhỏ được nhà văn xây dựng tập trung ở ba gia đình: Gia đình Lão Vương, Trương Nhị và gia đình nhân vật tôi. Tất cả có một điểm chung ở chỗ là nghèo đói và thường xảy ra những mâu thuẩn. Mâu thuẩn trong một gia đình, mâu thuẩn giữa các gia đình. Những mâu thuẩn đó đều xuất phát từ cái nghèo, cho nên cái nghèo đã trở thành một nỗi ám ảnh, chi phối, đè nặng lên cuộc sống của những con người nơi đây. Tư cách, đạo đức, văn hóa, lối sống của họ bị đảo lộn, thói ích kỉ tầm thường trỗi dậy: “Mọi người từ sáng đến tối bán mạng vì cái miệng”. Tác giả vừa diễn tả được tính chất bi đát của cuộc sống nhưng đồng thời nhìn thấy được tiềm ẩn trong bề sâu tâm hồn của những con người, đó là khát vọng được sống cho dù nó trần tục, thô ráp đi chăng nữa.

Tính chất bi đát của bi kịch còn được khai thác thêm chiều sâu ở chỗ, vì sự nghèo đói mà trước đồng loại họ trở nên lạnh lùng tàn nhẫn. Ở một chừng mực nào đó, người này chết đi lại mở thêm cơ hội sống cho người khác: “Người chết thì đã chết rồi, bớt được miếng ăn”. Xây dựng những tình tiết như thế chắc hẳn nhà văn không khỏi nhói lòng. Từ cái nhìn nghệ thuật có vẻ trần tục đó, Lão Xá đã tô đậm bức tranh hiện thực, đồng thời làm sâu sắc thêm giá trị nhân đạo. Vừa tố cáo lên án xã hội vừa đồng cảm trước cuộc sống con người, trước những bi kịch của cuộc đời. Họ trở thành nạn nhân của nghèo đói. Đối với đàn ông, con trai cái nghèo đã biến họ thành kẻ lưu manh, vũ phu, đối với đàn bà con gái thì rơi vào chốn lầu xanh.

Bi kịch là sự bế tắc khi tìm hướng giải quyết. Cho nên những nhân vật như Phúc, Tường trong Tường lạc đà; Phương tiên sinh trong Thiện nhân; hai mẹ con trong Trăng non…đều rơi vào bi kịch, họ chịu kiếp sống khổ sai, thậm chí chết còn hơn sống, chết như một sự giải thoát. Đó là bức tranh đầy những mảng tối mà nhà văn Lão Xá đã phản ánh rất chân thực, sống động, mang đến cho người đọc cái nhìn đầy cảm thông đối với những con người nghèo khổ, cô đơn, bế tắc.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 40 - 42)