Thể hiện nhân vật qua hành động

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 87 - 93)

7. Cấu trúc của luận văn

3.3.1. Thể hiện nhân vật qua hành động

Như chúng ta đã biết: “nhân vật văn học chỉ xuất hiện qua sự trần thuật, miêu tả bằng phương tiện nghệ thuật. Các phương thức thể hiện nhân vật hết sức đa dạng. Văn học đa dạng đến đâu, các phương thức, phương tiện thể hiện nhân vật đa dạng đến đó” [30; 291].

Phần trên đã trình bày về cách thức thể hiện nhân vật qua việc miêu tả trực tiếp, sử dụng thủ pháp so sánh và lựa chọn những chi tiết nghệ thuật đặc sắc để làm nổi bật chân dung, ngoại hình nhân vật. Bên cạnh đó nhân vật còn được thể hiện qua mâu thuẩn, xung đột, sự kiện, qua các phương tiện kết cấu, phương tiện ngôn ngữ, phương thức miêu tả riêng của thể loại…Nhưng nhân vật thường bộc lộ mình nhiều nhất chủ yếu lại qua việc làm, hành động. Có thể hiểu hành động nhân vật là khái niệm nhằm chỉ các động tác, cử chỉ, điệu bộ, việc làm của nhân vật. Đây là phương diện đặc biệt quan trọng để thể hiện tính cách nhân vật vì việc làm cử chỉ, điệu bộ…của mỗi người là căn cứ quan trọng có ý nghĩa quyết định nói lên tư cách, lý tưởng, phẩm chất cũng như những đặc điểm thuộc về thế giới tinh thần của con người. Hơn nữa, trong tác phẩm truyện, tính cách nhân vật không phải ngay từ đầu được hình thành một cách trọn vẹn. Chính hành động đã có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển của tính cách và thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện. Cho nên thể hiện nhân vật qua hành động là một thủ pháp nghệ thuật rất cần thiết khi xây dựng hình tượng nhân vật.

Khi đọc những tác phẩm trong Lão Xá truyện ngắn, bên cạnh việc nhà văn miêu tả ngoại hình nhân vật với những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, làm cho nội dung tư tưởng câu truyện trở nên sinh động thì hành động nhân vật cũng được tác giả đặc biệt quan tâm.

Trong Khu chung cư Liễu gia, bên cạnh sự thành công khi xây dựng những nhân vật đáng thương thì việc tô đậm tính cách nhân vật có dòng máu

lạnh, luôn có những hành động thô bạo đã được nhà văn miêu tả tỉ mỉ. Đó là nhân vật Vương con, lão Vương và cô con gái lão ta. Do bản tính xấu xa, dã tâm ác độc cho nên cả hai cha con tìm mọi cách hành hạ thâm tệ đối với vợ Vương con.

Một sự việc xảy ra: “Chị dâu đang bê nồi cơm gạo sôi sùng sục, nó liền thò chân ra ngáng. Cái nồi tuột khỏi tay.“cơm gạo hẳn hoi đấy!”. Nếu không phải chồng cô về, nào ai dám đề nghị ăn “cơm”! Cơm chưa cạn, từng hạt gạo trắng đổ tóe trên đất như cháo. Cô liều mạng lấy tay vục lấy vục để, bỏng rảy tay có xá gì; bản thân cô còn không đáng giá bằng cái nồi cơm ấy. Quả thực nóng quá mức, cô vốc được mấy vốc, buốt thấu tim, tay phồng rộp. Cô không dám rên lấy nửa tiếng, nghiến chặt răng, quấn đôi tay, đau đớn vẫy cuống cuồng” [10; 433].

Hành động của cô em chồng ngáng chân để cho chị dâu vấp ngã đổ cơm là hành động có chủ ý, tạo ra cái cỡ để thực hiện những hành động tiếp theo. Không dừng lại ở việc đạp đổ miếng ăn, thực ra cô ta đang đạp vào sự sống còn của kiếp người phụ nữ yếu ớt đó để thỏa mãn lòng ích kỉ. Sự thiếu học và thiếu văn hóa đó là biểu hiện của cái ác đang trỗi dậy, đang đổ xuống những kiếp người nhỏ bé. Nếu người đọc có thái độ căm phẫn trước hành vi thâm độc của cô con gái lão Vương thì lại càng xót xa trước hành động hốt cơm đổ của vợ Vương con bấy nhiêu. Cô ta phải liều mạng, cô ta phải chịu nóng, cô ta phải câm lặng, cô ta phải nghiến răng, cô ta phải đau đớn…Cái sâu sắc mà nhà văn muốn nói ở đây là như thể cô ta đang giành giật sự sống từ những hạt cơm rơi vãi này. Càng cố làm thì dường như mọi thứ càng trở nên bi đát hơn. Không dừng lại hành động, con gái lão Vương lại gào to lên: “Bố! Xem chị ta đổ hết cơm xuống đất rồi kia kìa!”. Lão Vương cùng với con trai xuất hiện. Lão chỉ đánh mắt sang Vương con một cái. Hắn ta liền “lao đến túm tóc vợ ghì sát xuống đất. Cô không kêu một lời, ngất lịm” [10; 433]. Bị

cha chồng, em gái chồng rồi đến cả chồng hành hạ hết sức tàn bạo. Người đọc khó có thể tưởng tượng, người phụ nữ chân yếu tay mềm này lại phải chịu đựng nhiều đau đớn, ê chề đến vậy.

Những hành động được nhà văn lựa chọn xây dựng có tác dụng bộc lộ quá trình phát triển tính cách của nhân vật, đồng thời có tác động thúc đẩy sự diễn biến của hệ thống cốt truyện. Thông qua đó, từ các mối quan hệ, sự đối xử giữa các nhân vật trong tình huống, chúng ta có thể xác định những đặc điểm bản chất của nhân vật. Một lão Vương nhiều tuổi nhưng đê hèn và độc ác, một cô em chồng ích kỉ, xấu tính và thâm độc, một ông chồng u mê, vũ phu, đớn hèn, một người vợ nhẫn nhục, cam chịu, yếu đuối. Và trong xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ nếu yếu đuối thì sẽ khó có thể sống được. Cho nên cuối cùng vợ của Vương con đã treo cổ tử tử, đó như một kết cục không thể khác.

Trước sự việc đó: “Vương con vào phòng ngồi hàng giờ bên thi thể… anh im lìm, không thốt một lời, ngồi rất lâu như hóa đá trong phòng, rồi lấy chiếc quần mới - tức là chưa hề vá víu - mặc vào cho vợ” [10; 437]. Nhà văn đã nói gì qua những hành động đó. Có lẽ đây là tính người mong manh còn sót lại ở con người này. Hàng động đánh vợ như đập đá khi bị xúi giục chỉ là những giây phút u mê, nông nổi nhưng trong chiều sâu của anh lao công này vẫn còn chút ít lương tâm. Anh ta biết đau khổ, thậm chí chết lặng trước cái chết của vợ. Bằng những chi tiết giàu giá trị nghệ thuật đó nhà văn đã làm sâu sắc thêm giá trị nhân văn, nhân đạo của tác phẩm.

Hi sinh là câu chuyện kể xoay quanh nhân vật Mao tiên sinh. Bên cạnh sự thành công trong việc miêu tả ngoại hình nhân vật thì hành động của nhân vật cũng được nhà văn xây dựng ấn tượng và giàu ý nghĩa. Sau khi người vợ của Mao bỏ đi, ông ta hết sức đau khổ. Đau khổ vì vợ bỏ đi đã đành, còn đau khổ là bởi không hiểu nổi người như mình, một tiến sĩ được đào tạo ở Mỹ mà vợ cũng bỏ đi. Bi kịch đó đã đẩy ông ta rơi vào căn bệnh khó chữa: Bệnh tâm

thần. Ở phần kết câu truyện Mao hiện lên: “Dễ đến nửa ngày trời, đột nhiên mắt ông ta sáng trưng, chụp tay lên vịn ghế, ưỡn thẳng ngực lên, nghiêng nghiêng tai:

- Nghe kìa! Cô ấy về rồi! Đúng cô ấy! Ông ta muốn nhỏm dậy, nhưng chỉ tổ làm cho cái xích đu hết nghiêng ra trước lại lật ra sau, ông ta không sao nhỏm lên được…Ông ta ngã phịch xuống, mắt nhắm lại, miệng vẫn rên rỉ” [10; 484].

Cái điệu bộ của Mao tiên sinh “chụp tay lên ghế” “ưỡn thẳng ngực lên, nghiêng nghiêng tai” rồi “nhỏm dậy” “ngã phịch xuống” “miệng rên rỉ” góp phần để nhà văn diễn tả thành công sự mâu thuẩn, đối lập giữa hành động tỏ ra rất mạnh mẽ với nội lực quá yếu ớt, giữa khao khát hạnh phúc với thực tế phũ phàng ở con người này. Đồng thời từ những hành động đó nhà văn làm nổi bật nỗi đau bi kịch hết sức sâu sắc, thấm thía luôn đè nặng trong Mao tiên sinh mà bản thân ông ta không thể tự giải thoát được. Những động tác, cử chỉ của Mao còn góp phần tô đậm dòng tâm trạng đầy khao khát, niềm mong mỏi và cả những hi vọng của ông ta về người vợ đã bỏ đi sẽ quay về.

Những nhân vật được xây dựng thành công luôn hiện lên sống động trong tác phẩm. Đó là biểu hiện tài năng của nhà văn khi lựa chọn và sử dụng những chi tiết nghệ thuật đặc sắc để miêu tả hành động nhân vật. Qua hành động, tính cách nhân vật cũng như nội dung tư tưởng và chủ đề câu chuyện hiện lên đầy đủ, trọn vẹn. Đọc AQ chính truyện hay Thuốc của nhà văn Lỗ Tấn chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Để diễn tả tính chất u mê đến tàn bạo của một bộ phận người dân Trung Quốc những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, nhà văn đã miêu tả rất tài tình một vài hành động của nhân vật lão Nghĩa khi đánh Hạ Du, người chiến sỹ cách mạng, khi Hạ Du nói với lão ta: Thiên hạ Mãn Thanh chính là của chúng ta nghĩa là đất nước Trung Quốc là của người Trung Quốc. Lão này chẳng hiểu gì lại còn huênh hoang “nói thế mà

nói được” và đánh Hạ Du bằng mấy bạt tay. Bản chất nhân vật đã hiện rõ, con người này chẳng hiểu biết gì về chính trị về người hoạt động cách mạng, về vai trò trách nhiệm của bản thân mình đối với mọi người và đối với đất nước.

Một nhân vật gây ấn tượng mạnh đối với người đọc trong Gái Kẻ Liễu

là người đàn bà, gái Kẻ Liễu, mà Hạ Liêm lấy về làm vợ lẽ. Để tô đậm bản chất xấu xa, bỉ ổi đến tàn nhẫn của con người này, nhà văn không dừng lại ở việc miêu tả đôi mắt lồi to như cái đèn lồng của chị ta mà ông còn chú trong chọn lựa nhiều chi tiết đặc sắc để miêu tả những hành động thô bạo của cô ta khi hành xử đối với những thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối với Lão Hạ và Hạ Liêm: “Râu Lão Hạ chỉ còn lại loe toe vài sợi, bị “gái Kẻ Liễu” vặt trụi quá nửa rồi. Bà cụ Hạ thường quỳ lạy cô con dâu này. Chị cả Hạ đã dọn ra ở riêng. Răng của Hạ Liêm cũng bị những cái vả thổi bay hết mất…” [10; 496].

Không chỉ có thế, ả ta lại có những hành động thậm tệ hơn: “Lão Hạ như bị bò đá, lưng địu túi ngựa thồ đòi vào thành kiện tụng. Lão chưa kịp ra khỏi thôn, ả đuổi kịp đến nơi, lôi xềnh xệch về, đòn phủ đầu đã là mấy cái vả, tiếp đó rứt đứt già nửa chòm râu, sau cùng đá tặng cho mấy đá vào đít. Gần nửa tháng lão Hạ không gượng dậy nổi. Giờ ả ta ở gian chính, gia sản quơ hết vào tay” [10; 503]. Là người phụ nữ nhưng hành động được nhà văn miêu tả lại chẳng khác gì là một gã đàn ông thô bạo. Ả ta dám đối xử đánh đập chồng, cha chồng, o ép mẹ chồng, vợ cả của chồng đến mức như thế chắc hẳn phải có động cơ nhất định. Qua những hành động đó nhà văn đã diễn tả khá tinh tế thế giới nội tâm của nhân vật này. Đó là sự bức xúc, cuồng nộ, làm bất cứ mọi điều để chiếm cho được gia sản và quyền hành của gia đình họ Hạ. Hành động đó không chỉ vi phạm về đạo đức, đi ngược với văn hóa ứng xử mà còn gợi lên tính chất nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng, đẩy những người trong gia đình họ Hạ vào thế đường cùng. Hành động của gái Kẻ Liễu còn gợi sâu sắc thêm tính chất bi kịch của dòng họ Hạ đã ba đời độc truyền. Với

mong muốn có con trai nối dõi tông đường, chưa thỏa mạn đã bị gái Kẻ Liễu

vùi dập, mất hết cả danh dự, của cải, thậm chí bị đe dọa đến cả tính mạng. Cho nên qua những hành động đó nhà văn đã tô đậm bản chất thô bạo, hống hách, hỗn xược, không có tình người của gái Kẻ Liễu. Đồng thời khẳng định bản tính con người thực sự khó có thể thay đổi, sự ích kỉ, lòng tham luôn làm cho con người trở nên xấu xa, tàn bạo.

Sau khi bị gái Kẻ Liễu cướp không gia sản, thân xác lão Hạ trở nên tiều tụy nhưng trong lòng lại chứa đựng nhiều nỗi bức xúc: “lão cầm cuốc, nghiến răng, bổ xuống ruộng” [10; 509]. Hành động đó mang nhiều ý nghĩa. Cái nghiến răng vừa nói lên được sự căm tức, phẫn uất vừa nói lên sự cay đắng, chua chát mà lão phải chịu đựng. Những nhát cuốc bổ xuống ruộng dường như là để lão trút giận, trút những bực dọc, đau khổ chất chứa trong lòng bấy lâu. Hành động đó tưởng chừng mạnh mẽ nhưng thực ra chỉ gợi lên sự đáng thương, bế tắc đến tận cùng của lão. Như vậy sử dụng chi tiết miêu tả hành động, nhà văn đã làm nổi bật tính cách cũng như số phận, cuộc đời lão Hạ. Lão giàu có từ đất và từ đất những gì đánh mất lão chỉ có thể tìm lại từ đó.

Nhân vật chỉ có thể hiện lên một cách chân thật khi được nhà văn lựa chọn chi tiết và miêu tả hành động một cách hấp dẫn. Hành động làm cho nhân vật trở nên sinh động y như con người từ cuộc sống thực bước vào trong trang sách. Việc thể hiện nhân vật qua hành động sẽ giúp nhà văn có cái nhìn sâu sắc hơn về bức tranh cuộc sống của con người và làm cho nội dung tư tưởng cũng như chủ đề tác phẩm trở nên sâu sắc. Hành động của nhân vật luôn ẩn chứa trong đó nhiều ý nghĩa. Có nhiều điều được nhà văn nói thông qua hành động, bởi hành động của nhân vật có thể xem là thước đo đánh giá về đời sống tâm lí, về tính cách. Hay nói cách khác chú ý vào hành động của nhân vật người đọc sẽ khám phá được nhiều điều nhà văn muốn nói và hiểu sâu sắc thêm tác phẩm.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 87 - 93)