Quan niệm nghệ thuật về con người

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 28 - 29)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.1. Quan niệm nghệ thuật về con người

Con người là trung tâm của văn học, là đối tượng chủ yếu mà các nhà thơ, nhà văn luôn hướng đến. Quan niệm nghệ thuật về con người có khi cũng được gọi là cái nhìn nghệ thuật về con người, là khái niệm cơ bản nhằm thể hiện khả năng khám phá, sáng tạo trong lĩnh vực miêu tả, thể hiện con người của người nghệ sĩ nói riêng và của thời đại văn học nói chung.

Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Quan niệm nghệ thuật về con người là một cách cắt nghĩa, lí giải tầm hiểu biết, tầm đánh giá, tầm trí tuệ, tầm nhìn tầm cảm của nhà văn về con người được thể hiện trong tác phẩm của mình” [30; 15]. Nghĩa là quan niệm nghệ thuật về con người sẽ giúp chúng ta đi sâu vào việc phân tích, mổ xẻ đối tượng con người được thể hiện thành các nguyên tắc, phương tiện biện pháp trong các tác phẩm văn học, từ đó thấy được giá trị và chiều sâu triết lí của tác phẩm.

Từ điển Thuật ngữ văn học định nghĩa: “Quan niệm nghệ thuật về con người là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình thức nghệ thuật, nó gắn với các phạm trù phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật, làm thành thước đo của hình thức văn học và là cơ sở của tư duy nghệ thuật” [2; 275]

Nhìn chung, tuy có sự khác nhau về cách diễn đạt nhưng những khái niệm trên đều nêu lên được cái cốt lõi của vấn đề cái nhìn nghệ thuật về con người.

Chúng ta có thể hiểu quan niệm nghệ thuật về con người một cách khái quát như sau: Quan niệm nghệ thuật về con người được hiểu là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách cắt nghĩa lí giải về con người của nhà văn. Đó là quan niệm mà nhà văn thể hiện trong từng tác phẩm. Quan niệm ấy bao giờ cũng gắn liền với cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể, ngay cả khi miêu tả con người giống hay không giống so với đối tượng.

Quan niệm nghệ thuật về con người là cách cắt nghĩa “có tính phổ quát mang ý vị triết học, nó thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người. Nhưng mọi cách nhìn cách cảm, cách nghĩ, cách lí giải về con người của nhà văn đều là sản phẩm của lịch sử, xã hội và văn hóa thời đại nhà văn sáng tác. Không chỉ vậy quan niệm nghệ thuật về con người còn mang dấu ấn sáng tạo của cá tính nghệ sĩ, gắn liền với cái nhìn nghệ sĩ. Bởi vậy, quan niệm nghệ thuật về con người của văn học trung đại sẽ khác văn học hiện đại, quan niệm nghệ thuật về con người của văn học hiện đại Trung Quốc sẽ khác với văn học hiện đại Việt Nam, quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn này sẽ khác với nhà văn khác.

Quan niệm nghệ thuật về con người tạo thành nhân tố vận động của nghệ thuật. Và khi nhà văn miêu tả những con người là kết quả của sự vận động ấy thì sẽ làm văn học đổi mới. Quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu của nó. Cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn của tác phẩm văn học nói riêng và thành tựu của người nghệ sĩ nói chung.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 28 - 29)