Khái niệm nhân vật

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 29 - 34)

7. Cấu trúc của luận văn

2.1.2. Khái niệm nhân vật

Nhân vật văn học

Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong tác phẩm văn học bằng phương tiện văn học.

Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật có tên như

Đăm Săn, An Dương Vương, Chí Phèo, Xuân Tóc Đỏ, Tnú, Việt, Xô-cô-lốp, lão Xan-ti-a-gô, Tống Giang, Gia Cát Lượng, AQ, Tường lạc đà… đó còn là những nhân vật không tên như thằng bán tơ, mụ nào đó trong Truyện Kiều, người đàn bà vợ Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân, người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Đó còn là những con vật trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần thoại bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những con vật mang nội dung và ý nghĩa con người. Nhân vật có thể được thể hiện bằng những hình thức khác nhau nhất. Đó có thể là những con người được miêu tả đầy đặn nhất cả ngoại hình lẫn thế giới nội tâm, có tính cách, tiểu sử, đó có thể là những người thiếu hẳn những nét đó, nhưng lại có tiếng nói, có giọng điệu, cái nhìn như nhân vật người trần thuật, hoặc chỉ có cảm xúc, nỗi niềm.

Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Bản chất văn học là một quan hệ đối với đời sống, nó chỉ tái hiện được đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những tấm gương của cuộc sống.

Nhân vật văn học là một hiện tượng nghệ thuật ước lệ có những dấu hiệu để ta nhận ra. Thông thường đó là một cái tên như Tnú, Mị, AQ, Tường lạc đà, Xô-cô-lốp… đến các dấu hiệu tiểu sử, nghề nghiệp hoặc đặc điểm riêng như chàng mồ côi, hai anh em sinh đôi, chú lính, ông quan huyện, anh chàng có bộ mặt cười, thằng ngốc, người tù khổ sai… Sâu hơn là các đặc điểm tính cách như ông tư sản học làm quý tộc, thằng đạo đức giả…

Nhân vật là phương tiện khái quát hiện thực. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ước ao và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó. Nói cách khác nhân vật là phương tiện khái quát các tính cách, số phận con người,

các quan niệm về chúng. Do nhân vật là công cụ cho nên việc tìm ra nhân vật mới bao giờ cũng là chìa khóa để mở rộng các mảng đề tài mới và như vậy tác phẩm văn học ngày càng trở nên phong phú và hấp dẫn.

Nhân vật văn học là hiện tượng hết sức đa dạng. Các nhân vật thành công thường là những sáng tạo độc đáo, không lặp lại. Tuy nhiên, trong các nhân vật, xét về mặt nội dung, cấu trúc, chức năng có thể thấy nhiều hiện tượng lặp lại tạo thành các loại nhân vật. Để chiếm lĩnh thế giới nhân vật đa dạng, cần tìm hiểu phương diện loại hình của chúng. Các phương diện loại hình của nhân vật cũng rất đa dạng. Các nhân vật của truyện dân gian, thơ ca dân gian khác với nhân vật văn học viết. Nhân vật thần thoại cũng khác với nhân vật truyền thuyết và nhân vật cổ tích. Xét về phương pháp sáng tác, nhân vật chủ nghĩa cổ điển khác với nhân vật lãng mạn và nhân vật hiện thực. Xét về thể loại, nhân vật tự sự, nhân vật kịch, nhân vật trữ tình đều có những đặc trưng khác biệt quan trọng. Để có cái nhìn cơ bản ở đây, chúng ta giới hạn phân biệt nhân vật qua ba góc nhìn sau: kết cấu, ý thức hệ và cấu trúc.

Về cấu trúc tác phẩm văn học có các loại nhân vật: nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm.

Nhân vật chính là nhân vật đóng vai trò chủ chốt, xuất hiện nhiều và giữ vai trò then chốt của cốt truyện hoặc tuyến cốt truyện. Đó là con người liên can đến các sự kiện chủ yếu của tác phẩm, là cơ sở để tác giả triển khai đề tài cơ bản của mình. Trong nhân vật chính của tác phẩm lại có thể nhận thấy nổi lên những nhân vật trung tâm xuyên suốt tác phẩm từ đầu đến cuối về mặt ý nghĩa. Đó là nơi quy tụ các mối mâu thuẩn của tác phẩm, là nơi thể hiện vấn đề trung tâm của tác phẩm.

Ngoài nhân vật chính, nhân vật trung tâm, còn có nhân vật phụ. Nhân vật phụ mang các tình tiết, sự kiện, tư tưởng có tính chất phụ trợ bổ sung. Chúng là bộ phận không thể thiếu của bức tranh chung mà nhiều khi nhân vật phụ hàm chứa những tư tưởng quan trọng của tác phẩm.

Xét về ý thức hệ có các nhân vật chính diện và nhân vật phản diện. Nhân vật chính diện và nhân vật phản diện là phạm trù lịch sử. Nhân vật chính diện mang lí tưởng quan điểm tư tưởng đạo đức tốt đẹp của tác giả và của thời đại. Đó là người mà tác phẩm khẳng định và đề cao như những tấm gương về phẩm chất cao đẹp của con người một thời. Trái lại nhân vật phản diện lại mang những phẩm chất xấu xa, trái với đạo lí và lí tưởng, đáng lên án và phủ định. Như vậy hai loại nhân vật này luôn đối kháng nhau trên mọi phương diện

Nhân vật trong truyện ngắn và truyện vừa

Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung thể loại của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện đời sống: đời tư thế sự hay sử thi nhưng cái độc đáo của nó là thường ngắn gọn. Bởi truyện ngắn viết ra thường để đọc liền một mạch. Tuy nhiên mức độ dài ngắn chưa phải là đặc điểm chủ yếu để phân biệt với các tác phẩm tự sự khác. Do truyện ngắn hiện đại mang một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt cuộc sống rất riêng mang tính chất thể loại cho nên cách thức xây dựng nhân vật cũng có những đặc điểm mới mẻ.

Thể loại truyện ngắn xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học. Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người. Vì thế trong truyện ngắn thường có ít nhân vật, ít sự kiện phức tạp. Nếu mỗi nhân vật của tiểu thuyết là một thế giới thì mỗi nhân vật của truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới ấy. Có nghĩa truyện ngắn thường không nhằm tới việc khắc họa những tính cách điển hình đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh. Nhân vật của truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái quan hệ xã hội, ý

thức xã hội hoặc trạng thái tồn tại của con người. Thông thường nhà văn chỉ tập trung lựa chọn miêu tả một khoảnh khắc nào đó trong chiều dài cuộc đời của con người. Đó là những khoảnh khắc có vấn đề để nhà văn làm nổi bật số phận của nhân vật cũng như thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm.

Từ đặc điểm nhân vật trong truyện ngắn như thế cho nên việc triển khai cốt truyện thường diễn ra trong một thời gian không gian hạn chế, chức năng của nó nói chung là nhận ra một điều gì đó sâu sắc về cuộc đời và tình người. Kết cấu của truyện ngắn không chia thành nhiều tầng, nhiều tuyến mà thường xây dựng theo nguyên tắc tương phản hoặc liên tưởng. Bút pháp trần thuật của truyện thường là chấm phá. Chính vì vậy khi xây dựng nhân vật nhà văn thường sử dụng những chi tiết cô đúc và lối hành văn mang nhiều ẩn ý tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết.

Cũng như thể loại truyện ngắn, truyện vừa cũng xuất hiện tương đối muộn trong lịch sử văn học. Do xuất hiện cùng trong khoảng thời gian, cho nên ngoài những đặc điểm giống như nhân vật trong truyện ngắn thì việc xây dựng nhân vật ở thể loại truyện vừa có những nét riêng.

Truyện vừa gần với truyện ngắn nhưng về mặt dung lượng được nhà văn nới ra dài hơn. Cho nên khi xây dựng về chân dung, ngoại hình, thế giới nội tâm, các chặng đường đời của nhân vật… trong truyện vừa được nhà văn miêu tả tỉ mỉ rõ nét. Những yếu tố đó làm cho nhân vật trong truyện vừa có quá trình hơn. Ngay ở việc miêu tả không gian, thời gian để làm nổi bật hình tượng nhân vật trong truyện vừa cũng được nhà văn chú trọng, xem đó như một thủ pháp nghệ thuật để tô đậm hình tượng nhân vật.

Như vậy để xây dựng nhân vật trong truyện vừa nhà văn thường sử dụng dung lượng lời văn nhiều hơn truyện ngắn. Những yếu tố để làm nổi bật hình tượng nhân vật cũng được thể hiện phong phú hơn.

Một phần của tài liệu Nhân vật trong truyện Lão xá (Trang 29 - 34)