7. Kết cấu luận văn
2.3.1. Những thành tựu đạt được
Qua việc phân tích thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở Nghệ An thời gian qua, trên cơ sở so sánh giữa mục tiêu và kết quả đã đạt được của các chỉ tiêu. Đề tài rút ra một số nhận xét về kết quả đạt được như sau:
Thứ nhất: Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành thời gian qua ở Nghệ An được thực hiện trong điều kiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế chuyển từ khép kín tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước đã tác động sâu sắc đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Thông qua các chính sách phát triển như cho phép tự do hoá lưu thông, chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế, các luật khuyến khích đầu tư trong nước và ngoài nước được ban hành và có sự đổi mới ngày càng phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, các chính sách tài chính, tín dụng ưu đãi cho đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng... đã thu hút được đông đảo mọi thành phần kinh tế trong cũng như ngoài tỉnh tham gia phát triển kinh tế. Nó thực sự là những động lực và hành lang pháp lý hữu hiệu bền vững cho sự tăng trưởng và phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành.
Thứ hai: Cơ cấu kinh tế ngành có chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp bước đầu đã hình thành một số khu công nghiệp tập trung. Trong nông nghiệp đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày có năng suất cao và cây có giá trị kinh tế cao phục vụ cho xuất khẩu, sản lượng lúa của tỉnh đã tăng từ 1.040 triệu tấn năm 2010 lên 1,206 triệu tấn năm 2014. Trong công nghiệp tỉnh đã bước đầu có sự chuyển dịch dần theo hướng loại bỏ tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu và theo hướng hiện đại hoá các thiết bị, công nghệ sản xuất. Từ một nền công nghiệp đơn thành phần đã trở thành một nền công nghiệp đa thành phần, cả công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đều có sự phát triển, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài đang có xu hướng ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Trong cơ cấu dịch vụ cũng có nhiều biến chuyển, các hoạt động dịch vụ như bưu điện, tài chính ngân hàng ngày càng tăng, trình độ trang thiết bị cơ sở vật chất khu vực dịch vụ như bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, vận tải... được tăng cường một bước. Ngành du lịch của vùng hiện nay đang chiếm dần ưu thế, bên cạnh lượng khách trong nước, tỉnh đang ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài. Đây là xu hướng phát triển của nước công nghiệp.
Trong việc phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế ở Nghệ An bước đầu đã hình thành một số khu công nghiệp tập trung gắn với vùng kinh tế động lực, hình thành một số vùng cây công nghiệp tập trung, có quy mô lớn như vùng mía ở miền đồi núi thấp, vùng chè, vùng cao su... gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến tạo điều kiện khai thác tiềm năng lợi thế của mỗi vùng.
Thứ ba: Đã huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là từ năm 2010 trở lại đây, bình quân mỗi năm huy động được từ 23 - 33
nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Vốn đầu tư được tập trung hơn, cơ cấu đầu tư được điều chỉnh theo xu hướng đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của tỉnh, một số công trình lớn đã phát huy tác dụng như Thủy điện Bản Vẽ, Nhà máy sữa TH, Chuỗi thức phẩm TH, Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ An, Nhà máy may Havina Kim Liên, Nhà máy may Prex Vinh, Điện tử BSE Việt Nam... Đặc biệt, thời gian qua là thời kỳ tỉnh đã tập trung mạnh cho đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất, mạng lưới giao thông thuỷ lợi, điện được tăng cường và củng cố, đảm bảo cho sản xuất của toàn bộ nền kinh tế được lưu thông. Sự xuất hiện của nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng nhanh đã mở ra một thời kỳ mới cho quá trình chuyển dịch cơ cấu theo hướng mở cửa và hội nhập.
Thứ tư: Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở Nghệ An đã xuất hiện một số mô hình mới như: Mô hình kinh tế đồi rừng, vườn rừng, vườn đồi, mô hình kinh tế trang trại... Tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và kinh tế hộ gia đình, giữa nông nghiệp, lâm nghiệp với công nghiệp chế biến, sản xuất và các loại hình dịch vụ khác. Có thể khẳng định đây là một mô hình mới, có hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở Nghệ An theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thứ năm: Kinh tế nhiều thành phần ở Nghệ An đang phát triển theo hướng đổi mới, có sự đan xen giữa các thành phần kinh tế. Kinh tế nhà nước vẫn nắm giữ vị trí chủ đạo của mình trong nền kinh tế với việc phát triển một số ngành và dịch vụ, lĩnh vực trọng yếu có liên quan đến sản xuất đời sống của nền kinh tế, phù hợp với chủ trương phát triển khu vực kinh tế nhà nước ở nước ta theo hướng xác định vai trò chủ đạo của nền kinh tế nhà nước trong sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần. Tuy nhiên bên cạnh đó các thành phần kinh tế khác nhờ có chính sách khuyến khích phát triển nên ngày
càng đa dạng, phát triển và ngày càng góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc trong tỉnh.
Thứ sáu: Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành ở Nghệ An là quá trình cải biến toàn diện trên mọi mặt của nền kinh tế xã hội, các quan niệm trong quan hệ kinh tế có sự thay đổi căn bản, những phong tục tập quán bảo thủ, lạc hậu trong sản xuất đời sống từng bước được xoá bỏ. Quá trình đó cũng chính là quá trình nâng cao tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm với sản xuất kinh doanh, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn lực trong tỉnh đã vươn lên đón lấy cơ hội từ bên ngoài để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh tích cực tham gia đầu tư nắm bắt các thông tin kinh tế, các xu hướng biến đổi của thị trường... phục vụ cho chính mình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành thời gian qua cũng đã bộc lộ những yếu kém của nó. Vì vậy để xác định những yếu kém, tồn tại và từ đó xác định các nguyên nhân cản trở nhằm đề ra các giải pháp cho sự phát triển tốt hơn, nhanh hơn trong giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét tiếp mục: Những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Nghệ An.