trường
Đến lúc chúng ta cần phải sửa đổi, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật môi trường, mà cụ thể là Nghị định 81/2006 của Chính phủ. Có thể nói, hàng loạt các sự kiện gần đây, như vụ Vedan Bình Phước, Vinashin Khánh Hòa, công ty Hòa Dương,…đã cho thấy lỗ hổng trong văn bản luật và thực thi pháp luật trong môi trường Việt Nam hiện nay. Ngay bây giờ, chúng ta phải thay đổi cách nhìn và tư duy nhằm tạo ra một hệ thống pháp luật hữu hiệu, có ích, để không chỉ để xử lý vụ vi phạm này mà còn nhiều vụ tương tự khác và bảo vệ môi trường sống cũng như bảo vệ sức khỏe con người , sự phát triển bền vững, đó là điều mà toàn thể nhân dân hết sức mong mỏi.
Thứ nhất, để bảo vệ môi trường có hiệu quả, thì cần phải có sự tác động hài hòa, chặt chẽ của cả hệ thống văn bản pháp luật môi trường, không chỉ dừng lại ở Nghị định 81/2006/NĐ-CP. Trong thời gian tới nên rà soát những điểm bất hợp lý, những điểm còn thiếu trong khung pháp luật môi trường từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ, và có tính khả thi cao, cẩn có một lộ trình cụ thể, theo thứ tự ưu tiên hợp lý nhằm đổi mới và phát triển pháp luật về môi trường một cách căn bản nhất.
Để xây dựng một khung pháp lí môi trường hoàn thiện thì chúng ta cần phải xem xét, bổ sung và hoàn thiện toàn bộ hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường, cần hoàn chỉnh vầ các tiêu chuẩn về môi trường và nâng cao các tiêu chuẩn này lên với mức ngang với tiêu chuẩn của các nước cong nghiệp mớ, để Luật Môi trường của ta không những đủ sức răn đe mà còn phải tương hợp với Luật Môi trường Quốc tế.
Và nên sửa đổi bổ, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chế tài xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, thì ngoài Luật Môi trường 2005 cũng cần bổ sung hoàn thiện các luật khác có liên quan đến môi trường như Luật Cạnh tranh, Luật Đầu tư và cả Luật Hình sự. Luật Hình sự có thể cho phép bất cứ công dân hay hiệp hội, không nhất thiết là người bị hại trực tiếp khởi kiện các hành vi hủy hoại môi trường.
Cũng nên thiết kế mô hình “cây”văn bản và lập các danh mục theo thứ bậc, như: đầu tiên là Luật Môi trường và các văn bản luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường, sau đó là, văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành cụ thể, hoặc các văn bản quy định về xử lý vi phạm, trách nhiệm dân sự, các quyết định áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam, kèm thao các phụ lục Tiêu chuẩn Việt nam (tiêu chuẩn khí thải, nước thải…)
Tiếp theo, đó là đi giải quyết mối quan hệ giữa Luật Môi trường năm 2005 với các luật chuyên ngành và văn bản dưới luật trong hệ thống pháp luật môi trường như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật tài nguyên nước, Luật Đất đai, Nghị định 21/2008, Nghị định 81/2006/NĐ-CP …xem có mâu thuẩn , thiếu sót hay không, để nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa, chặt chẽ giữa các văn bản luật. Tránh tình
trạng “ông nói này, bà nói khác”, gây khó khăn trong việc thực thi pháp luật. Tránh trường hợp như cách quy định về việc bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên trong các luật bảo vệ tài nguyên không giống nhau. Ví dụ, cùng là hành vi gây ô nhiễm dất nhưng mức phạt tiền cao nhất theo các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai là 50 triệu đồng (Nghị định 182/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004), trong khi theo các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường thì mức này là 70 triệu đồng (Nghị định 81/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006). Bên cạnh đó cũng cần chú trọng tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhằm chung tay với Thế giới vì một môi trường trong sạch, lành mạnh như: hạn chế suy giảm tầng ôzôn, hiệu ứng nhà kính, hiện tượng nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu…
Có thể nói, việc thay đổi một hệ thống pháp luật không dễ, đòi hỏi phải có nền tảng khoa học, chuyên môn sâu sắc, hiểu biết thấu đáo quá trình, quy luật hệ sinh thái, sản xuất…Do đó, chúng ta cần cảm xét chính sách quy hoạch, quản lý và pháp luật một cách tổng thể. Vì việc bảo vệ môi trường thành công hay không, phụ thuộc rất lớn vào quy hoạch tổng thể. Môi trường như một tài sản công, chế tài như thế nào để ai cũng bảo vệ tài sản công ấy, đó là những chính sách cần nghiên cứu lâu dài, cẩn thận và khổ công. Chắc chắn trong giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ không chỉ có một câu trả lời đơn giản, ngắn gọn là giải quyết được.
Thứ hai, là đi sửa đổi, bổ sung các vấn đề còn vướng mắc, “lạc hậu” trong Nghị định 81/2006/NĐ-CP so với yêu cầu phát triển hiện nay. Từ những vấn đề đã được mổ xẻ ở các phần trước, Nghị định 81/2006 của Chính phủ đến nay cần phải thay đổi một số nội dung để phù hợp với các văn bản mới được ban hành trong thời gian gần đây, cũng như phù hợp với sự phát triển đa dạng của kinh tế - xã hội.
Điều phải sửa đổi đầu tiên nhất trong Nghị định 81, là mức tiền phạt tối đa. Đúng là mức tiền phạt hiện nay thật sự chưa đủ sức răn đe cần thiết, vì tối đa chỉ có 70 triệu, nên trong thời gian tới Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải tăng cao mức xử phạt đối với hầu hết các vi phạm và tăng lên cho phù hợp với Pháp lệnh năm 2008 là 500 triệu đồng. Thực ra, con số 500 triệu này cũng chưa đáng là bao so với lợi nhuận mà một công ty thu được và cũng chẳng thấm tháp gì so với chi phí phải bỏ ra để cải tạo môi trường do hậu quả ô nhiễm. Biện pháp tốt nhất là, buộc họ phải khôi phục lại tình trạng ban đầu như trước khi gây ô nhiễm, có lẽ, chi phí khôi phục này sẽ cao hơn so với phạt tiền cộng thêm khắc phục hậu quả. Vì chừng nào cái giá của doanh nghiệp phải trả đắt hơn so với những gì họ thu được từ việc gây ô nhiễm thì khi ấy việc vi phạm mới không tái diễn. Và các chức danh trong Nghị định cũng phải tăng thẩm quyền mức tiền phạt tối đa lên, căn cứ vào Pháp Lệnh năm 2008. Như Chủ tịch
Ủy ban nhân dân xã, huyện, tỉnh, Cảnh sát môi trường, Thanh tra chuyên ngành môi trường…
Bên cạnh đó, Nghị định còn phải bổ sung thêm chức danh Cảnh sát môi trường và quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, như Cảnh sát môi trường được áp dụng các biện pháp ngăn chặn; tạm giữ người, tang vật, phương tiện; khám xét theo thủ tục hành chính và được áp dụng các biện pháp xử phạt chính cũng như các biện pháp xử phạt bổ sung.
Nghị định cũng nên quy định cụ thể rõ ràng các biện pháp khắc phục hậu quả, phải khắc phục đến đâu và khắc phục như thế nào. Phải khôi phục lại môi trường như trước khi ô nhiễm, hay chỉ một phần. Hoặc nếu khắc phục không được thì bên cạnh việc bị xử phạt còn phải chịu bồi thường những tổn thất do vi phạm gây ra. Đồng thời, cũng quy định rõ trách nhiệm kiểm tra, báo cáo các vấn đề khắc phục hậu quả thuộc về ai (Ủy ban nhân dân hay cơ quan chuyên môn Tài nguyên Môi trường)
Và cần bổ sung các vấn đề như:
+ Thêm vào Nghị định chi phí khắc phục hậu quả được quy định tại Điều 21a của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính năm 2008 và sửa đổi theo Điều 12, 14, 21, 28, 29, 31, 38, 41, 42, 45, 46, 54, 55, 57, 61, 64, 66, của Pháp lệnh năm 2008.
+ Biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, và biện pháp buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường, vào quy định tại Điều 7 (hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả).
+ Biện pháp rút giấy phép đầu tư đối với công ty nước ngoài gây ô nhiễm nghiêm trọng.
+ Có thể quy định thêm, nếu doanh nghiệp có vi phạm thì có thể bị công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Báo Tài nguyên và Môi trường và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.
+ Các quy định về quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý, chôn lấp, tái chế, tái sử dụng các chất thải và chất thải nguy hại. Chúng ta nên học hỏi ở Nhật về vấn đề này. Ở Nhật Bản, rác được phân thành hai loại: rác cháy được và không cháy được để riêng trong những túi có màu khác nhau. Hàng ngày, khoảng 9 giờ sáng họ đem các túi đựng rác đó ra đặt cạnh cổng. Công ty vệ sinh thành phố sẽ cho ô tô đến từng nhà đem các túi rác đó đi. Nếu gia đình nào không phân loại rác, để lẫn lộn vào một túi thì ngay hôm sau sẽ bị công ty vệ sinh gửi giấy báo đến phạt tiền. Với các loại rác cồng kềnh như tivi, tủ lạnh, máy giặt… thì quy định vào ngày 15 hàng tháng đem đặt trước cổng đợi ô tô đến chở đi, không được tùy tiện bỏ những thứ đó ở hè phố.
+ Bổ sung thêm các quy định về xử phạt trong việc gây ô nhiễm môi trường biển, môi trường chăn nuôi thủy sản, môi trường công cộng, cảnh quan đô thị. Cũng nên quy định rõ, tại những nơi công cộng mang tính chất phát triển du lịch, văn hóa, ví dụ như
Bến Ninh Kiều,… thì nên cho người đứng gác và có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác, khạc nhổ, phóng uế, … để đem lại vẻ đẹp cảnh quan đô thị, và thể hiện nếp sống văn minh của người Việt Nam.
+ Và nếu có hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường thì có thể bị xử phạt hành chính, sau đó là xử phạt hình sự nếu tái phạm.
Qua vụ xử phạt Vedan, thì Nghị định cũng nên rút kinh nghiệm về quy định thẩm quyền xử phạt của các chức danh, phải quy định cụ thể rõ ràng. Tránh tình trạng cả Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chánh Thanh tra Bô có cùng thẩm quyền xử phạt đối với cùng một hành vi vi phạm.
Nghị định cũng cần quy định rõ, thẩm quyền và trình tự thủ tục đối với các biện pháp tạm thời đình chỉ hoạt động, biện pháp buộc di dời cơ sở, biện pháp rút giấy phép đầu tư. Ai có quyền ra quyết định xử phạt và ai sẽ đi kiểm tra việc thi hành quyết định xử phạt của tổ chức vi phạm.
Bên cạnh việc xử phạt các tổ chức thì vẫn phải tăng cường xử phạt các cá nhân vi phạm việc bảo vệ môi trường. Theo đó, thì Nghị định 81/2006/NĐ-CP, có quy định cá nhân là người nước ngoài cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp luật về bảo vệ môi trường, vậy thì phải bổ sung thêm hình phạt trục xuất đối với cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm nghiêm trọng. Hơn nữa, con người vẫn là tác nhân chính trong việc làm suy thoái tài nguyên môi trường, nếu không quy trách nhiệm về một cá nhân thì có lẽ khó mà nâng cao tính hiệu quả pháp lý của Pháp lệnh này.
Có thể nói, pháp luật luôn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Bằng các chế tài hành chính, dân sự và hình sự, thì vừa ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường vừa có tác dụng giáo dục công dân tôn trọng pháp luật môi trường. Con người nếu sử dụng và khai thác môi trường theo những tiêu chuẩn nhất định, thì sẽ hạn chế những tác hại, ngăn chặn được sự suy thoái. Do đó, cũng giải thích được vì sao pháp luật có vị trí đặc biệt quan trọng trong vấn đề bảo vệ môi trường.