Giải pháp về chính sách quản lý

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG của PHÁP LUẬT VIỆT NAM về xử PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH vực bảo vệ môi TRƯỜNG và GIẢI PHÁP đề XUẤT (Trang 50 - 53)

Trước hết, chúng ta phải tìm ra các giải pháp phù hợp cho chính sách quản lý bảo vệ môi trường. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam đã đặt vị trí quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Quan điểm này đã được thể hiện ngay trong Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 26/6/1998: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Quyết định số 256/2003/QĐ-TTg, ngày 02/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 cũng nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân”. Như vậy cho thấy, công cuộc bảo vệ môi trường không thể do một mình Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm đương được, mà cần phải có sức mạnh tổng lực của toàn xã hội.

* Giải pháp về tổ chức

Công việc đầu tiên chúng ta nên làm là, lập ra các hội (không thuộc hệ thống cơ sở nào) mà thường là tập hợp các nhà chuyên môn trong một ngành nào đó, như lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường hay Luật… để tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tư vấn đào tạo và chuyển giao công nghệ, hoặc tìm ra các vướng mắc trong hệ thống pháp luật môi trường, để từ đó có những giải pháp cho chính sách quản lý. Tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tại các địa phương trong cả nước, thông qua các đề tai nghiên cứu, các dự án phát triển trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, thì dụ như Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam trong việc bảo vệ rừng và các khu bảo tồn thiên nhiên.

Nên hình thành và phát triển khu công nghiệp tái chế chất thải để tái sử dụng, phấn đấu tái chế các chất thải được thu gom, ngoài việc xử lý được các chất thải một cách hiệu quả thì còn có thể thu lại một khoản lợi nhuận đáng kể.

Bên cạnh đó, cộng đồng địa phương cũng có thể đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các Dự án Đầu tư Phát triển kinh tế- xã hội, nhất là những gì có tác động trực tiếp tới môi trường, tới sản xuất và đời sống của nhân dân ở tại đó. Vì vậy, thực hiện nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là một trong các biện pháp quan trọng để xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nên phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa giáo dục môi trường vào hệ thống giáo dục từ cấp Tiểu học, dạy các em có ý thức bảo vệ môi trường ngay từ bé, như: thế nào là một hành vi văn minh, lịch sự nơi công cộng, hay vấn đề tài nguyên môi trường hiện nay trong tương lai đang và sẽ suy giảm như thế nào, …

* Giải pháp về tài chính và công cụ kinh tế

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn cụ thể hơn việc xây dựng phương án đầu tư Ngân sách Nhà nước cho các hoạt động bảo vệ môi trường, đặc biệt là đẩy mạnh việc thành lập quỹ bảo vệ môi trường và được phép sử dụng các khoản thu phí từ môi trường cho một số hoạt động chuyên ngành. Như, đối với cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mà không có chi phí thực ngay, thì bố trí nguồn quỹ này cho các cơ sở đó khắc phục hậu quả, sau đó yêu cầu phải hoàn trả lại, nếu không thực hiện thì có biện pháp chế tài. Cũng đến lúc cần hoàn chỉnh chính sách về thuế môi trường bằng cách đánh thuế môi trường, thuế tài nguyên và phí môi trường. Tùy theo mức độ gây ô nhiễm, nếu gây ô nhiễm cao thì trả tiền cao để đóng góp vào phí cải tạo môi trường và ngược lại. Đây là nguồn vốn có được từ việc áp dụng các công cụ kinh tế, trong tương lai, có thể là nguồn vốn chủ yếu cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Và các nguồn vốn còn có thể huy động được cho hoạt động bảo vệ môi trường như:

+ Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương theo kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. + Nguồn vốn từ các Tổ chức Quốc tế (vốn tài trợ ODA).

+ Nguồn vốn từ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh. + Nguồn vốn từ quần chúng tự nguyện đóng góp.

* Giải pháp về nâng cao năng lực quản lý và phát triển công nghệ.

Cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy quản lý về môi trường các cấp cho phù hợp và hiệu quả hơn, cung cấp đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cho chuyên ngành môi trường, đồng thời mở rộng hệ thống quản lý đến cấp huyện, xã. Phát huy hơn nữa việc hợp tác, trao đổi thông tin giữa các đơn vị quản lý môi trường, giữa các Bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực và phẩm chất đảm đương nhiệm vụ trong thời kỳ mới này, phải đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho các bộ ngành môi trường.

Và các Bộ, ngành, địa phương phải nhanh chóng nâng cao năng lực quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất và ban hành Quy chế quản lý các khu công nghiệp. Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng nên có chỉ đạo cho ngành tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, bám sát thực tế, phối kết hợp với địa phương, đẩy mạnh cường độ thanh tra kiểm tra. Hiệu quả quản lý Nhà nước về môi trường nói chung, thi hành pháp luật môi trường nói riêng, phụ thuộc nhiều vào hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên sẽ giúp các chủ thể quản lý nắm được tình hình thực thi pháp luật môi trường của các đối tượng quản lý, qua đó, có thể đề ra các biện pháp tác động thích hợp đến từng đối tượng, như khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh thực hiện pháp luật môi trường, đồng thời phát hiện và uốn nắn kịp thời các đối tượng có biểu hiện sai phạm, định hướng hanh vi xử sự tích cực của

họ trong công tác bảo vệ môi trường. Và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về môi trường (mà trước hết là xử phạt hành chính) sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, răn đe các đối tượng có biểu hiện thiếu tôn trọng pháp luật. Ngoài ra, các hoạt động nêu trên còn giúp các cơ quan quản lý môi trường phát hiện ra những điểm bất hợp lý trong chính các quy định của pháp luật để từ đó có hướng điều chỉnh, bổ sung kịp thời cho phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng và sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội và tạo niềm tin cho thế giới về hệ thống của pháp luật Việt Nam.

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, cũng như, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong việc giải quyết các sự cố ô nhiễm môi trường, các rủi ro và suy thoái môi trường. Theo đó, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các địa phương trong việc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải thích hợp cho từng loại hình sản xuất. Từng bước thực hiện tin học hóa công tác quản lý môi trường, xây dựng và đưa vào sử dụng có hiệu quả các phần mềm như: phần mềm thu phí nước thải, phần mềm quản lý ô nhiễm công nghiệp,… Bổ sung các chính sách nhằm ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển dịch vụ môi trường.

* Giải pháp về xã hội

Cách tiếp cận mới trong quản lý môi trường đang thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan ban ngành và các cấp có liên quan hiện nay là chia sẻ thông tin môi trường với cộng đồng, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý, cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững, triển khai thử nghiệm nhiều hình thức trao đổi, phổ biến thông tin cho cộng đồng như: tổ chức các buổi tiếp xúc, trao đổi giữa cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ quan thông tin báo chí xây dựng trang wed giới thiệu dự án phát triển bền vững như trồng rừng hay bảo vệ đa dạng sinh học và phổ biến pháp luật, nhằm tăng cường sự hiểu biết của người dân, từ đó, cùng nhau bàn bạc tìm các giải pháp cải thiện môi trường. Đồng thời, thông qua phương tiện truyền thông công khai những doanh nghiệp nằm trong “danh sách đen” và khuyến khích người dân chỉ sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

* Giải pháp về hợp tác khu vực và Quốc tế

Môi trường Việt Nam liên quan chặt chẽ đến môi trường trong khu vực Đông Nam Á và môi trường toàn cầu, do đó vấn đề bảo vệ môi trường của nước ta cũng phải gắn kết, hợp tác với môi trường khu vực và thế giới thông qua các Hội nghị Quốc tế về môi trường, các chương trình song phương và đa phương về bảo vệ môi trường… Và nên học hỏi ở các nước có chính sách bảo vệ môi trường tốt, công nghệ tiên tiến, và đặc biệt là có hệ thống pháp luật môi trường chặt chẽ, có tính pháp lý cao, cụ thể là Nhật và Singgapo – hai quốc gia đứng đầu thế giới về môi trường xanh, sạch, đẹp.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG của PHÁP LUẬT VIỆT NAM về xử PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH vực bảo vệ môi TRƯỜNG và GIẢI PHÁP đề XUẤT (Trang 50 - 53)