7. Bố cục của luận văn
3.3.1. Những thuận lợi và khó khăn đối với hoạt động của Diễn đàn châu
châu Á Bác Ngao trong thời gian tới
Trải qua 12 năm hoạt động và phát triển, Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã và đang từng bước khẳng định vị trí và tầm quan trọng của mình trong quá
trình thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện được mục tiêu trở thành diễn đàn kinh tế trọng yếu của châu Á, Diễn đàn Bác Ngao đang đứng trước những thuận lợi hết sức cơ bản đó là:
Thứ nhất, những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã trở thành cơ sở và tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển của Diễn đàn. Có thể nói, cho đến nay, Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã và đang từng bước hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, nguyên tắc và cơ chế hoạt động. Bên cạnh đó, cùng với những hoạt động ngày càng thực chất hơn, Diễn đàn đang ngày càng phát huy vai trò và ảnh hưởng quan trọng của mình ở khu vực và trên thế giới. Đó là những thuận lợi cơ bản để Diễn đàn châu Á Bác Ngao tiếp tục theo đuổi những mục tiêu và phát huy vai trò, ảnh hưởng của mình.
Thứ hai, mặc dù hiện nay toàn bộ châu Á vẫn còn trong giai đoạn đầu của hội nhập kinh tế, nhưng điều quan trọng là các nước châu Á đã và đang tích cực tìm kiếm con đường hợp tác để cùng nhau phát triển. Các liên minh, liên kết khu vực như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á, Hội nghị cấp cao Đông Á và các cơ chế hợp tác khác đã được thiết lập và đạt được kết quả tích cực. Không chỉ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế mà trong những năm gần đây, quá trình hợp tác này đã diễn ra trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa… nhằm đưa khu vực phát triển một cách toàn diện hơn. Có thể thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa, tất yếu sẽ dẫn đến việc tăng cường hợp tác hơn nữa ở các khu vực, trong đó có châu Á. Xu thế phát triển này sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho các tổ chức hợp tác ở khu vực hoạt động và Diễn đàn châu Á Bác Ngao hứa hẹn sẽ đạt được nhiều thành tựu lớn.
Thứ ba, những thay đổi lớn hiện nay ở châu Á đã làm cho thế giới thay đổi cách nhìn về một châu lục từng phát triển đầy thăng trầm trong lịch sử. Về kinh tế, châu Á liên tục đạt được tăng trưởng đầy ấn tượng. Năm 2012, các
nền kinh tế châu Á chiếm 50% mức tăng trưởng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. Theo dự báo của ADB, kinh tế châu Á đã bắt đầu phục hồi mạnh sau khủng hoảng tài chính. Trong năm 2013, tăng trưởng khu vực gồm 45 nước sẽ đạt 6,6% và tăng lên 6,7% vào năm 2014 [37] Điều đáng nói, sự tăng trưởng này của châu Á diễn ra trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế thế giới, với việc nhiều nền kinh tế lớn vẫn đang vật lộn để thoát khỏi đà suy thoái. Điều này chứng tỏ sự phát triển kinh tế của châu Á trong những năm qua đã có một nền tảng vững chắc từ bên trong. Đặc biệt, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á như: Trung Quốc, Singapo, Ấn Độ, Đài Loan, Malaysia… đã thực sự trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế thế giới trong những năm qua. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay mặc dù có dấu hiệu giảm sút đà phát triển nhưng vẫn là nền kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển nhất trên thế giới. Sự phát triển ấn tượng này chứng tỏ châu Á đang ngày càng khai thác tốt hơn tiềm năng phát triển của mình. Quan trọng hơn, những bước đi về chiến lược phát triển của các nước trong khu vực đã tìm được điểm kết nối, từ đó có thể triển khai được các hành động cụ thể trên phạm vi toàn khu vực. Với những điều đã đạt được đó, một tương lai tươi sáng đang mở ra cho quá trình hợp tác trong khu vực.
Thứ tư, bên cạnh những điểm sáng về kinh tế, châu Á cũng được xem là khu vực có nền chính trị ổn định. Đây là một điều kiện cần thiết để đảm bảo vững chắc cho quá trình phát triển ở châu Á. Do vậy, một Diễn đàn hợp tác mang tầm khu vực như Diễn đàn châu Á Bác Ngao sẽ có điều kiện phát huy ảnh hưởng và tăng cường hoạt động.
Thứ năm, sự phát triển và ổn định của nước chủ nhà Trung Quốc cũng là một yếu tố quan trọng góp phần làm cho Diễn đàn châu Á Bác Ngao tiếp tục duy trì được sự ổn định và phát triển. Nhìn vào thành tựu và chính sách của Diễn đàn châu Á Bác Ngao cũng như nhu cầu hợp tác của Trung Quốc
hiện nay, chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của Diễn đàn mang tầm khu vực đầu tiên của châu Á.
Vấn đề tương lai phát triển của Diễn đàn châu Á Bác Ngao cũng luôn được các đại biểu tham gia diễn đàn quan tâm, nhất là trong bối cảnh đầy biến động và thăng trầm như hiện nay. Trong hội nghị thường niên diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2012, ngoài nội dung chính, các đại biểu cũng đã thảo luận sôi nổi về vấn đề này. Hội nghị này đã thẳng thắn trao đổi để tìm kiếm tương lai phát triển lâu dài cho Diễn đàn Bác Ngao. Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất nguyên tắc 5 điểm để thúc đẩy châu Á phát triển lành mạnh và bền vững, qua đó cũng đảm bảo tương lai lâu dài của Diễn đàn châu Á Bác Ngao:
"Thứ nhất, cần thúc đẩy nhân tố tăng trưởng từ bên trong: châu Á chiếm khoảng 45% dân số thế giới, có nguồn nhân lực chất lượng cao, tiềm năng phát triển của các quốc gia trong khu vực còn nhiều. Đây sẽ là các nhân tố cơ bản để châu Á mở rộng thương mại nội khối và hợp tác khu vực.
Thứ hai, cần tiếp tục chính sách mở cửa đều khắp: Duy trì chính sách mở cửa là yêu cầu thiết yếu để châu Á phát triển bền vững trong tương lai. Các quốc gia trong khu vực cần tăng cường sự tin cậy, học hỏi lẫn nhau, duy trì đối thoại và hợp tác về các vấn đề khu vực và toàn cầu (biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cải cách quản trị toàn cầu và hệ thống tài chính quốc tế). Mở cửa và hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia.
Thứ ba, cần theo đuổi chính sách cùng có lợi, cùng thắng: Trong bối cảnh mới, châu Á cần đẩy mạnh hơn nữa sự tham vấn và hợp tác, thúc đẩy tự do hóa thương mại và tạo thuận lợi cho đầu tư, phản đối tất cả các hình thức bảo hộ, nâng cấp kết nối và mạng lưới hạ tầng giao thông, viễn thông và năng lượng, làm sâu sắc thêm hợp tác khu vực và tiểu vùng.
Thứ tư, cần ủng hộ đoàn kết và phát triển hài hòa: Châu Á còn nhiều khác biệt về trình độ phát triển, cấu trúc xã hội, cũng như sự da dạng về văn hóa và dân tộc, do đó, sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau là đặc biệt quan trọng. Châu Á cần đặt trọng tâm trong việc duy trì công bằng xã hội và thực thi pháp luật khi theo đuổi phát triển kinh tế, giúp đỡ các khu vực kém phát triển và các nhóm yếu thế để đảm bảo thành quả của phát triển được chia sẻ công bằng.
Thứ năm, cần kiên trì phát triển hòa bình: Châu Á cần giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình, trên cơ sở tôn trọng lịch sử và tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc quốc tế. Nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không tìm kiếm bá quyền, phát triển thông qua hòa bình và hợp tác" [58]
Năm nguyên tắc mà Phó thủ tướng Trung Quốc đưa ra đã được đông đảo các đại biểu tham gia hội nghị nhất trí và cho rằng đây chính là con đường phù hợp nhất để tiếp tục đảm bảo tương lai tươi sáng cho khu vực châu Á, đồng thời cũng đảm bảo sự phát triển lâu dài cho Diễn đàn mang tầm khu vực đầu tiên này. Để hiện thực hóa điều này, các quốc gia ở châu Á nói chung và Diễn đàn Bác Ngao nói riêng còn nhiều việc phải làm để hướng tới một châu Á phồn vinh và thịnh vượng.
Bên cạnh những thuận lợi nói trên, sự phát triển của Diễn đàn châu Á Bác Ngao trong thời gian tới cũng sẽ gặp không ít những khó khăn, trở ngại có ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động cũng như phát huy vai trò tích cực của một diễn đàn mang tầm khu vực. Những khó khăn có thể thấy đó là:
Thứ nhất, cho đến nay Diễn đàn đã khá thành công trong việc thực hiện hội nhập và tăng cường giao lưu, trao đổi ở châu Á. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp khó khăn và thử thách do tính đa dạng và phức tạp của khu vực. Vốn là một khu vực đa dạng về văn hóa, lại có sự khác nhau về chế độ chính trị, đồng thời, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế khá cách biệt. Chính sự khác
biệt nói trên giữa các nước trong khu vực sẽ là một trong những yếu tố gây trở ngại cho việc thúc đẩy hợp tác thực chất và toàn diện ở châu Á. Theo đó, mục tiêu xây dựng Diễn đàn châu Á Bác Ngao thành “mái nhà chung châu Á” và là diễn đàn mang tầm khu vực sẽ khó có thể thực hiện được.
Thứ hai, do tính chất phi chính phủ và không bắt buộc, nên việc duy trì sự ổn định của các thành viên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao sẽ khó có được sự bền vững. Do đó, việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu mà Diễn đàn đề ra sẽ gặp không ít những trở ngại.
Thứ ba, sự biến đổi phức tạp và khó lường của các yếu tố phi kinh tế như văn hoá, lịch sử, môi trường, an ninh... của khu vực cũng sẽ có những tác động nhất định đến hợp tác kinh tế giữa các nước cũng như quá trình hướng đến nhất thể hóa châu Á mà Diễn đàn châu Á Bác Ngao đề ra.
Thứ tư, hiện nay các nước thành viên vẫn chưa hoàn toàn nhất trí về chiều hướng phát triển tiếp theo của Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Trung Quốc muốn Diễn đàn phát triển thành một tổ chức chặt chẽ, thực dụng hơn đáp ứng lợi ích của mình. Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn hướng tới việc xây dựng Diễn đàn không chỉ bao hàm các yếu tố kinh tế mà cả các yếu tố an ninh, chính trị. Trong khi đó, phần lớn các nước trong khu vực chỉ muốn duy trì Diễn đàn Bác Ngao ở mức diễn đàn, không thể chế hoá diễn đàn này thành một tổ chức, không đưa thêm các vấn đề chính trị, an ninh vào nội dung hoạt động. Chính vì sự khác biệt về nhận thức, quan điểm giữa các nước trong khu vực nên Diễn đàn châu Á Bác Ngao không thể phát triển nhanh như kì vọng của nhiều người.
Thứ năm, hiện nay, do chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, nên các quốc gia châu Á đã bắt đầu xuất hiện những tiếng nói không đồng nhất. Đồng thời, nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng đang theo đuổi các hiệp định thương mại tự do song phương và tiểu khu vực, dẫn đến sự lo
ngại về khả năng chia rẽ hệ thống thương mại đa phương. Nếu điều này diễn ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Diễn đàn châu Á Bác Ngao.
Thứ sáu, thách thức lớn nhất mà Diễn đàn châu Á Bác Ngao đang đối mặt là sự suy giảm niềm tin của các nước trong khu vực dành cho Diễn đàn. Điều này bắt nguồn từ vai trò và tham vọng ngày càng lớn của nước chủ nhà Trung Quốc đối với sân chơi khu vực này. Những động thái của Trung Quốc đang làm cho nhiều nước trong khu vực lo ngại và ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin dành cho Diễn đàn vốn đặt cố định tại Trung Quốc này. Vì vậy, để khẳng định được sự độc lập và trưởng thành của mình, các nhà lãnh đạo Diễn đàn châu Á Bác Ngao còn cần phải có sự nỗ lực niều hơn trong tương lai.