7. Bố cục của luận văn
1.3. Thành viên của Diễn đàn châ uÁ Bác Ngao
Hiện nay, Diễn đàn châu Á Bác Ngao có 191 thành viên chính thức, trong đó 26 thành viên tham dự Hội nghị thành lập Diễn đàn ngày 27/2/2001, gồm 25 nước châu Á (Bangladesh, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêsia, Nhật Bản, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Malaysia, Mông cổ, Mianma, Nepal, Pakistan, Philippine, Hàn Quốc, Singapore, Srilanka, Tajikistan, Thái Lan, Turmenistan, Uzbekistan, Việt Nam) và Austraylia. 26 thành viên sáng lập này được gọi là “26 nhà tài trợ”. Trong các hội nghị thường niên sau này, số lượng thành viên không ngừng tăng lên. Do xác định bản chất là một Diễn đàn mở nên hiện nay Diễn đàn Bác Ngao vẫn tiếp tục tiếp nhận thành viên tham gia.
Cũng giống như các tổ chức liên kết khu vực khác, dù không giới hạn thành viên tham gia nhưng Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã xây dựng Quy chế thành viên khá chặt chẽ.
Việc soạn thảo Quy chế thành viên được các nhà sáng lập xác định từ đầu và được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị trù bị thành lập Diễn đàn vào ngày 26/2/2001. Quy chế này được trình bày đầy đủ tại Chương III của Điều lệ Diễn đàn. Theo đó, về cơ bản, thành viên của Diễn đàn bao gồm thành viên
đầy đủ và thành viên tạm thời. Thành viên đầy đủ của Diễn đàn gồm: thành viên sáng lập, thành viên danh dự, thành viên kim cương và thành viên Platium. Bên cạnh đó, Diễn đàn còn thiết lập một hệ thống các thành viên tạm thời gồm: Thành viên bình thường và thành viên liên kết.
Trong mục Điều loại thành viên của Điều lệ Diễn đàn ghi rõ:
"- 26 thành viên sáng lập theo quy định được phân bổ (mỗi nước 2) gửi đến tham gia tất cả các hoạt động của Diễn đàn, bao gồm cả những hoạt động trước khi hội nghị chính thức diễn ra.
- Thành viên danh dự của Diễn đàn không quá 10 người, là những thành viên có đóng góp lớn trong quá trình phát triển của Diễn đàn (chủ yếu là các cá nhân, công ty và tổ chức).
- Thành viên kim cương và thành viên Platium tham gia tất cả các hoạt động của Diễn đàn, thành viên này được phê duyệt cho các cá nhân, các doanh nghiệp và tổ chức.
- Thành viên liên kết là những thành viên đến tham dự, quan sát cuộc họp thường niên của Diễn đàn và cả các hoạt động khác trong khuôn khổ Diễn đàn nhằm mục đích liên kết, hợp tác.
- Đối với thành viên liên kết, phải đóng một khoản chi phí để tham dự, quan sát cuộc họp thường niên của Diễn đàn và các hoạt động kinh doanh khác" [53].
Rõ ràng, do là một diễn đàn phi chính phủ, phi lợi nhuận nên Diễn đàn Bác Ngao khác với APEC ở chỗ: không giới hạn thành phần tham gia Diễn đàn (có thể là cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức), nhưng phải hoàn toàn chấp nhận những mục tiêu và nguyên tắc cơ bản được đề ra trong Tuyên bố Diễn đàn. Trong khi đó, thành viên của diễn đàn APEC dù là thành viên chính thức hay quan sát viên đều phải là cấp độ nhà nước, nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiếp giáp với bờ biển Thái Bình Dương.
Tuy nhiên trong quy chế của Diễn đàn châu Á Bác Ngao cũng nêu rõ những điều kiện đối với các cá nhân doanh nghiệp tổ chức muốn trở thành thành viên đầy đủ (chính thức) của Diễn đàn, đó là:
"- Có tinh thần sẵn sàng tham gia Diễn đàn; - Đồng ý tuân thủ quy định, điều lệ của Diễn đàn;
- Thành viên tham gia phải có một ảnh hưởng nhất định; - Thành viên diễn đàn phải sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ" [53].
Nếu trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn, các thành viên sẽ được ưu ái nhiều quyền lợi. Trong điều lệ Diễn đàn đã ghi rõ thành viên chính thức có các quyền sau đây:
"- Có quyền bỏ phiếu, quyền bầu cử trong Đại hội đồng và được bầu làm thành viên Hội đồng;
- Được đưa ra khuyến nghị trong Hội nghị thường niên của Diễn đàn và các sự kiện quan trọng khác;
- Ưu tiên được giao tiếp trực tiếp với các nhà lãnh đạo chính phủ, kinh doanh và học thuật;
- Được cung cấp những thông tin mới Diễn đàn, và ưu tiên dùng cơ sở dữ liệu Website thông tin kinh tế có thẩm quyền của Diễn đàn;
- Được thông qua các diễn đàn để thiết lập mạng lưới hoạt động tìm kiếm cơ hội kinh doanh;
- Có cơ hội tham gia "chẩn đoán doanh nghiệp" để tìm kiếm thông tin trợ giúp của Diễn đàn;
- Được đề xướng các vấn đề quan tâm để tổ chức các buổi hội thảo để mở rộng kinh doanh của mình; được cung cấp các kỉ năng phân tích thị trường và tư vấn pháp luật;
- Được tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo cán bộ;
- Có quyền ưu tiên đăng cai tổ chức các hoạt động khác của Diễn đàn hoặc tài trợ;
- Cho phép thưởng thức các lễ hội "Bác Ngao Forum Thành viên"; - Được hưởng các quyền khác theo quy định của Diễn đàn" [53]
Những quyền lợi trên rõ ràng đáp ứng được khá nhiều nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao lưu, học hỏi của các thành viên. Vì vậy, thành viên tham gia vào Diễn đàn ngày càng đông đảo hơn, không chỉ thu hút các công ty, tổ chức của các nước trong khu vực mà Diễn đàn đã thực sự trở thành một kênh trao đổi cấp cao mang tầm thế giới.
Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn châu Á Bác Ngao, ngày 2/4/2013, về phân bố địa lý, hiện nay Diễn đàn có 191 thành viên chính thức, trong đó thành viên ở châu Á chiếm 94% (179 thành viên), châu Âu chiếm 3%, châu Đại Dương chiếm 2% và châu Mỹ chiếm 2%. Riêng trong thành viên châu Á thì các thành viên của Trung Quốc đã chiếm đến 46%. Tỷ lệ đông đảo thành viên Trung Quốc này được thể hiện rất rõ trong từng thành phần thành viên của Diễn đàn như: thành viên Trung Quốc chiếm 62% trong thành viên danh dự và chiếm 45% thành viên kim cương [62]
Nhìn vào những số liệu này, chúng ta dễ nhận thấy, dù là một diễn đàn của châu Á và đang ngày càng khẳng định được vai trò của mình, nhưng Diễn đàn Bác ngao vẫn chưa thoát khỏi được cái bóng quá lớn của nước chủ nhà Trung Quốc. Do vậy, trong tương lai, Diễn đàn sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế điều lệ thành viên để nguyên tắc cân bằng địa lý thực sự phát huy, tạo niềm tin cho các nước châu Á.
Tiểu kết chương 1
Cũng như nhiều tổ chức liên kết, hợp tác khu vực khác, Diễn đàn châu Á Bác Ngao từ lúc “thai nghén” cho đến khi ra đời chịu tác động của nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Trong đó, xu hướng toàn cầu hóa và khu vực hóa đã chi phối mạnh mẽ quá trình ra đời của tổ chức này. Mặt khác, Diễn đàn Bác Ngao ra đời trong một thời điểm nhạy cảm, khi nhân loại bắt đầu bước vào thế kỉ mới - một thế kỉ mà nhiều người kì vọng sẽ là "Thế kỉ toàn cầu". Thời cơ mới đang mở ra cho từng quốc gia, khu vực và châu Á với những nét phát triển đặc sắc trong những thập niên trước được thế giới kì vọng nhiều nhất. Chính vì vậy, sự ra đời của Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã mang một trọng trách rất lớn đối với sự cất cánh của khu vực trong thế kỉ mới. Người dân châu Á cũng rất tự tin vào tương lai tươi sáng của mình. Trong hội nghị thường niên lần thứ nhất của diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch Trung Quốc Chu Dung Cơ đã phát biểu lạc quan về tương lai của khu vực: "Nhân dân châu Á cần cù và thông minh, có ý chí tự cường vươn lên, đó chính là bảo vật quan trọng để châu Á giành được những thành tựu huy hoàng trong quá khứ và sáng tạo nên ngày mai xán lạn. Nhân dân Trung Quốc nguyện cùng chung sức với nhân dân các nước châu Á, cùng nắm tay mở ra tương lai tươi đẹp cho châu Á trong thế kỉ mới" [25]. Những nhân tố trên vừa ra tạo những nền tảng thuận lợi nhưng cũng là một thách thức lớn đối với tổ chức mang tầm khu vực đầu tiên của châu Á này.
Bên cạnh đó, diễn đàn châu Á Bác Ngao lại ra đời trong bối cảnh môi trường liên kết hợp tác ở khu vực đang hết sức sôi động với nhiều tổ chức, hội nghị, diễn đàn đã và đang tạo dựng được vai trò và chổ đứng của mình. Những cái tên như: APEC, ASEM… đã trở nên hết sức quen thuộc trong các hoạt động liên kết hợp tác ở châu Á. Vì vậy, diễn đàn Bác Ngao phải nổ lực rất nhiều mới xác định được vai trò trọng yếu của mình ở khu vực châu Á.
Và để thực hiện được mục tiêu, ngay trong những hội nghị đầu tiên, các nhà lãnh đạo Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã từng bước xây dựng và hoàn thiện về tổ chức, xác định nguyên tắc và cơ chế hoạt động của Diễn đàn. Đây chính là những bước đi ban đầu, tạo nền tảng cho quá trình hoạt động tiếp theo của Diễn đàn. Phó thủ tướng Trung Quốc Tiền Kì Tham tại hội nghị thành lập Diễn đàn cũng đã khẳng định: "Tôi tin rằng, Diễn đàn châu Á với tôn chỉ bình đẳng, có ưu tiên ưu đãi cho nhau, hợp tác các bên cùng thắng sẽ thắt chặt, tăng cường và mở rộng hiểu biết, hợp tác, hữu nghị giữa châu Á và nhân sĩ các giới quan tâm đến châu Á" [24].
Chương 2
QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA DIẾN ĐÀN CHÂU Á BÁC NGAO TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2012