Nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển của diễn đàn châu á bác ngao ( 2001 2012) luận văn thạc sĩ khoa học lịch sử (Trang 58 - 60)

7. Bố cục của luận văn

2.2.2. Nhiệm vụ và mục tiêu hoạt động

Đến năm 2005, trải qua một chặng đường thử nghiệm và hoạt động đầu tiên, Diễn đàn châu Á Bác Ngao đã thực sự góp phần làm cho sân chơi hợp tác khu vực ngày càng phong phú, đa dạng hơn. Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng từng bước thể hiện được những nét riêng biệt so với các diễn đàn và tổ chức khác trong khu vực và trên thế giới.

Ra đời trong bối cảnh khu vực đang có nhiều diễn đàn hợp tác tiểu khu vực, liên khu vực, nên ngay từ giai đoạn đầu sau khi thành lập, Diễn đàn Bác Ngao đã thể hiện được “bản sắc” riêng của mình. Bản sắc ấy chính là sự phản ứng nhạy bén, kịp thời trước những biến đổi của tình hình khu vực và thế giới. Chính điều này khiến Diễn đàn ngày càng trở thành “thỏi nam châm” thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Phát biểu tại Hội nghị thường niên của diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2005, Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng đã khẳng định: "Tổ chức này đang ngày càng trở thành sân chơi quan trọng để giới chính trị, giới công thương, giới học thuật của các nước tiến hành đối thoại, mở rộng giao lưu, mở rộng cùng tin cậy và thúc đẩy hợp tác trong khu vực châu Á. "[49].

Để tạo được sự tin cậy của cộng đồng quốc tế, Diễn đàn châu Á Bác Ngao luôn xác định đúng nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động ngắn hạn cũng như dài hạn trong tổng thể mục tiêu chung. Trong giai đoạn 2005 - 2008, các nhà lãnh đạo của Diễn đàn đã đưa ra những nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động cơ bản là:

- Về nhiệm vụ: nhận định đúng vai trò ngày càng lớn của châu Á, đặc biệt là việc duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở khu vực đối với sự ổn định chung của thế giới. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của Diễn đàn Bác Ngao từ năm 2005 là đẩy mạnh vấn đề nhất thể hoá châu Á. Để làm được điều này, các nước châu Á phải nỗ lực để duy trì được sự cân bằng, ổn định và bền vững

của tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó mới tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế châu lục.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, hoạt động của Diễn đàn châu Á Bác Ngao từ năm 2005 đến 2008 sẽ góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản như:

Thứ nhất: Giải quyết nội bộ các vấn đề của châu Á trên tinh thần tất cả các nước châu Á đều giành thắng lợi.

Thứ hai: Tiếp tục tạo dựng quan hệ hợp tác đối tác của các nước châu Á trên mọi lĩnh vực, mà trước hết là tiến hành thúc đẩy nhất thể hoá mậu dịch.

Bên cạnh đó, từ năm 2005, sau khi đã đi vào hoạt động ổn định, Diễn đàn châu Á Bác Ngao xác định mục tiêu và nhiệm vụ của mình là phải trở thành diễn đàn quan trọng nhất trong việc thúc đẩy hợp tác, phát triển và phồn vinh ở châu Á.

Nhìn lại toàn cảnh bức tranh liên kết, hợp tác khu vực trong những năm đầu thế kỉ XXI, chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong bức tranh muôn màu đó, vị trí của Diễn đàn châu Á Bác Ngao vẫn còn khá khiêm tốn. Trong khi đó, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương không ngừng phát triển và ngày càng có vai trò quan trọng trong hợp tác giữa các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặc dù còn chịu sự chi phối lớn từ các nước như Mỹ, nhưng APEC vẫn đang là diễn đàn có tiếng nói quan trọng nhất ở khu vực. Ngoài ra, các kênh đối thoại như ASEM, Đông Á… vẫn đang phát huy tác dụng lớn và thu hút sự tham gia đông đảo của các nguyên thủ cấp cao ở châu Á… Trong khi đó, sau 5 năm ra đời, dù được nước chủ nhà Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ và ra sức khuyếch trương, nhưng tầm ảnh hưởng của Diễn đàn Bác Ngao vẫn còn hạn hẹp, các đại biểu tham gia chủ yếu vẫn đang ở mức thăm dò, quan sát. Vì vậy, để trở thành một diễn đàn trọng yếu ở châu Á, Diễn đàn Bác Ngao còn rất nhiều việc phải làm ở tầm vĩ mô và vi mô. Chính vì thế việc xác định mục tiêu và nhiệm vụ nêu trên để Diễn đàn hoạt động ngày càng hiệu quả hơn là điều cần thiết, có ý nghĩa.

Về mục tiêu, dù ở trong bất cứ giai đoạn phát triển nào, Diễn đàn châu Á Bác Ngao vẫn luôn phấn đấu xây dựng thành một diễn đàn chất lượng cao mang đậm sắc thái châu Á. Trong những năm 2005 - 2008, Diễn đàn tiếp tục đẩy mạnh đối thoại, hợp tác để cung cấp cho các chính phủ, các doanh nghiệp và học giả những vấn đề nổi bật ở châu Á và thế giới. Đồng thời, Diễn đàn khuyến khích sự tham gia của các chính phủ và tổ chức ngoài khu vực.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc tổ chức các hội nghị thường niên và hội thảo quốc tế, từ năm 2005, hàng năm, Diễn đàn châu Á Bác Ngao đều xuất bản báo cáo "Quá trình hội nhập kinh tế của châu Á". Báo cáo này cung cấp các thông tin mới nhất về hội nhập kinh tế trong khu vực và những đề xuất chính sách mới nhất để thúc đẩy hơn nữa quá trình này. Ngoài ra, mỗi năm Diễn đàn cũng đưa ra báo cáo "Các nền kinh tế mới nổi châu Á" và "Báo cáo năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế châu Á". Với những phân tích chính xác, kịp thời, các báo cáo này là những tài liệu tham khảo có giá trị cho các chính phủ, các doanh nghiệp châu Á trong quá trình phát triển.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển của diễn đàn châu á bác ngao ( 2001 2012) luận văn thạc sĩ khoa học lịch sử (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(141 trang)
w