7. Bố cục của luận văn
1.2.3. Cơ chế hoạt động của Diễn đàn châu Á Bác Ngao
Ra đời trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hoá, khu vực hoá ngày càng có chuyển động rõ nét, nhu cầu liên kết, hợp tác trong khu vực ngày càng bức thiết, nên Diễn đàn châu Á Bác Ngao trở thành tổ chức đầu tiên lấy châu Á làm cơ sở, hoạt động vì sự phát triển và thịnh vượng của các nước thành viên châu Á. Diễn đàn ra đời chính là sự bổ sung hữu ích cho Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Diễn đàn kinh tế thế giới DAVOS (Thụy Sĩ). Tinh thần của Diễn đàn được xác định là chia sẻ lợi ích, giao lưu tích cực, ưu ái chân thành, nên hơn 10 năm qua Diễn đàn đã trở thành sân khấu giao lưu chính của giới doanh nghiệp, học thuật, quan chức chính phủ trong khu vực nhằm tìm kiếm phương thức phát triển của châu Á.
Tuyên bố Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2001 đã xác định: “Diễn đàn là một tổ chức hội nghị quốc tế phi chính phủ, phi lợi nhuận được tổ chức một cách thường xuyên để giải quyết các vấn đề quốc tế “[28]. Để đạt được điều này, ngay từ đầu, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất cơ chế
hoạt động của Diễn đàn. Cơ chế hoạt động của Diễn đàn cũng được trình bày rõ trong Tuyên bố của Diễn đàn và tiếp tục được hoàn thiện trong quá trình hoạt động sau này.
Ngay từ khi thành lập, cơ chế hoạt động của Diễn đàn châu Á Bác Ngao được xác định là mỗi năm tổ chức hội nghị thường niên một lần tại địa điểm cố định Bác Ngao. Bên cạnh đó, Tuyên bố của Diễn đàn còn nêu rõ: Đại hội đồng là cơ quan cao nhất của Diễn đàn sẽ được tổ chức mỗi năm một lần để thảo luận về các chủ đề nổi bật của châu Á.
Như vậy, khác với các tổ chức và diễn đàn khu vực khác, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, thành viên của hội nghị thường niên rất phong phú, đa dạng. Là một diễn đàn phi chính phủ nên quan chức cấp cao các chính phủ tới dự có phần hạn chế, chủ yếu là cấp Bộ trưởng phụ trách vấn đề kinh tế. Thành viên đông đảo nhất trong các hội nghị là giới doanh nhân, đại diện các tập đoàn, các công ty lớn ở châu Á và trên thế giới. Trong hội nghị thường niên đại biểu giới doanh nhân luôn chiếm khoảng 3/4 số đại biểu tham dự hội nghị.
Mặc dù mỗi năm chỉ tổ chức hội nghị toàn thể một lần nhưng trong khuôn khổ của hội nghị có rất nhiều cuộc thảo luận về các vấn đề nổi bật của châu Á và thế giới. Ngoài các cuộc hội nghị bên lề để các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực tiến hành giao lưu và tìm hiểu lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác phát triển ở châu Á, trong chương trình nghị sự của các hội nghị hàng năm còn tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa quan chức chính phủ các nước để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và giải quyết những vấn đề các bên cùng quan tâm.
Diễn đàn châu Á Bác Ngao không có cơ chế ràng buộc chặt chẽ thành viên, nhưng nếu trở thành thành viên chính thức, Diễn đàn sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho thành viên khi đến tham dự các hoạt động hàng năm. Quan trọng hơn, với cơ chế hoạt động linh hoạt, Diễn đàn đã và đang trở thành một sân khấu giao lưu, thu hút ngày càng đông đảo các thành viên tham gia.
Bên cạnh cơ chế hoạt động không ràng buộc nêu trên, Diễn đàn châu Á Bác Ngao cũng xây dựng được điều luật hoạt động của Diễn đàn. Tuyên bố thành lập Diễn đàn năm 2001 nêu rõ: Diễn đàn hoạt động dựa trên pháp luật của nước chủ nhà CHND Trung Hoa, tôn trọng phong tục xă hội và đạo đức của các nước thành viên. Ngôn ngữ chính của Diễn đàn là tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Đặc biệt, bản Tuyên bố chỉ rõ: “Diễn đàn chú ý đến, mặc dù các nước châu Á có tính đa dạng, phong phú song các nước thống nhất về mục tiêu tranh thủ bình đẳng và duy trì phát triển, các nước đều có nguyện vọng và quyết tâm tiến lên” [28]