II. Giải pháp cho đầu tư phát triển tại DNNN
2. Giải pháp dành cho các DNNN
2.1. Giải pháp nâng cao hiệu quả trong đầu tư vào tài sản cố định
Đầu tư XDCB là hoạt động nhằm tái tạo tài sản cố định của doanh nghiệp. Hoạt động này đòi hỏi vốn lớn chiếm tỷ lệ cao trong đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Thứ nhất, gắn trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư của công trình. Trong đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn nhà nước, tình trạng yếu kém trong quản lý, gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, làm giảm hiệu quả đầu tư được phân chia tới mỗi cá nhân, tổ chức liên quan đến khâu thực hiện. Cụ thể, đó là trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan đến việc đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư của công trình, trong đó bao gồm cả trách nhiệm của chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, đơn vị khảo sát thiết kế và đơn vị thi công.
Thứ hai, giảm bớt thấp nhất các phí tổn về vốn và tối thiểu hoá lượng vốn sử dụng cho việc sản xuất ra một đơn vị sản lượng, hoặc thực hiện một khối lượng dịch vụ nhất định. Do đó, cần khai thác các nguồn vốn khác nhau, đặc biệt nguồn vốn nợ, vì đó là một nguồn vốn đòi hỏi tưong đối thấp đối với các doanh nghiệp và tạo khả năng mang lại thu nhập cao hơn. Ngoài ra, cần tìm các biện pháp giảm bớt nhu cầu về vốn, như giảm nhu cầu về vốn dự trữ, giải quyết tốt khâu thanh toán, rút ngắn chu kì sản xuất trong phạm vi công nghệ cho phép.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản cố định.Muốn nâng cao hiệu quả đầu tư không cách nào hay hơn nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản được đầu tư. Mà muốn nâng cao hiệu quả thì cần khai thác tối đa năng suất, giảm thời gian tác nghiệp, hợp lý hoá dây chuyền công nghệ, đảm bảo nghiêm ngặt chế độ duy tu bảo dưỡng máy móc thiết bị, áp dụng chế độ khuyến khích vật chất và trách nhiệm đối với quản trị và sử dụng tài sản cố định. Đồng thời doanh nghiệp cần tổ chức tốt quá trình sản xuất theo nguyên tắc cân đối, nhịp nhàng và liên tục.
Trong đó yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng khó thực hiện nhất là khai thác tối đa công suất. Nguyên nhân của dây chuyền không hoạt động hết công suất chủ yếu là do sự khác biệt giữa công suất và cầu thị trường. Để khắc phục vấn đề này doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, đẩy mạnh công tác Marketing, mặt khác tích cực tìm kiếm thị trường, vươn ra thị trường xuất khẩu để ổn định sản xuất kinh doanh do thị trường nước ngoài thường có nhu cầu lớn.
Thứ tư, tăng cường đầu tư đổi mới tài sản cố định đặc biệt là đổi mới, hiện đại hoá máy móc thiết bị phục vụ trực tiếp cho sản xuất. Đa số các DNNN nước ta hiện nay trang bị những máy móc kém chất lượng, lạc hậu cũ kĩ dẫn đến sản phẩm sản xuất ra có chất lượng thấp, chi phí cao, mẫu mã không phù hợp do đó không cạnh tranh đựơc với hàng hoá của tư nhân, của nước ngoài, không tạo được thương hiệu cũng như chỗ đứng trên thị trường. Vì thế nên nhu cầu vốn của các doanh nghiệp để hiện đại hóa máy móc, phát triển công nghệ là rất lớn. Trong khi hiện tại Nhà nước đang cắt giảm dần ngân sách cho các DNNN để tăng tính tự chủ, vốn từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng thì có lãi suất cao gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp.
Như vậy các doanh nghiệp cần phải tìm tòi, nghiên cứu xây dựng các dự án phương án đầu tư tối ưu có hiệu quả cao nhất nhằm nhận được vốn đầu tư của Nhà nước, có lợi nhuận trên vốn lớn (IRR > r) để có thể sử dụng các khoản vay ngân hàng. Một giải pháp hiệu quả khác là phải mở rộng quan hệ tích cực tìm kiếm các đối tác đặc biệt là đối tác nước ngoài nhằm huy động nguồn vốn của họ thông qua các trang thiết bị hiện đại tiên tiến có năng suất hiệu quả cao, cũng như tiếp thu kĩ thuật - kinh nghiệm quản lý.