9. Phương pháp nghiên cứu
1.2.1 Khái niệm Công tác xã hội
Thuật ngữ công tác xã hội được dùng khá rộng rãi để chỉ các hoạt động (các tổ chức, đoàn thể) từ những hình thức giúp đỡ, hỗ trợ cá nhân thiếu hụt chức năng xã hội. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định rằng, CTXH là một ngành khoa học và là một nghề chuyên môn.
Từ khi ra đời đến nay, có rất nhiều các khái niệm khác nhau về CTXH, trong đó nổi bật lên là các khái niệm sau :
Theo Hiệp hội Quốc gia NVCTXH (NASW): Công tác xã hội là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ các cá nhân, nhóm hay cộng đồng để nhằm nâng cao hay khôi phục tiềm năng của họ để giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ (Zastrow, 1996: 5).CTXH tồn tại để cung cấp các dịch vụ xã hội mang tính hiệu quả và nhân đạo cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và xã hội giúp họ tăng năng lực và cải thiện cuộc sống (Zastrow, 1999) [13,98]
Theo Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế (IFSW) tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, vào tháng 7/2000: CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, việc giải quyết các vấn đề trong các mối quan hệ con người và sự tăng quyền lực và giải phóng người dân nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái, dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con
người và hệ thống xã hội, CTXH can thiệp ở các điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ. Nhân quyền và công bằng xã hội là các nguyên tắc căn bản của nghề.CTXH dưới nhiều hình thức đa dạng của nó, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và các môi trường của họ. Sứ mạng của nó là tạo năng lực giúp người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa các trục trặc. CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên CTXH (hay được gọi là nhân viên xã hội –NVXH) là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. CTXH là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.
Theo Foundation of Social Work Practice ( Cơ sở thực hành công tác xã hội): công tác xã hội là một khoa học ứng dụng để giúp đỡ mọi người vượt qua khó khăn của họ và đạt được vị trí ở mức độ phù hợp trong xã hội. Công tác xã hội được coi như là một môn khoa học vì nó dựa trên những luận chứng khoa học và những cuộc nghiên cứu đã được chứng minh, nó cung cấp một lượng kiến thức có cơ sở thực tiễn cho công tác xã hội và xây dựng những kĩ năng chuyên môn hoá [30,99]
Theo quan niệm của các học giả Trung Quốc: công tác xã hội là 1 sự nghiệp và môn khoa học chuyên ngành của nhà nước và xã hội để giải quyết và dự phòng những vấn đề xã hội nảy sinh do thành viên xã hội thiếu khả năng thích ứng với cuộc sống xã hội hay mất thăng bằng với các chức năng xã hội. Tính năng của nó là điều chỉnh quan hệ xã hội, cải thiện chế độ xã hội, đẩy mạnh xây dựng xã hội, thúc đẩy sự phát triển ổn định của xã hội thông qua phục vụ xã hội và quản lí xã hội [30,44].
Theo F.LuLu Pablo - Bộ trưởng bộ xã hội Philippin, chuyên gia tư
vấn cho dự án “ Tư pháp vị thành niên” của Radda Barnen: công tác xã hội
giúp con người giải quyết những vấn đề của cá nhân, của nhóm (đặc biệt gia đình), của cộng đồng và để đạt được những mối quan hệ thoả đáng về cá nhân, nhóm, cộng đồng thông qua các hoạt động xã hội như: công tác xã hội cá nhân, công tác xã hội nhóm, tổ chức cộng đồng, quản lý xã hội và nghiên cứu [33,98].
Theo Crouch.R.C: Công tác xã hội là sự cố gắng hỗ trợ những người không làm chủ các phương tiện sinh tồn biết tiếp cận được với chúng và đạt được mức độ độc lập cao nhất có thể được.
Theo Joanf Robertson – chủ nhiệm khoa công tác xã hội trường Đại học Wisconsin – Hoa Kỳ: công tác xã hội là một quá trình giải quyết vấn đề hợp lý nhằm thay đổi theo kế hoạch, hướng tới mục tiêu đã đề ra ở các cấp độ cá nhân, gia đình, nhóm, tổ chức, cộng đồng và chính sách xã hội
Theo Cố Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh (trích từ tài liệu hội thảo 2004): Định nghĩa cổ điển: CTXH nhằm giúp cá nhân và cộng đồng TỰ GIÚP. Nó không phải là một hành động ban bố của từ thiện mà nhằm phát huy sứ mệnh của hệ thống thân chủ (cá nhân, nhóm và cộng đồng) để họ tự giải quyết vấn đề của mình.
Theo đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam: CTXH góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của thân chủ xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Có nhiều khái niệm, quan điểm khác nhau về công tác xã hội vừa trình bày trên, chúng ta có thể nội hàm cơ bản của CTXH qua những nội dung cơ bản sau:
- Tính chất hoạt động: Có tính chuyên nghiệp và ở trình độ phát triển cao
- Nguyên lý và phương thức hoạt động: Dựa vào quyền con người và mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh xã hội của họ.
- Đối tượng tác động: Giúp đỡ cá nhân, gia đình, nhóm người, cộng đồng và cả xã hội đạt được sự thay đổi và giải quyết được vấn đề. - Mục tiêu của việc tác động: Vì hạnh phúc của người dân và an sinh
của xã hội.
Như vậy, từ những khái niệm, quan niệm trên, chúng ta thấy rằng: CTXH không chỉ đơn thuần là hoạt động cứu trợ, giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn mà cần xem công tác xã hội như là “những hoạt động chuyên nghiệp nhằm mục đích giúp đỡ các cá nhân, nhóm và cộng đồng trong hoàn cảnh khó khăn, để họ phục hồi chức năng hoạt động trong xã hội và để tạo điều kiện thuận lợi cho họ đạt được những mục đích của cá nhân”. Những hoạt động này cần đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc và qui điều đạo đức của ngành.
Từ những phân tích trên, trong nghiên cứu của mình, chúng tôi sử dụng khái niệm sau:
Công tác xã hội được định nghĩa như là một khoa học, một nghề chuyên nghiệp, hoạt động áp dụng những kiến thức, quan điểm xã hội và kỹ năng chuyên môn để thực hiện chỉ thị của xã hội trong việc cung cấp các dịch vụ đảm bảo sự an sinh và đáp ứng nhu cầu của các thành viên. Công tác xã hội tìm cách tăng cường chức năng xã hội của cá nhân và nhóm bằng các hoạt động tập trung vào các quan hệ xã hội của họ, tạo nên sự tương tác giữa con người với môi trường xung quanh.