Xuất phát từ nhận thức ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, Nhà nước đã đầu tư nhiều vốn và công
sức để phát triển công nghiệp. Nhằm thực hiện nhiệm vụ: “trang bị cho lao động cả
nước, trước hết là lao động nông nghiệp và công nghiệp nhẹ có đủ các loại công cụ với trình độ kỹ thuật khác nhau, từ thô sơ đến hiện đại, tùy theo từng ngành và từng loại công việc, để gấp rút đưa năng suất lao động xã hội lên ít nhất gấp đôi, gấp ba năng suất
lao động hiện nay” [18, tr.98], Nhà nước đã đầu tư xây dựng và mở rộng hàng loạt các
nhà máy điện, cơ khí, hóa chất…Ngành cơ khí trong thời gian này đã đi sâu nghiên cứu chế tạo các loại công cụ cày, bừa, cấy, gặt, các loại máy xúc, sàng liên hợp, khoan tiện, cắt xén…Nhiều loại máy móc của ngành công nghiệp nặng đã được ứng dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước. Sự phát triển của công nghiệp nặng có tác dụng kích thích công nghiệp nhẹ và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phát triển. Việc khôi phục, mở rộng nhà máy Diêm Thống Nhất, thuốc lá Thăng Long, gỗ Cầu Đuống, cá hộp Hải Phòng, Nhà máy Dệt Nam Định cũng như việc khởi công xây dựng. Nhà máy đường Vạn Điểm, Nhà máy giấy Việt Trì, Nhà máy dệt 8-3, Nhà máy nhựa Tiền Phong…đã góp phần đáp ứng được một phần những nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Cuộc vận động “hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hạ
giá thành sản phẩm” đã được 12,5 vạn công nhân, viên chức trên toàn miền Bắc tích cực
mang lại cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa nguồn sinh khí mới. Nhà máy cơ khí Hà Nội đã
phát động phong trào “Đuổi và vượt năng suất cao”, phấn đấu trở thành con chim đầu
đàn của ngành công nghiệp thủ đô. Ngành vận tải quốc doanh đường thủy thi đua “Kéo
và vượt trọng lượng”. Khu gang thép Thái Nguyên xây dựng mẫu hình “Đội kỵ binh vượt
chỉ tiêu năng suất, chất lượng”,v.v. Trong rừng hoa thi đua nở rộ muôn sắc trên mặt trận
công nghiệp, phong trào thi đua lao động sản xuất của Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) nổi lên bật nhất.
Từ cuối năm 1960 về trước, Nhà máy cơ khí Duyên Hải với số lượng máy móc cũ kỹ và chỉ tiêu sản xuất từ trên đưa xuống, công nhân chỉ làm việc cầm chừng, cốt sao chỉ hoàn thành kế hoạch trong năm, còn năng suất, chất lượng, hiệu quả là điều mà ít ai nghĩ đến. Sau khi học tập quán triệt đường lối phát triển công nghiệp do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đề ra, tháng 10 năm 1960, đảng ủy Nhà máy đã phát động phong trào “hiến kế” cải tiến kỹ thuật. Qua hai tháng vận động, toàn nhà máy có 70 sáng kiến rút ngắn công đoạn chế tạo bừa, xúc, sàng liên hợp, không khí thi đua trong nhà máy sôi động hẳn lên.
Đầu năm 1961, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được Nhà nước giao, lãnh đạo nhà
máy đã mở hội thi đua “Thao diễn kỹ thuật mùa xuân” kêu gọi đảng viên, đoàn viên,
công đoàn… “người người thao diễn, ngành ngành thao diễn, đứng máy nào thao diễn
máy ấy, dùng dụng cụ nào thao diễn dụng cụ ấy, sản xuất mặt hàng nào thao diễn mặt hàng ấy” nhằm phát huy quyền làm chủ, sáng tạo trong lao động, cải tiến rút ngắn các công đoạn thao tác, hợp lý hóa sản xuất, đưa năng suất, chất lượng lên cao.
Sau hai đợt thao diễn kỹ thuật, công nhân và cán bộ nhà máy cơ khí Duyên Hải đã đạt nhiều kết quả tốt: phát huy 250 sáng kiến; phân xưởng đúc có sáng kiến nấu gang một tuần được 6 lần tăng gấp 3 lần so với trước; vượt 623 chỉ tiêu và hầu hết được đưa vào sản xuất thường xuyên như tiện thân bơm trước 35 giờ nay chỉ còn 4 giờ 30 phút, đúc máy mài trước 21 giờ nay chỉ còn 8 giờ…; cải tạo 49 máy thô sơ, lạc hậu thành máy có công suất và độ chính xác cao; tự sản xuất một số dây chuyền dùng để sản xuất hàng loạt mặt hàng mới như máy bơm, máy mài, máy cưa và sản xuất máy hơi nước 75 sức ngựa…Chính nhờ vậy mà nhà máy đã không ngừng tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Năm 1961, nhà máy đã hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch Nhà nước giao
trước thời hạn 3 tháng 20 ngày, tiếp đó hoàn thành kế hoạch bổ sung tăng 36% trước thời hạn 50 ngày. So với năm 1960, giá trị tổng sản lượng của nhà máy năm 1961 tăng lên 331%, năng suất lao động tăng 263%, sản phẩm chủ yếu tăng 547%, thương phẩm tăng 288%. Cùng với việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế cấp trên giao, công tác phát triển đảng, đoàn của nhà máy cũng đã thu được nhiều kết quả. Tính đến giữa tháng 11 năm 1961, nhà máy đã kết nạp được 33 đảng viên, 41 đoàn viên, 133 đoàn viên công đoàn, đào tạo được 100 thợ có tay nghề cao [5, tr. 60]. Nhà máy đã trở thành ngọn cờ đầu của phong trào thi đua trên mặt trận công nghiệp.
Sáng kiến mở hội thao kỹ thuật của nhà máy cơ khí Duyên Hải được công nhân
khắp nơi hưởng ứng sôi nổi. Hơn 500 xí nghiệp [5, tr.61], công trường, nhà máy ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Việt Trì, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai, Cao
Bằng, Nghệ An…đã phát động phong trào “Học tập Duyên Hải, thi đua với Duyên Hải”.
Xí nghiệp than Đèo Nai trước đây dùng xe ô tô và xe goòng chở than đi đường vòng, nay do hợp lý hóa dây chuyền vận tải, làm hệ thống máng đi đường thẳng, rút bớt được 190 công nhân, 10 ô tô, 200 xe gòng, 11.000 thước đường sắt, mỗi ngày vận chuyển thêm được 1.500 tấn than, hạ giá thành vận chuyển được 5.400 đồng. Ở nhà máy Dệt Nam Định, một số chị em công nhân đã hợp lý hóa đường đi kiểm tra máy, giải quyết hợp lý và khẩn trương các trường hợp nhiều mày cùng bị đứt sợi, từ chỗ một người đứng 12 máy nay đứng được 14 máy. Ở công trường 209, do sắp xếp tổ chức lao động, phân công hợp lý đã rút được 10 công nhân trong việc điều khiển máy trộn bê-tông 400 lít, sáng kiến này được áp dụng rộng rãi trong các công trường, giảm được hàng trăm công nhân. Tổ đá nhỏ ca A (nhà máy xi măng) sử dụng hợp lý lao động, máy móc, xe ô tô và cải tiến máng chuyển đá, đã rút số công nhân từ 81 người xuống 12 người. Xí nghiệp vận tải ô tô Hà Nội, do áp dụng vận trù học, đã tiết kiệm được 5 vạn 4 nghìn lít dầu xăng [49, tr. 9- 10].
Công nhân và cán bộ ở các xí nghiệp cơ khí đã gắng công nghiên cứu, sản xuất được nhiều loại máy mới máy phay, máy nổ, đi-ê-den, máy hơi nước, máy ga, máy bơm nước, máy phát điện, máy tiện nặng 6 tấn, quạt lò cao,v.v…là những máy từ trước ta chưa sản xuất bao giờ. Không những các xí nghiệp chế tạo cơ khí sản xuất được máy móc mới mà các xưởng sửa chữa cơ khí cũng sản xuất được nhiều loại máy để trang bị cho xí
nghiệp mình như: máy cắt tôn, máy uốn lò so, máy sàng rửa than, máy làm vành bánh ô tô, máy dập, máy cưa, máy dệt tự động, máy nghiền bột giấy, máy xeo giấy… Các nhà máy cơ khí tăng tốc độ cắt gọt và bước đầu chế tạo theo phương pháp gá lắp, đã tăng năng suất của nhiều máy công cụ từ 2 lần đến 3 lần. Nhà máy phân lân Hàm Rồng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, đã khử được gần hết chất độc trong khói phân lân, bảo vệ sức khỏe của công nhân trong khi sản xuất, không ảnh hưởng đến sức khỏe và hoa màu của nhân dân ở xung quanh nhà máy. Ngành địa chất đã áp dụng phương pháp từ trọng và vật lý trong việc thăm dò, đã phát hiện được nhiều hiện tượng cấu tạo địa chất và tìm ra một số mỏ quý.
Đi đôi với thi đua hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, các nhà máy, xí nghiệp
còn tích cực tham gia cuộc vận động thi đua tiết kiệm và đẩy mạnh sản xuất nguyên vật
liệu, tận dụng nguyên liệu, vật liệu vụn. Nhiều thiết bị, máy móc cũ, có thứ bỏ đi, đã được
cải tiến thành thiết bị máy móc tốt, có năng suất cao. Nhà máy cơ khí Duyên Hải đã cải tiến 49 máy các loại, tăng năng suất từ 50% đến 200%. Nhà máy xi măng Hải Phòng cải tiến năm lò nung vượt công suất thiết kế, mỗi ngày tăng từ 250 đến 300 tấn xi măng, mỗi năm tăng được hơn 7 vạn tấn xi măng. Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ cải tiến máy xeo giấy cũ, đưa công suất từ 2040 mét giấy một giờ lên 2.840 mét giấy một giờ, đạt được năng suất cao của máy khi còn mới. Một số thiết bị máy móc mới cũng được cải tiến: nhà máy cơ khí Hà Nội đã cải tiến lò luyện thép đưa sản lượng đúc thép mỗi mẻ từ 1.500 ki- lô lên 2.300 ki-lô và làm tăng tuổi thọ của lò; Xưởng May 10 cải tiến 24 máy đính cúc, mỗi năm giảm được hơn 2 vạn công thợ. Tổ sản xuất vành bánh ở xưởng ô tô Hòa Bình đã liên tục cải tiến kỹ thuật, từ sản xuất thủ công tiến lên sản xuất toàn bằng máy móc, hạ thời gian lao động mỗi bộ vành bánh từ 220 giờ xuống 41 phút. Nhiều xí nghiệp đã cố gắng tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu, tìm nguyên liệu, vật liệu thay thế, tận dụng nguyên liệu, vật liệu vụn, cũ. Công trường nhà máy thủy tinh Hải Phòng dùng đồ gỗ và tre trong việc làm cốp-pha bê-tông móng không phải dùng 1.623 mét khối gỗ mới. Nhà máy rượu Hà-Nội nghiên cứu thành công việc nấu rượu bằng ngô, khoai, sắn, mỗi năm bớt được 7.400 tấn gạo. Các nhà máy Sắt tráng men, Văn phòng phẩm Hồng Hà, pin Văn Điển, Xà phòng, Cao su Sao vàng, thuốc lá Thăng Long đã sử dụng hơn 50 loại nguyên liệu, vật liệu trong nước, không phải nhập hàng ngàn tấn của nước ngoài. Các nhà máy điện nhờ
cải tiến ghi lò, dùng than cám xấu đốt lò, hàng năm giảm được 10 vạn tấn than don. Cục vật liệu dùng ống nước bằng bê tông đúc thay ống gang, không phải dùng 1.620 tấn gang. Nhà máy cá hộp Hạ Long đã lấy được 4.317 lít dầu cá ở gan cá, chất lượng tốt [49, tr.10 - 12].
Công tác cải tiến quản lý sản xuất và xây dựng được chú trọng, đã mang lại nhiều tiến bộ. Nhà máy cơ khí Duyên Hải đã lập chương trình, kế hoạch cụ thể về cải tiến kỹ thuật, phối hợp chặt chẽ công tác kế hoạch, kỹ thuật, cung tiêu và tài vụ, thi hành chế độ hạch toán kinh tế ở nhiều tổ sản xuất. Bộ kiến trúc xây dựng được các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật cụ thể, thực hiện chế độ quản lý kế hoạch, kỹ thuật, đưa việc quản lý thiết kế đi vào kế hoạch, đã hạn chế tình trạng không ăn khớp giữa các bộ phận kiến trúc, điện nước. Các cục quản lý thuộc Bộ công nghiệp nặng cải tiến lề lối làm việc, tinh giản bộ máy, đã rút được nhiều cán bộ bổ sung cho các xí nghiệp. Bộ công nghiệp nhẹ thực hiện chế độ cán bộ tham gia lao động ở xí nghiệp, nhờ đó cán bộ nắm được tình hình sản xuất, giải quyết công việc tốt hơn trước.
Phong trào thi đua với Duyên Hải như những làn sóng cách mạng mạnh mẽ, dâng lên đợt này qua đợt khác, động viên, cổ vũ công nhân, cả người có trình độ kỹ thuật khá lẫn người mới vào nghề, cả trẻ lẫn già, cả nam lẫn nữ, đều hăng hái thi đua phát huy sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hạ giá thành của sản phẩm và công trình. Phong trào thi đua với Duyên Hải đồng thời làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng của công nhân, viên chức, nâng cao thêm tinh thần tập thể, tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa. Trong năm 1961, số sáng kiến là 75.000. Trong năm 1962 số sáng kiến lên tới hơn 9 vạn sáng kiến [50, tr. 12]. Sự ra đời của các sáng kiến như sự nở rộ của hoa mùa xuân. Rất nhiều sáng kiến có giá trị về khoa học, kỹ thuật góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất lao động, có những sáng kiến làm tăng năng suất lên đến 39 lần, vượt hơn 10 vạn chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật. Thành tích của phong trào đã khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân nước ta trong sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Thực tế dễ nhận thấy là những đơn vị có phong trào thi đua tập thể cao đều phát
huy được nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất hoặc công tác. Các tổ, đội lao động tiên tiến tình nguyện phấn đấu trở
thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa của ngành công nghiệp đều có từ 12 sáng kiến đến 38 sáng kiến, tổ nào cũng hoàn thành kế hoạch Nhà nước trước thời hạn từ 10 ngày đến 164 ngày. Rất nhiều sáng kiến của tập thể ra đời. Nhiều sáng kiến của cá nhân, lúc đầu thực hiện không thành công, khi biết kết hợp với trí tuệ của tập thể, đã thành sáng kiến lớn. Ví dụ: tổ trạm 6.600 vôn ở nhà máy điện Hà Nội, năm 1961 có 30 sáng kiến, 70 kiến nghị hợp lý hóa, hầu hết là của tập thể; đặc biệt có sáng kiến làm máy thổi bụi trong trạm điện cao thế, trước đây đã có người nghĩ ra nhưng không thực hiện được, tổ mang ra thảo luận tập thể, kết quả là chế được máy thổi bụi rất tốt, tiết kiệm được nhân công, mỗi năm lợi được 72.000 đồng. Đồng chí Hoàng Văn Tiến ở mỏ than Thống Nhất có sáng kiến cải tiến tổ chức lao động và bố trí quy trình khai thác hợp lý đã giảm bớt 25 lao động, đưa năng suất của lò mỗi ngày từ 50 tấn lên 135 tấn [50, tr. 30].
Phong trào lao động xã hội chủ nghĩa thu hút nhiều nhà máy, xí nghiệp tham gia, thu
được nhiều kết quả. Tính đến năm 1962, Nhà máy Xi măng Hải Phòng có 56 tổ đã ghi tên, 17 tổ được công nhận, Nhà máy Dệt Nam Định có 55 tổ ghi tên, 16 tổ được công nhận, Gang thép Thái Nguyên có 206 tổ ghi tên, 14 tổ được công nhận, Cơ khí Hà Nội có 21 tổ ghi tên, 9 tổ được công nhận…[50, tr. 2].
Các phong trào thi đua yêu nước đã mang lại cho nền công nghiệp miền Bắc nhiều biến đổi. Đã có những thay đổi sâu sắc về quan hệ sản xuất, về cơ cấu và sức sản xuất. Tỷ trọng công nghiệp (kể cả thủ công nghiệp) trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp, nông nghiệp đến năm 1961 đã lên đến 43% (năm 1955 là 16,9%). Vai trò chủ đạo của công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân đã bắt đầu được phát huy. Một số ngành công nghiệp nặng chủ yếu đã hình thành, công nghiệp nhẹ đã lớn lên nhanh chóng. Trình độ quản lý công nghiệp đã được nâng lên một bước. Nhiều xí nghiệp đã chủ động sản xuất, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Giai cấp công nhân lớn mạnh về mọi mặt. Liên minh giữa giai cấp công nhân và nông dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày càng chặt chẽ…
Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng từ 1.248 triệu đồng năm 1960, lên 2.365 triệu đồng năm 1965. Nhịp độ tăng bình quân hàng năm là 13,6%. Công nghiệp phục vụ nông nghiệp ngày càng hiệu quả, đặc biệt trong các ngành thủy lợi, trang bị máy móc,