Giai đoạn khảo sát chính thức

Một phần của tài liệu động cơ học tập của sinh viên trường đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố hồ chí minh (Trang 43 - 45)

Kết quả giai đoạn khảo sát thăm dò thu được rất nhiều ý kiến khác nhau về động cơ học tập cũng như các yếu tố tác động đến động cơ học tập của sinh viên. Dựa vào kết quả khảo sát, người nghiên cứu đã tiến hành giai đoạn khảo sát chính thức bằng việc soạn thảo công cụ đo chính thức là phiếu thăm dò ý kiến kết hợp với nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau.

Phiếu thăm dò ý kiến bao gồm 02 phần: Phần 01 gồm những thông tin cá nhân của khách thể nghiên cứu; phần 2 là nội dung bảng hỏi.

Phương pháp khảo sát bằng bảng hỏi được thực hiện với mục đích tìm hiểu thực trạng động cơ học tập và các yếu tố tác động tới động cơ học tập của sinh viên trường ĐHKHXH&NV TP.HCM. Khách thể khảo sát bao gồm sinh viên, giảng viên và cán bộ trường ĐHKHXH&NV TP.HCM.

Hiện nay trường ĐHKHXH&NV bao gồm 28 Khoa và Bộ môn với tổng số sinh viên hệ chính quy khoảng 11.000 sinh viên. Đây là lượng sinh viên rất lớn nên người nghiên cứu đã tiến hành chọn mẫu nghiên cứu đại diện với số lượng là 450 sinh viên của 06 khoa.

Quá trình nghiên cứu được tiến hành bằng việc cá nhân hoàn thành bảng hỏi theo nguyên tắc: mỗi khách thể tham gia trả lời bảng hỏi một cách độc lập, theo suy nghĩ riêng của từng người, không được phép trao đổi, bàn bạc với những người xung quanh. Nội dung khảo sát được thống nhất theo nội dung bảng hỏi đã được hoàn thiện sau khi khảo sát thử, bao gồm các thông tin: những biểu hiện của động cơ học tập; những yếu tố ảnh hưởng đến việc hình thành, phát triển và thay đổi mục đích học tập của sinh viên; những biện pháp cụ thể để nhà Trường giúp sinh viên có được động cơ học tập đúng đắn nhằm đạt kết quả cao.

Để đảm bảo tính trung thực của các câu trả lời trong phiếu thăm dò ý kiến, trong phần thu thập số liệu người nghiên cứu thông báo cho sinh viên biết mục đích của cuộc nghiên cứu không nhằm mục đích nghiên cứu từng cá nhân riêng lẻ, cũng như không đánh giá trên một cá nhân qua kết quả nghiên cứu mà chỉ quan tâm đến kết quả chung của cuộc nghiên cứu.

Với tất cả những số liệu thu thập được, người nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS để tính tần số, tỉ lệ phần trăm, mức độ tương quan của các vấn đề nghiên cứu.

Phương pháp phỏng vấn sâu được thực hiện với mục đích thu thập, bổ sung và làm rõ những thông tin đã thu được qua khảo sát bằng bảng hỏi. Khách thể khảo sát của phương pháp này là 30 sinh viên chia đều cho 6 Khoa.

Quá trình nghiên cứu được tiến hành bằng cách phỏng vấn trực tiếp từng cá

nhân theo nguyên tắc: phỏng vấn những vấn đề liên quan đến giới hạn nghiên cứu

của đề tài và giữ bí mật về người được phỏng vấn cũng như những những thông tin người phỏng vấn cung cấp. Nội dung phỏng vấn bao gồm những thông tin về cá nhân, tìm hiểu động cơ học tập và những nhân tố ảnh hưởng tới động cơ học tập của sinh viên, lý giải nguyên nhân và đề xuất những giải pháp nhằm có biện pháp giáo dục động cơ học tập đúng đắn cho sinh viên để việc học thực sự đem lại hiệu quả.

Bên cạnh phương pháp nghiên cứu bằng phiếu thăm dò ý kiến và phỏng vấn sâu, người nghiên cứu còn sử dụng biện pháp quan sát nhằm đánh giá độ trung thực của khách thể khi tham gia trả lời bảng hỏi và những câu hỏi phỏng vấn sâu. Nội dung quan sát bao gồm hoạt động học tập của sinh viên ở trên lớp, trong thư viện, thái độ, hứng thú của sinh viên trước, trong và sau giờ học. Ngoài ra, phương pháp phân tích sản phẩm hoạt động cũng được người nghiên cứu sử dụng để hỗ trợ và làm sáng tỏ hơn kết quả nghiên cứu từ những phương pháp nghiên cứu trên. Nội dung nghiên cứu của phương pháp này bao gồm việc xem xét kết quả học tập của sinh viên, sản phẩm quá trình sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học và việc tham gia các hoạt động ngoại khóa do Khoa và nhà Trường tổ chức.

Một phần của tài liệu động cơ học tập của sinh viên trường đại học khoa học xã hội và nhân văn thành phố hồ chí minh (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)