• Định nghĩa động cơ học tập
Theo A.N.Leonchiev, động cơ học tập là sự định hướng của các em đối với việc lĩnh hội tri thức, với việc dành điểm tốt và sự khen ngợi của cha mẹ, giáo viên…
Tác giả Nguyễn Thạc cho rằng, động cơ học tập là những hiện tượng, sự vật trở thành cái kích thích người sinh viên đạt kết quả nhận thức và hình thành, phát triển nhân cách. [18; 123]
Như vậy, động cơ học tập là nhu cầu thúc đẩy chủ thể của hoạt động học nhằm thỏa mãn những nhu cầu nhất định của bản thân.
• Phân loại động cơ học tập
Động cơ học tập không phải là động cơ thuộc về sinh học mà thuộc về động cơ xã hội hay theo A.Maslow, đó là động cơ thành đạt, là động cơ mà con người muốn vươn lên để tự khẳng định mình.
Tác giả A.V.Petrovski chia động cơ học tập thành hai loại là động cơ bên trong và động cơ bên ngoài. Động cơ bên trong là động cơ do những yếu tố kích thích xuất phát từ mục đích học tập. Động cơ bên ngoài là động cơ do những yếu tố kích thích bên ngoài đối với mục đích học tập. [16]
Tác giả Lê Văn Hồng chia động cơ học tập làm hai loại là những động cơ hoàn thiện tri thức và những động cơ quan hệ xã hội. [8]
Dựa vào mục đích học tập, nhiều nhà Tâm lý học khi nghiên cứu về động cơ học tập đã phân chia thành 5 loại động cơ chủ yếu: động cơ xã hội, động cơ nhận thức khoa học, động cơ nghề nghiệp, động cơ tự khẳng định mình và động cơ vụ lợi. [18; 124]
Các nhóm động cơ trên đều có tác dụng thúc đẩy hoạt động học tập của sinh viên nhưng không phải đồng đều mà sẽ gây nên tình trạng thứ bậc các động cơ ưu thế.
Căn cứ vào đặc điểm hoạt động học tập của sinh viên, trong đề tài này, chúng tôi xem xét 4 loại động cơ chủ yếu là: động cơ nhận thức khoa học, động cơ xã hội, động cơ nghề nghiệp và động cơ tự khẳng định.