• Lịch sử hình thành và phát triển
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (ĐHKHXH&NV) có lịch sử trên 50 năm với tiền thân là Trường Đại học Văn Khoa, thuộc Viện Đại học Sài Gòn, thành lập năm 1957.
Sau ngày thống nhất đất nước, tháng 10/1975, Trường Đại học Văn Khoa có nhiều thay đổi về mục tiêu, chương trình và nội dung đào tạo.
Tháng 4/1977 Trường Đại học Văn Khoa hợp nhất với Trường Đại học Khoa học thành Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Ngày 30/3/1996, Trường ĐH KHXH&NV được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường Đại học Tổng hợp
TP.HCM và là một trong những trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia
TP.HCM.
Trường ĐHKHXH&NV có vai trò quan trọng trong nền giáo dục đại học của Việt Nam, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học có chất lượng cao ở địa bàn các tỉnh phía Nam.
• Quy mô đào tạo
Trường có hơn 31.000 sinh viên và học viên sau đại học thuộc các loại hình đào tạo khác nhau; trong đó có 11.000 sinh viên chính quy (với hơn 200 sinh viên nước ngoài), hơn 1.700 nghiên cứu sinh, học viên cao học.
Hàng năm, trường còn thu hút hàng nghìn lượt học viên người nước ngoài đến theo học tiếng Việt và văn hoá, lịch sử… Việt Nam hình thức chính quy bậc đại học (ngành Việt Nam học, Quan hệ quốc tế, Ngữ văn Anh, Ngữ văn Pháp...) và sau đại học (chuyên ngành Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Lịch sử...), là trường có số lượng sinh viên, học viên người nước ngoài đông nhất tại Việt Nam hiện nay.
Với 53 chương trình giáo dục thuộc 28 ngành đào tạo bậc đại học, 33 chương trình sau đại học và trên 10 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, trường đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu đa dạng của người học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP.HCM, các tỉnh, thành phía Nam trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
• Tầm nhìn và sứ mạng
Là một thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường ĐHKHXH&NV có vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.
Để hoàn thành trọng trách đó, Trường ĐHKHXH&NV tuyên bố Tầm nhìn, Sứ mạng và Mục tiêu như sau:
Tầm nhìn: Trường ĐHKHXH&NV là trường đại học định hướng nghiên cứu, từng bước tiến đến đại học nghiên cứu theo mô hình hiện đại của đại học thế giới, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học về các ngành KHXH&NV của Việt Nam và tại khu vực châu Á.
Sứ mạng: Trường ĐHKHXH&NV là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao; cung ứng nguồn nhân lực trình độ cao và có bản sắc riêng trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; cung cấp các sản phẩm khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách xã hội; góp phần tạo dựng vị thế của KHXH&NV Việt Nam trong khu vực.
Mục tiêu: Giai đoạn 2011-2015, Trường ĐHKHXH&NV có những bước đột phá về quản trị đại học, đào tạo, nghiên cứu khoa học để trở thành cơ sở hàng đầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng của Việt Nam trong các lĩnh vực KHXH&NV; cung cấp các dịch vụ khoa học và giáo dục chất lượng cao cho nền kinh tế quốc dân; khẳng định vị thế của một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học quan trọng ở Đông Nam Á.
• Đời sống sinh viên
Học tập và nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sinh viên Trường ĐHKHXH&NV. Sinh viên các hệ đào tạo của Trường được học tập thông qua nhiều hình thức khác nhau như: nghe giảng, thảo luận chuyên đề (seminar) trên lớp; đọc sách, nghiên cứu tại các thư viện; tham dự các buổi thuyết trình chuyên đề (ngoại khoá); tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt học thuật, học theo nhóm; đi du khảo, khảo sát thực tế, thu nhập tư liệu viết báo cáo; tham gia các hội thảo khoa học, các chương trình nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên hoặc các chương trình nghiên cứu khoa học (NCKH) do Trường hoặc các cơ quan khoa học trong nước hoặc quốc tế tổ chức tại Việt Nam hoặc nước ngoài; trao đổi học thuật, du học theo hình thức học bổng toàn phần, bán phần hoặc theo các chương trình trao đổi sinh viên, giao lưu…
Ngoài học tập, nghiên cứu khoa học, các sinh viên của Trường còn tham gia các hoạt động văn – thể – mỹ và hoạt động xã hội, cộng đồng nhằm phát huy các khả năng của mình cũng như tăng cường những kiến thức về xã hội, kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm và tương trợ cộng đồng. Sinh viên của Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động như: hội diễn văn nghệ, hội thao sinh viên, lễ hội văn hoá, công tác xã hội như: phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thăm hỏi các thương bệnh binh nặng tại các trung tâm điều dưỡng, giúp đỡ người nghèo, trẻ em tàn tật, neo đơn, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tham gia các chiến dịch: “Mùa hè xanh”, “Mùa xuân tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo”...