Động cơ là cái thúc đẩy hành động, nó gắn liền với việc thỏa mãn những nhu cầu của chủ thể, là toàn bộ những điều kiện bên trong và bên ngoài có khả năng khơi dậy tính tích cực của chủ thể và xác định xu hướng của nó. Điều đó nói lên mối tương quan giữa động cơ với nhu cầu và ý thức của chủ thể.
• Mỗi quan hệ giữa động cơ với nhu cầu
Theo quan điểm Tâm lý học Mác-xít, nhu cầu là động lực đầu tiên thúc đẩy hoạt động của con người, là nguồn gốc của tính tích cực hoạt động. Không có nhu cầu của con người thì không có bất kỳ hoạt động nào của nó và sự tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân trong thế giới khách quan luôn gắn liền với các nhu cầu. Do vậy, nhu cầu và động cơ có mối quan hệ với nhau: nếu như nhu cầu là động lực đầu tiên kích thích con người hoạt động, là cơ sở của động cơ thì động cơ hướng dẫn, kích thích và thúc đẩy hoạt động nhằm đạt được đối tượng thỏa mãn nhu cầu của con người. [14]
Bàn về mối quan hệ giữa nhu cầu và động cơ, tác giả B.Ph. Lomov cho rằng: không thể tách biệt nhu cầu và động cơ. Nhu cầu có quan hệ mật thiết với động cơ vì động cơ là sự biểu hiện chủ quan của nhu cầu và ngược lại, nhu cầu là cơ sở của động cơ.
• Mối quan hệ giữa động cơ và ý thức
Về thực chất, mối quan hệ giữa động cơ và ý thức thể hiện ở chỗ: động cơ
không phải là một hiện tượng tâm lý mà ý thức không thể với tới. Động cơ hoạt
động của con người không tách rời khỏi ý thức song chúng có thể được phản ánh ở nhiều mức độ khác nhau. Về mặt chủ quan, động cơ hoạt động được phản ánh gián tiếp thông qua cảm nhận của chủ thể về các trạng thái xúc cảm có liên quan tới động cơ. Về mặt khách quan, chúng có thể được chủ thể ý thức nhờ việc phân tích hoạt động. Mối quan hệ giữa động cơ học tập của con người (trong đó có động cơ học tập) và ý thức còn cho thấy con người còn có thể biểu đạt một cách có ý thức về động cơ hoạt động của bản thân bằng nhiều cách khác nhau (ngôn ngữ, hành động có chủ đích). [22]