7. Các đóng góp của luận văn
1.4.3. Chu trình khám phá
Một nhiệm vụ khám phá trong mô hình dạy học khám phá IBL bao gồm 5 giai đoạn cơ bản[28]:
24
Hình 1.1. Chu trình khám phá trong mô hình IBL
Chu trình khám phá là một quá trình học sinh tham gia đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi thông qua quá trình tự tìm hiểu, thông qua đó tự hình thành khái niệm, kiến thức mới[31]. Một nhiệm vụ khám phá được hoàn thành khi học sinh lĩnh hội được kiến thức đáp ứng câu hỏi được đặt ra ban đầu[30].
1.4.3.1. Đặt câu hỏi
Bước đầu tiên trong một chu trình khám phá là xây dựng câu hỏi liên quan đến chủ đề cần tìm hiểu. Trong giai đoạn này, giáo viên không phải là người đặt câu hỏi cho học sinh mà phải là người giúp các em định hướng để nảy sinh câu hỏi của bản thân về vấn đề cần tìm hiểu. Vì vậy, vai trò của giáo viên trong giai đoạn này là phải đặt người học vào tình huống làm nảy sinh vấn đề chưa rõ cần tìm hiểu. Khi học sinh đã nảy sinh thắc mắc thì các em sẽ có hứng thú, động lực và nhu cầu để “khám phá”.
1.4.3.2. Khám phá, nghiên cứu
Khi đã xác định được câu hỏi cần giải quyết, học sinh được khuyến khích tìm hiểu bằng cách tập hợp các thông tin liên quan từ nhiều nguồn tư liệu, có thể do giáo viên cung cấp hoặc các tài nguyên thông tin khác. Trong giai đoạn này, học sinh được học tập và rèn luyện kĩ năng tìm kiếm và chọn lọc thông tin. Đây là một trong những kĩ năng cần thiết trong cuộc sống hiện nay.
25
1.4.3.3. Tổng hợp thông tin, hình thành hiểu biết
Khi đã có lượng thông tin đầy đủ, học sinh bắt đầu phân tích, tổng hợp, liên kết các dữ liệu để hình thành câu trả lời cho vấn đề đang tìm hiểu. Người học bây giờ đảm nhiệm vai trò tạo ra kiến thức mới (đối với bản thân), nằm ngoài kinh nghiệm trước đó của họ. Công việc này giúp học sinh liên hệ được những kiến thức và kinh nghiệm đã có của bản thân với kiến thức mới.
1.4.3.4. Thảo luận
Học sinh chia sẻ những ý tưởng mới, những kinh nghiệm, so sánh những ghi chú trong quá trình tìm hiểu và thảo luận kết luận với các thành viên trong nhóm. Giáo viên có thể giúp đỡ học sinh định hướng các cuộc thảo luận đồng thời giúp học sinh nhận ra những kiến thức cần thiết quan trọng liên quan đến vấn đề cần giải quyết.
1.4.3.5. Phản hồi
Cuối cùng, học sinh cần phải tổng hợp được hoàn chỉnh những kiến thức đã có để giải quyết vấn đề đang quan tâm. Trong giai đoạn này, học sinh cần phải trình bày kết quả đã tìm hiểu để qua đó nhìn nhận lại quá trình khám phá của bản thân về câu hỏi được đặt ra. Đây là một bước quan trọng để giúp học sinh rèn luyện tư duy một cách hệ thống. Chính giai đoạn này sẽ có thể làm nảy sinh nhu cầu tiếp tục tìm hiểu sâu rộng hơn về chủ đề lớn, và một chu trình khám phá lại tiếp diễn.
Mỗi bước trong chu trình này tự nhiên sẽ dẫn đến bước tiếp theo bằng những câu hỏi mới. Thông qua chu trình khám phá, học sinh sẽ phát triển được tính tích cực học tập và nhận thức đồng thời rèn luyện được kĩ năng giải quyết vấn đề một cách hệ thống. Câu hỏi được sử dụng trong IBL mang tính chất hệ thống chặt chẽ, do đó việc lựa chọn bộ câu hỏi định hướng làm công cụ chủ đạo cho quá trình dạy học khám phá là hợp lí và cần thiết. Bộ câu hỏi định hướng sẽ giúp người học tư duy chặt chẽ và chiếm lĩnh kiến thức một cách hợp lí.